Tết này con về

NGUYỄN THỊ THIỆN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tết đến xuân về đem đến nhiều thi hứng để các nghệ sĩ có tác phẩm mới. Trong số đó, tôi rất ấn tượng với bài "Tết này con về" của Ninh Đức Hậu.

Con về vừa độ sang xuân
Vài ba sợi rét tần ngần níu đông
Nắng non thơm má cánh hồng
Nửa e ấp mở nửa chừng lên hương

Ban mai ngàn ánh mắt sương
Trong veo từng giọt ven đường cỏ non,
Ngoài ngõ hẳn mẹ đợi con
Như bao nhiêu Tết mỏi mòn ngóng trông

Dưa hành thịt mỡ nấu đông
Bánh chưng giò lụa mẹ mong con về
Thương con lầm lũi xa quê
Miếng cơm manh áo bộn bề lo toan

Tết nào cũng nóng ruột gan
Cũng ao cũng ước vượt ngàn trùng xa
Mong nhanh chân bước về nhà
Vòng tay nước mắt vỡ òa niềm vui

Mẹ ơi Tết đã đến rồi
Ngoài vườn đã nẩy cái chồi non tơ
Tết này chẳng phải Tết mơ
Con về bên mẹ như xưa quây quần

                                   Ninh Đức Hậu

Tết này con về - ảnh 1
Minh họa sưu tập

 Bài thơ là tiếng nói của niềm vui dạt dào cảm xúc của đứa con làm ăn nơi xa Tết năm nay được về bên mẹ và gia đình trọn vẹn sum vầy.

 Với hai mươi câu lục bát - thể thơ truyền thống nhịp điệu êm nhẹ dễ đi vào lòng người - một lượng vừa đủ để tác giả tâm sự với mẹ những nỗi niềm ùa về ở thời điểm thiêng liêng nhất: Chuyển giao giữa  năm cũ và năm mới. Câu mở đầu nói rõ thời gian, không gian gợi sự chú ý của người đọc: "Con về vừa độ sang xuân". Lời thơ phác họa rõ bối cảnh người con về với mẹ vào thời gian "sang  xuân" nhưng tiết trời hãy còn khá lạnh. Nghệ thuật tu từ ẩn dụ nhân hóa kết hợp lối đảo ngữ từ sáng tạo, cụ thể hóa cái trừu tượng "Vài ba sợi rét tần ngần níu đông/ Nắng non thơm má cánh hồng/ Nửa e ấp mở nửa chừng lên hương" khiến cảnh vật như có hồn. Thiên nhiên cũng biết lưu luyến "níu" giữ thêm chút nữa cái lạnh mùa đông, biết  âu yếm "thơm" nhẹ cánh hồng mới nở.

Không gian mùa xuân thật đẹp với “nắng non”, thứ nắng mới dịu dàng và hoa tươi thoảng mùi hương. Trong không gian tinh khôi của xuân mới, hoa như cũng biết e ấp, thẹn thùng trước nắng xuân. Thú vị hơn, khi ánh ban mai tỏa rạng, hàng "ngàn ánh mắt sương" "trong veo" đọng trên đám cỏ non ven đường lung linh khiến cảnh vật thêm đẹp đẽ, tươi mới. Cảnh sắc này khác  hẳn với những năm trước bao nhiêu Tết mẹ từng "mỏi mòn ngóng trông" con về. Có khi mẹ còn chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống ngày Tết "Dưa hành thịt mỡ nấu đông/ Bánh chưng giò lụa mẹ mong con về", nhưng người con do hoàn cảnh đã không thể về được, mẹ lại càng thương con hơn nữa: "Thương con lầm lũi xa quê/ Miếng cơm manh áo bộn bề lo toan".

Tết này con về - ảnh 2
Minh họa sưu tập

Lối đảo ngữ "bộn bề lo toan" nhấn mạnh hoàn cảnh ngặt nghèo và sự vất vả của người con trong cuộc vật lộn mưu sinh không về Tết được. Những năm vắng con như vậy, mẹ đâu có được niềm vui năm mới trọn vẹn bởi "Tết nào cũng nóng ruột gan/ Cũng ao cũng ước vượt ngàn trùng xa".  Mẹ mong mỏi con vượt qua đường dài xa cách về nhà để về ăn Tết gặp gỡ người thân, cả nhà được sum họp quây quần bên nhau. Nghệ thuật tách từ ghép kết hợp với lối tiểu đối và điệp từ "cũng" càng nhấn mạnh hơn nữa niềm khát khao chính đáng được hội  ngộ sum vầy ở chủ thể trữ tình: "Mong nhanh chân bước về nhà/ Vòng tay nước mắt vỡ òa niềm vui".

Nỗi mong mỏi cùng người thân sum họp "những ước cùng ao" của Tết mấy năm trước đến Tết này đã thành hiện thực. Biết bao hạnh phúc trong những giọt nước mắt  vỡ òa và vòng tay ôm xiết chặt. Niềm vui lớn được về với mẹ khiến người con không kìm nổi sung sướng cất tiếng gọi "Mẹ ơi". Đoạn kết bài thơ thực sự là khúc ca reo vui đầy hứng khởi: "Mẹ ơi Tết đã đến rồi / Ngoài vườn đã nẩy cái chồi non tơ/ Tết này chẳng phải Tết mơ/ Con về bên mẹ như xưa quây quần". Chi riêng khổ thơ này, điệp từ "Tết" láy lại đến ba lần cùng với hình ảnh chồi non tơ vườn nhà đã nảy, nhất là cảnh hội ngộ cảm động "Con về bên mẹ như xưa quây quần" đã khẳng định niềm vui trọn vẹn sum vầy. Xuân và Tết của đất trời, của lòng người cùng hiện hữu, cộng hưởng và lan tỏa. Đây chính là niềm hạnh phúc bình dị mà thiêng liêng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.