Tranh chấp quyền nuôi con

Luật sư Nguyễn Tiến Trung
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Câu hỏi
Tôi và chồng có một con chung 8 tuổi. Nhiều năm qua, tôi ở nhà làm nội trợ, nuôi và chăm con song không nhận được sự ghi nhận, tôn trọng của chồng. Cuộc sống của tôi ngày càng trở nên ngột ngạt, bí bách nên tôi quyết định ly hôn. Nhưng, chồng tôi nói, nếu dám làm vậy thì tôi sẽ mất con vĩnh viễn. Pháp luật sẽ không để một phụ nữ không có việc làm, thu nhập ổn định như tôi nuôi con. Trong khi đó, bố mẹ tôi ở quê có thu nhập ổn định từ việc bán hàng, nói sẵn sàng đón mẹ con tôi về nhà cưu mang. Xin hỏi, về quy định pháp luật, tôi có đủ điều kiện nuôi con không? Chồng tôi có quyền quyết định việc cho tôi nuôi con hay không?

Nguyễn Thị Mơ (Thường Tín, Hà Nội)

Tranh chấp quyền nuôi con - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Trả lời
Tại Điều 81 Luật HN&GĐ quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Theo đó, con chung của vợ chồng bạn hiện nay 8 tuổi (tức đã trên 36 tháng tuổi), không thuộc trường hợp được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật HN&GĐ. Về nguyên tắc, việc nuôi con khi ly hôn trước hết do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp vợ chồng bạn không thể thỏa thuận được về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Như vậy, ngoài Tòa án ra, không một chủ thể nào có quyền được quyết định ai là người được trực tiếp nuôi dưỡng con chung. Hay nói cách khác, chồng bạn không được phép truất quyền nuôi con của bạn.

Về điều kiện để được trực tiếp nuôi con:

Có thể thấy, Điều 81 không liệt kê chi tiết những điều kiện cụ thể để được xem xét cho trực tiếp nuôi con mà chỉ nói chung chung là “căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con”. Ở đây, luật sư hiểu “quyền lợi mọi mặt” chính là quyền lợi về cả vật chất lẫn tinh thần. Theo đó, nếu như bạn muốn giành quyền được trực tiếp nuôi con thì bạn phải chứng minh được bạn có khả năng đáp ứng điều kiện về vật chất (có thu nhập hàng tháng, công việc, nghề nghiệp, chỗ ở ổn định…) và điều kiện về tinh thần (yêu thương con, tư cách đạo đức tốt, có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái…) hơn người kia. Ngoài ra, vì con chung của vợ chồng bạn đã 8 tuổi nên Tòa án cũng có thể cân nhắc nguyện vọng của con để quyết định giao con cho ai trực tiếp chăm sóc.

Từ những phân tích trên, xin trả lời câu hỏi của bạn như sau: 

Thứ nhất, chồng bạn không có quyền quyết định việc ai là người được trực tiếp nuôi con.

Thứ hai, nếu như chồng bạn có công việc, thu nhập ổn định mà bạn lại không có yếu tố này thì Tòa án sẽ không thể quyết định giao con cho bạn trực tiếp nuôi dưỡng cho dù bố mẹ bạn đủ điều kiện để cưu mang, chăm sóc hai mẹ con bạn khi bạn không có thu nhập (trường hợp bạn không chứng minh được chồng bạn không yêu thương con hay có đạo đức không tốt). Do vậy, lời khuyên của luật sư dành cho bạn đó là nếu bạn xác định sẽ ly hôn với chồng thì bạn nên tìm kiếm một công việc để làm trước khi khởi kiện ra Tòa án. Bạn cũng có thể chứng minh yếu tố lỗi của chồng bạn như không quan tâm gia đình, chửi bới, đánh đập bạn nếu có; đồng thời việc bạn có bố mẹ đẻ sẽ hỗ trợ bạn trông nom và chăm sóc con nhỏ cũng là yếu tố có lợi để Tòa án xem xét giao con cho bạn trực tiếp nuôi dưỡng. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.