“Sao đổi ngôi”
Hôm đó, tôi đưa bố đi viện khám bệnh. Trước khi chia tay bố để đến cơ quan làm việc, tôi dặn:”Bố cứ đi khám nhé. Buổi trưa bố ra ngồi ghế đá ngoài vườn hoa kia, con tan làm sẽ đến đón bố về”.
Bố tôi vui vẻ đồng ý, còn dặn tôi mau đi nhanh kẻo muộn. Bố tôi không quen với việc đi xe ôm nên tôi luôn là người đưa đón mỗi khi bố có việc cần ra khỏi nhà. Không ngờ trưa đó, cuộc họp cơ quan kéo dài nên đầu giờ chiều tôi mới đến được bệnh viện. Các bệnh nhân khác đều đã về cả, chỉ còn mình bố vẫn ngồi ở ngoài ghế đá đợi tôi.
- Bố ơi, bố đợi con có lâu không? Con xin lỗi bố… Cơ quan con…
- Không sao, bố đợi con được. Ngày trước, con cũng toàn đợi bố đón muộn đấy thôi.
Câu nói của bố khiến tôi chợt nhớ về ngày xưa cách đây hơn 30 năm. Khi đó, tôi mới chỉ là một cô bé học sinh tiểu học, ngày ngày đều được bố đưa đi đón về trên chiếc xe đạp. Hôm nào bố tan làm sớm thì tôi được về đúng giờ. Bằng không, tôi phải về muộn nhất trường. Một lần, phố đã lên đèn mà không thấy bố đâu, tôi vừa đứng chờ bố dưới gốc cây vừa khóc như mưa. Vì chuyện này mà bố hốt hoảng, lúc đến nơi vội vứt luôn xe đạp ở đường rồi chạy tới ôm chầm lấy tôi. Bố rối rít xin lỗi, hứa lần sau sẽ không đón tôi muộn nữa. Tôi nhớ mãi gương mặt bố lúc đó, tràn đầy lo lắng và niềm ân hận. Từ khoảnh khắc ấy, tôi thề sẽ không bao giờ khóc để làm bố lo lắng nữa.
Ảnh minh họa
Thời gian trôi đi thật nhanh. Hàng nghìn ngày bố đưa đón tôi, còn bây giờ, đến lúc tôi lại là người đưa đón bố. Trước tôi chờ bố, còn giờ thì bố nhẫn nại đứng chờ tôi.
Khi tôi còn nhỏ, bố là người thầy lớn của tôi. Tôi làm gì cũng muốn hỏi ý kiến bố, từ việc đơn giản như tôi mặc bộ quần áo này có đẹp không đến những việc hệ trọng liên quan đến cuộc đời như tôi nên thi vào trường nào, chọn học ngành nào. Tôi chẳng nghĩ đến ngày, bố lại hỏi tôi những câu hỏi tương tự như vậy. Đi gặp đồng nghiệp về hưu, bố tần ngần đứng trước gương hỏi tôi bố mặc thế này được không. Nhà của bố, tiền cũng của bố nhưng muốn đổi cái tivi, mua thêm cái quạt, bố đều hỏi tôi có nên không? Tôi đồng ý thì bố mới làm.
Nhiều lúc, tôi thấy mình và bố như là hai ngôi sao đổi ngôi. Tôi đùa bố: “Ngày trước, bố soi sáng cho con còn giờ con soi sáng cho bố. Nhưng con không thích đâu, con muốn bố phải là ngôi sao sáng mãi trên trời cơ”.
Bố tôi cười hiền, để lộ hàm răng móm mém: “Bố sáng mãi sao được. Bầu trời trông thế thôi chứ cũng hẹp lắm, ngôi sao này tắt đi thì mới có chỗ cho ngôi sao khác mọc lên chứ. Con người cũng vậy, lớp người này qua đời để nhường chỗ cho lớp người khác ra đời, lớn lên”.
Vẫn biết là quy luật cuộc đời, nhưng sao, nghĩ đến việc mình đang làm “ngôi sao đổi ngôi” của bố mà tôi vẫn thấy rưng rưng.
THÁI ANH