Tầm nhìn của bố

Chia sẻ

Trong nhà, tôi gần gũi với mẹ hơn vì mẹ tình cảm, rất hay thủ thỉ với các con. Còn bố thì trầm tính, ít nói, có khi cả ngày chỉ nói với các con được dăm ba câu.

Sau khi học xong cấp 2, tôi lên thị xã để học cấp 3. Ngày tôi đi, mẹ tôi khóc lóc sụt sùi, rồi mấy ngày liền chuẩn bị hành lý chu toàn cho tôi. Nhưng, bố thì chẳng nói gì. Đến ngày tôi lên đường, bố chỉ hỏi có cần bố đưa đi không? Tôi nói không vì muốn đi cùng các bạn. Ở làng tôi ngày đó cũng có 3 đứa cùng lên thị xã học như tôi nên chúng tôi rủ nhau đi chung một chuyến xe khách cho vui. Bố nghe vậy thì bảo được rồi và chúc tôi đi an toàn. Quả thật, tôi cũng hơi hẫng hụt vì nếu là mẹ, thì mẹ sẽ nài nỉ để được đưa tôi đi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

3 năm học xa nhà, mỗi khi gọi điện về, tôi cũng chủ yếu nói chuyện với mẹ. Nếu gọi về mà gặp bố, thì bố cũng chỉ nói vắn tắt vài câu thôi rồi lại chuyển máy cho mẹ. Rồi khi tôi tốt nghiệp THPT, bố cũng để cho hai mẹ con tôi bàn bạc với nhau nên thi đại học vào trường nào. Bố chỉ nói tôi cứ chọn lựa trường nào mà tôi thích còn bố sẽ ủng hộ tôi.

Không ngờ, năm đó, tôi không đủ điểm vào khoa mà tôi đăng ký ban đầu. Tuy nhiên, nhà trường có trao cho tôi một cơ hội là có thể chuyển sang học ở khoa tiếng Ả rập nếu muốn. Mẹ tôi lúc đó không cho tôi học, bà bảo học ngoại ngữ là phải học những tiếng phổ thông như tiếng Anh, tiếng Pháp… chứ ai đi học tiếng Ả rập. Mẹ nói hay là thôi, tôi chuyển qua trường khác mà học.

Trong lúc tôi đang phân vân thì bố gọi điện. Bố nói ngắn gọn là thấy khoa tiếng Ả rập cũng được. Bố nói không phải lúc nào đi theo số đông cũng là đúng. Đôi khi, mình chọn một con đường riêng ít cạnh tranh hơn có thể lại là một lợi thế sau này. Bố cũng bảo học tiếng Ả rập sẽ vất vả hơn các thứ tiếng khác nhưng nếu tôi muốn thì bố tin tôi sẽ làm được.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bố chỉ nói thế rồi dập máy. Mấy ngày sau, bố cũng không gọi lại cho tôi. Có lẽ, bố không muốn gây áp lực cho tôi. Việc tôi quyết định như thế nào bố hỏi qua mẹ. Nghe lời bố, tôi đăng ký học khoa tiếng Ả rập, và trở thành 1 trong hơn 40 sinh viên của khóa năm đó. Đúng như bố nói, việc học một thứ tiếng mới, lại hiếm, rất vất vả. Tôi đã phải nỗ lực để không buông xuôi, vì trong lớp tôi có nhiều bạn sau khi nhập học rồi lại nản, xin dừng việc học.

Bây giờ, tôi đã ra trường và xin được một công việc khá tốt là làm phiên dịch viên. Tôi cũng không phải cạnh tranh gì vì số người có thể nói được tiếng Ả rập như tôi không nhiều nên “đường vào đời rộng thênh”.

Nhớ lại chuyện năm xưa, tôi rất cảm ơn bố. Bố tôi nói ít, nhưng luôn có cái nhìn chiến lược để định hướng cho các con đúng lúc, đúng thời điểm. Cách yêu con của bố khác mẹ, nhưng đều giống nhau ở mong muốn chúng tôi được hạnh phúc, thành công.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.