Sân trường nào phải công viên

Chia sẻ

Trong cuộc nói chuyện rất cởi mở với các học trò lớp 12 của mình, tôi hỏi suy nghĩ của các em về bức ảnh hôn nhau của hai bạn ở sân trường trong ngày tổng kết đang được lưu truyền trên mạng xã hội. Chúng cười ồ, một vài đứa nhanh nhảu trả lời: “Chuyện nhỏ mà cô...".

Trong cuộc nói chuyện rất cởi mở với các học trò lớp 12 của mình, tôi hỏi suy nghĩ của các em về bức ảnh hôn nhau của hai bạn ở sân trường trong ngày tổng kết đang được lưu truyền trên mạng xã hội. Chúng cười ồ, một vài đứa nhanh nhảu trả lời: “Chuyện nhỏ mà cô, chỉ có phụ huynh mới thấy là chuyện lớn thôi”, nhưng phần đông còn lại các em đều nghiêm túc nói rằng: “Chúng em nghĩ không nên đâu cô, sân trường chứ đâu phải công viên”. Tôi gật gù mừng trong lòng vì đám học trò thường ngày vẫn lau tau vậy, mà nhiều đứa biết suy nghĩ sâu xa. Hẳn rồi, sân trường nào phải công viên.

Ở góc độ nhà giáo, tôi đã chứng kiến nhiều chuyện tình yêu của con trẻ khi chúng còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Tình yêu là một thứ cảm xúc kì lạ, không thể nào ngăn cản được. Yêu kín đáo có, lộ liễu có. Yêu để thúc đẩy nhau học hành tích cực hơn có, nhưng yêu mù quáng để lại hậu quả đáng tiếc cũng có. Có đứa biết nghĩ sâu xa như một ông cụ non, nhưng hầu hết với học trò đều theo kiểu tình yêu bọ xít con trẻ. Khi học trò trong lớp nảy sinh tình cảm khác giới như vậy, thầy cô chủ nhiệm lớp đều biết, có thể do chính học sinh tâm sự, có khi trong câu chuyện vui vẻ học sinh khác sẽ vô tình mà lộ chuyện. Nhưng cũng có khi do chính chủ nhân bộc lộ tình tứ một cách thái quá ở chốn đông người.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hầu hết các thầy cô ở trường học đều có những nhắc nhở nếu học sinh bộc lộ tình cảm thái quá trong lớp. Ai cũng hiểu không thể cấm cản được tình cảm tự nhiên của con người, nhất là tình yêu, nhưng để nắm bắt và định hướng để bọn trẻ đi đúng đường ray mới là điều quan trọng.

Nhiều phụ huynh đã từng nhờ các thầy cô giáo “để ý giùm bọn trẻ chuyện yêu đương”. Bởi suy cho cùng học trò đến trường là để vừa học kiến thức, để vừa được uốn nắn về những hành vi sai lệch, để học lễ, học văn. Nếu thả lỏng một cách tự nhiên cho bọn trẻ muốn làm gì cũng được thì trường học có khác gì công viên hay quá đáng hơn là giống phòng riêng của chúng? Hơn nữa, còn rất nhiều trò khác nhìn vào những cử chỉ yêu đương thái quá đó mà đánh giá, mà nhận xét, thậm chí rất khó chịu khi môi trường học tập của mình trở thành nơi tự do quá đà.

Tôi đã từng nhiều lần cho học sinh thảo luận về chuyện nên hay không tình yêu tuổi học đường? Kết quả là hầu hết các em đều chia ra hai hướng: Nên khi mà tình cảm ấy là động lực để học tập, phấn đấu; còn không nên khi các bạn nhỏ chìm đắm trong tình yêu quá để rồi kéo nhau tuột dốc. Như vậy rõ ràng tụi nhỏ cũng hiểu chuyện chứ không phải là lúc nào cũng vô tâm, vô tư như người lớn chúng ta vẫn từng nghĩ và áp đặt cho chúng.

Một cái nắm tay, một nụ hôn phớt trên má rồi chạy ù đi xấu hổ… rõ ràng nó không phải là vấn đề gì lớn. Nhưng một nụ hôn rất sâu như chốn riêng tư nhất thì có lẽ phải xem lại. Đặc biệt khoảnh khắc đó đã trở thành tấm ảnh được lưu lại, truyền đi và nhận về nhiều lời bình phẩm không hay trên mạng xã hội.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi vẫn thường nói với học sinh rằng phải luôn chú ý hành vi trong đời thực và cẩn trọng với mạng xã hội. Đừng nghĩ rằng trang cá nhân của mình thì mình đăng gì là quyền tự do của cá nhân. Thực tế đó đúng là trang cá nhân nhưng trang cá nhân ấy lại giống như cái nhà không có cửa được đặt ở giữa chợ, ai muốn vào ra đều được. Vậy thì nếu yêu đương mà công khai tình tứ, hôn hít, bày tỏ… ở lớp học, sân trường trong đời thực hay ở trên mạng xã hội thì rõ ràng nhiều người sẽ thấy. Mà thấy thì mười người mười ý, cái các em nhận về sẽ là những bình phẩm, những đánh giá về chính con người mình. Cuộc đời các em còn dài lắm, có chắc sau này các em sẽ lấy người các em đang yêu trong hiện tại không? Và trong tình huống các em không lấy nhau, người chồng (người vợ) của các em sau này có đủ bao dung để bỏ qua chuyện người bạn đời của mình đã từng bày tỏ tình cảm thái quá và ầm ĩ với người khác ở chốn đông người như thế không?

Mười bảy, mười tám tuổi tất nhiên các em đã lớn rồi. Nhưng suy nghĩ chín chắn thì không phải em nào cũng đã có. Bản thân chính các em còn đang sống phụ thuộc vào gia đình, chưa tự lập cho bản thân mình được. Vậy thì yêu thương nhau xin các em đừng thái quá. Hãy giữ cho mình tình cảm đầu đời trong trẻo hồn nhiên và đẹp đẽ nhất, không chỉ trong tâm khảm nhau mà còn đẹp nhất trong mắt mọi người. Xã hội hiện đại đã cởi mở nhưng văn hoá Á đông chúng ta vẫn coi việc bày tỏ tình cảm cá nhân nên ở nơi riêng tư nhất.

Tôi đã từng nói chuyện riêng rất nhiều lần để góp ý với học sinh có những cử chỉ yêu đương thái quá trên lớp học. Hầu hết có thể hiểu được chúng còn quá bồng bột, không nghĩ đến cái nhìn của những người xung quanh. Cũng không nghĩ rằng với cử chỉ đó, bạn bè thầy cô đánh giá không hay… Và tất nhiên tôi luôn nhấn mạnh để các em hiểu rằng, không ai cấm được nhưng nó phải phù hợp, đúng hoàn cảnh. Vậy thôi.

Tôi biết bây giờ có nhiều phụ huynh suy nghĩ rất hiện đại, rất tây nên họ coi chuyện ôm, hôn của bọn trẻ là bình thường, có gì đâu mà phải làm quá lên và nâng cao lên thành quan điểm người lớn như vậy. Nhưng với những đứa trẻ đang bắt đầu chập chững yêu đương, việc cổ xuý cho việc thể hiện tình cảm quá đà trong trường học vô cùng nguy hiểm. Học trò đó sẽ khó phân biệt được những hành vi thể hiện nơi nào là đúng, là phù hợp với hoàn cảnh văn hoá.

Vậy nên, trong nhà trường thiết nghĩ chúng ta nên giáo dục học trò bảo vệ màu áo trắng của mình được tinh khôi nhất.

ĐINH HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.
Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.