Trầm cảm vị thành niên, vấn đề cha mẹ không thể lơ là
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) trung bình mỗi ngày khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử. Tại Việt Nam, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên cũng đang ngày càng gia tăng, mà nguyên nhân phần lớn là do hội chứng trầm cảm - vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển trẻ vị thành niên.
Trầm cảm vị thành niên là gì?
Trầm buồn là một phản ứng cảm xúc tự nhiên của con người trong cuộc sống. Trạng thái cảm xúc này trở thành bệnh lý gọi là rối loạn trầm cảm, khi biểu hiện trầm trọng, kéo dài ít nhất hai tuần và ảnh hưởng rõ rệt đến các hoạt động sinh hoạt, học tập và lao động hàng ngày.
Rối loạn trầm cảm là một rối loạn phổ biến ở lứa tuổi vị thành niên. Tỷ lệ thường gặp từ 3-8%. Rối loạn này gặp ở trẻ gái nhiều hơn trẻ trai với tỷ lệ 3:1, đặc biệt nguy cơ cao gặp ở trẻ nữ dậy thì sớm.
Nguyên nhân của trầm cảm vị thành niên
Trầm cảm vị thành niên do rất nhiều nguyên nhân gây nên. Tuy nhiên có một số nguyên nhân chính, đó là: Do yếu tố di truyền (nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra khoảng 40% trẻ trầm cảm có liên quan đến ADN; trẻ có bố mẹ hoặc người than trong gia đình bị trầm cảm thì khả năng trẻ bị chứng bệnh này cao gấp 3 lần so với trẻ khác); Ảnh hưởng của môi trường sống; Do những chấn thương về tâm lý (mất đi người thân yêu nhất, thất bại trong học tập, bị lạm dụng tình dục…); Do áp lực học tập; Do bạo lực học đường.
Ảnh minh họa
Các dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở trẻ vị thành niên
Trẻ cảm thấy buồn rầu, hay trống rỗng; hoặc giận dữ, cáu kỉnh, thất vọng chỉ với những vấn đề rất nhỏ. Ngoài ra, trẻ có biểu hiện mệt mỏi: Mất hứng thú hoặc niềm vui với các hoạt động yêu thích trước đây. Trẻ suy nghĩ bi quan về tương lai, cảm thấy vô vọng. Trẻ hay lo lắng, dễ kích động hoặc bồn chồn. Trẻ giảm tự tin, đánh giá thấp về bản thân, có cảm giác vô dụng hoặc mặc cảm, cảm giác có tội. Trẻ khó suy nghĩ, suy nghĩ chậm chạp; khó tập trung, khó đưa ra quyết định và ghi nhớ mọi thứ.
Trẻ rối loạn giấc ngủ (không thể ngủ, hoặc ngủ quá nhiều); Bất thường ăn uống (ăn quá nhiều hoặc không muốn ăn). Trẻ có suy nghĩ về cái chết, ý nghĩ tự tử, cố gắng tự tử hoặc tự tử. Ngoài ra, có thể kèm theo các triệu chứng cơ thể không giải thích được như đau lưng hoặc đau đầu, đau bụng…
Đối với trẻ vị thành niên có bệnh trầm cảm, các triệu chứng trên có thể bị ẩn nấp, khó nhận ra. Thay vào đó, trẻ hay có xu hướng chống đối, không chịu lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến từ mọi người. Biểu hiện đó khiến trẻ bị hiểu lầm là “sự nổi loạn của lứa tuổi ẩm ương”.
Cha mẹ cần làm gì khi con có các dấu hiệu trầm cảm
Đừng lơ là các dấu hiệu của con: Cha mẹ cần quan tâm con, bày tỏ tình yêu thương, trò chuyện, lắng nghe, gợi mở để trẻ chia sẻ những gì trẻ đang trải qua nhưng không dò xét con.
Động viên kết nối với xã hội: Những trẻ bị trầm cảm thường có xu hướng tự tách mình ra khỏi các hoạt động yêu thích và bạn bè. Tuy nhiên, đơn độc chỉ khiến tình trạng trầm cảm thêm tồi tệ. Cha mẹ hãy khéo léo giúp bé tái kết nối với xã hội, cho trẻ đi chơi, du lịch…
Củng cố sức khỏe thể chất: Trầm cảm sẽ trầm trọng hơn nếu trẻ không hoạt động, ngủ ít và dinh dưỡng kém. Vì vậy, cha mẹ hãy hỗ trợ con bằng cách tạo lập một thói quen sống tích cực bằng các hoạt động vui chơi và sinh hoạt cả gia đình vào những ngày nghỉ.
Khi áp dụng các biện pháp trên nhưng tình trạng trầm cảm của trẻ không cải thiện, cha mẹ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ chăm sóc con từ các chuyên gia tâm lý học hoặc thần kinh học.
Đến tuổi dậy thì, dù trẻ đã có khả năng tự lập trong nhiều việc, nhưng vẫn luôn cần cha mẹ đồng hành, hỗ trợ về mặt tâm tưởng, suy nghĩ cũng như cân bằng các cảm xúc. Việc hiểu về trầm cảm là một trong số những rối loạn của lứa tuổi này giúp cha mẹ có cách tiếp cận hỗ trợ trẻ phòng tránh và vượt qua. Cha mẹ nhất định không thể lơ là, chủ quan, thiếu quan tâm đến trẻ, vì sẽ dẫn đến tình trạng nặng và hậu quả đáng tiếc.
Bs. NGUYỄN TÂM LONG
(Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương quân đội 108)