Sai đường nhưng cố “giữ phần” cho con

Mỹ Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mẹ tôi đã từng chì chiết, mắng chửi tôi không ra gì khi bắt gặp mối quan hệ sai trái của tôi với người đàn ông gần bằng tuổi mình. Bà đay đi nghiến lại tôi bằng câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/… Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng/Cầm bằng làm mướn mướn không công”. Vậy nhưng sự lầm đường và ích kỷ cứ đẩy tôi đi mỗi lúc một xa.

Anh - một người đàn ông đã có tuổi nhưng vẫn còn phong độ, có một cơ ngơi to đẹp, một khối tài sản kếch sù và một gia đình đủ nếp tẻ nhiều người mong ước. Chúng tôi quen nhau trong một buổi giao lưu các doanh nghiệp trong ngành thủy sản. Tôi – trợ lý giám đốc của một công ty, trẻ trung, có nhan sắc, vô tình trúng mũi tên của thần tình yêu rồi ngã vào vòng tay rắn chắc của anh. 

Tôi thừa biết rằng đây là sai lầm. Là cái sai không thể bào chữa được. Vậy nhưng tôi không thể dừng lại, vì tôi nhận ra tôi yêu anh không vì tài sản, mà vì tình yêu hoàn toàn trong sáng. Biết rằng anh có gia đình, mỗi lần gặp nhau tôi đều tự nhủ rằng đây sẽ là lần cuối cùng gặp gỡ, chắc chắn sẽ là lần cuối cùng. Thế mà số phận trớ trêu thay, tôi có thai đứa con của anh, và đau lòng khi đứng trước những lựa chọn: Một bên là tương lai xán lạn với đủ món quà được người tình chu cấp, một bên là vò võ một mình nuôi con. Biết được những giày vò khổ tâm của tôi, anh động viên tôi giữ lại cái thai và hứa rằng sẽ chu cấp cho đứa nhỏ thật đàng hoàng, cho tới khi nó trưởng thành.

Sai đường nhưng cố “giữ phần” cho con  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Mẹ tôi thì không chấp nhận được điều này. Bà thẳng thừng, gạt những lời tôi nói và đuổi tôi ra khỏi nhà. Là một người phụ nữ trọng những giá trị truyền thống hơn tất thảy mọi thứ trên đời, dù yêu con nhưng bà vẫn không thể chịu đựng được sự lầm đường lạc lối của con, cảm thấy nhục nhã khi bị người đời soi mói, sợ những lời gièm pha của láng giềng, hàng xóm. Hiểu mẹ mình, tôi gạt nước mắt ra đi.

Nghe theo lời của người tình, tôi nghỉ việc ở công ty, sống tại căn hộ nho nhỏ do anh thuê, tự chăm sóc sức khỏe cho mình rồi chờ đến ngày sinh nở. Ngày đứa con ra đời, nhìn khuôn mặt mừng vui rạng rỡ của anh mà tôi thấy lòng vô cùng hạnh phúc, cảm thấy mình như đã có một gia đình trọn vẹn. Dù vậy, nhưng vẫn có chút buồn thoáng qua, tôi nào có danh phận gì, vẫn chỉ là bồ nhí, chỉ là một người sinh thêm con cho người tình. Tôi luôn phải giấu giếm thật kỹ để tránh vợ của anh biết. Cái cảnh “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng” cứ luẩn quẩn trong đời sống của tôi. 

Thời gian cứ thế trôi đi. Con trai tôi rất quấn bố. Mỗi tuần vài lần, anh đều qua thăm con và chu cấp cho hai mẹ con rất đầy đủ. Tôi cứ mải mê trong cái hạnh phúc lỡ lầm này mà đôi lúc quên đi thân phận tiểu tam của mình. Quên rằng mình đang phá nát hạnh phúc gia đình của người khác. Những lúc tôi hạnh phúc thì có một người phụ nữ đang đau khổ, hoặc họ đang khổ nhưng không biết mình khổ. Lương tâm cắn rứt, không biết đã bao lần tôi muốn nói lời đề nghị dừng lại, chấm dứt mối quan hệ sai trái này nhưng lại không đủ dũng cảm để nói ra. 

Tôi nghĩ lý do vì bản thân mình quá yếu kém, nếu không có anh thì không biết nên làm thế nào để có thể nuôi con. Hoặc nếu có một mình gồng gánh, cũng chẳng thể nào cho con có được điều kiện sống và học tập tốt như hiện tại. Rồi nhiều khi một luồng suy nghĩ khác lại nhanh chóng lướt qua, sau này con tôi có lớn lên và biết được sự thật về mối quan hệ của cha mẹ, thì nó sẽ nghĩ về mẹ nó như thế nào?

Sai đường nhưng cố “giữ phần” cho con  - ảnh 2
Ảnh minh họa

Theo lời một người quen, tôi biết được tin rằng vợ anh đã biết mối quan hệ vụng trộm này. Tôi nơm nớp lo sợ một ngày chị ta sẽ đến tìm tôi, cho một cái bạt tai hay tệ hơn là một cốc chất lỏng gì đó vào mặt. Tôi luôn nghĩ làm vợ của một người có tiền, có địa vị thì làm gì có ai hiền? Tôi sống trong nỗi bất an thường trực trong lòng thần hồn, thần tính, mỗi lần ra đường luôn cố làm xong việc thật nhanh rồi chạy về nhà đóng chặt cửa lại. Quá mệt mỏi, tôi đề nghị dừng lại mối quan hệ vốn dĩ rất nhiều sai lầm này. Anh nghe điện thoại, yêu cầu một cuộc nói chuyện rõ ràng. Tôi đồng ý nhưng cũng không ngờ rằng đây là lần cuối cùng chúng tôi nghe được tiếng của nhau.

Một chiếc ôtô vượt đèn đỏ tông trúng xe của anh. Anh mất trên đường đến bệnh viện. Tôi đau khổ, trái tim như có ai bóp chặt, muốn khóc mà không thể khóc được. Tôi lấy danh nghĩa gì mà khóc anh? Tôi lấy thân phận gì, quan hệ gì để đến nhìn mặt anh lần cuối đây? Anh mất đi, để lại trong tôi một khoảng trời cô quạnh, con trai tôi liên tục đòi gặp bố mà tôi chỉ có thể nói dối con rằng bố đi công tác, lâu lâu nữa mới được về. Tôi phải cáng đáng tất cả để có thể lo cho con mình. 

Tôi đi sớm, về khuya hơn, làm thêm làm nếm để có điều kiện chăm sóc cho thằng bé. Vài tháng sau, khi mọi chuyện đã bắt đầu vào vòng quay ổn định, tôi lại chợt có một suy nghĩ táo bạo, đó là đến gặp vợ của anh để mong rằng con mình có được chút danh phận và quyền lợi từ người cha giàu có. Rồi con tôi sẽ có cuộc sống đầy đủ như trước, tôi cũng không phải vất vả nhiều, chỉ cần lo ăn uống hàng ngày là được. Cho đến giờ phút đó, tôi vẫn không hề nghĩ rằng mình là người thiếu tự trọng đến thế.

Tôi hỏi ý kiến của mẹ mình. Không ngoài dự đoán, bà giáng cho tôi một cái tát nảy lửa. Bao năm rồi bà vẫn không thể chấp nhận đứa con gái đang tâm phá hoại gia đình người khác, nay còn trơ trẽn đến gặp nhà người ta rồi đòi quyền lợi. Bà khóc trong đau khổ, khóc vì không dạy được con, vì xấu hổ và nhục nhã khi có đứa con gái không có liêm sỉ, mai sau có xuống suối vàng cũng chẳng còn mặt mũi đâu mà nhìn chồng nữa. 

Sai đường nhưng cố “giữ phần” cho con  - ảnh 3
Ảnh minh họa

Trong làn nước mắt đắng chát, bà van xin tôi hãy nghĩ cho bà và cho chính bản thân mình. Bà nói cái sĩ diện, cái lòng tự trọng mới là cái đáng quý nhất. Tôi đã sai một lần rồi, đừng sai thêm lần nữa, đừng lôi bản thân mình ra để cho người đời phỉ nhổ là một con người vô đạo đức. Kể từ khi cha tôi mất, một mình mẹ vẫn kiên cường nuôi hai anh em tôi nên người, chẳng cần nhờ cậy vào ai, thế mà con vẫn khôn lớn, vẫn được ăn học đàng hoàng.

Từng lời mẹ nói như mở ra một vùng trời mới trong tôi. Mẹ dạy dỗ con chẳng bao giờ là dạy những điều sai. Cá không ăn muối cá ươn, đúng thế, tôi đã sai rồi, và không thể dùng cái sai này để sửa chữa cho cái sai khác được. Sống trên cuộc đời này, cần nhất vẫn là lòng tự trọng, đáng quý nhất vẫn là sự cố gắng, thực lực của chính bản thân mình. Dẫu rằng con trai tôi có một ông bố giàu có, nhưng tôi sẽ không vì tiền bạc mà bán rẻ tự trọng của mình và con. Tôi còn trẻ, còn sức khỏe, sẽ đứng dậy và làm việc bằng sức lực của mình để cho con có được cuộc sống đầy đủ. 

Một thời gian sau, chị vợ của anh mời tôi đến nhà. Chị yêu cầu tôi cho con trai đến ở nhà chị để tiện chăm sóc, cũng như cho con một cuộc sống khá giả không cần lo nghĩ về tiền bạc, bản thân tôi cũng có quyền lợi thỏa đáng. Từng lời chị nói ra đều trí tuệ và hết sức chân thành, không hề có ý hay lăng mạ, sỉ nhục. Tôi càng thấy thấm hơn từng lời mẹ dạy về giá trị của người phụ nữ. Từ chối mọi đặc quyền người phụ nữ độ lượng kia đưa ra, tôi xin phép ra về, lòng ươm một khoảng trời mênh mang, tràn đầy sự thoải mái và thanh thản.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.