TỪ NƠI SÂU THẲM

Chia sẻ

Chú bệnh nhân nằm trên giường sát với giường ba tôi hỏi: “Làm gì mà ra viện gấp thế, nhà có việc gì không yên tâm chăng?”. Cứ tưởng là ba tôi sẽ đáp: “Tôi còn có hai đứa con gái chưa gả chồng”, nhưng không phải thế, ông gãi gãi đầu: “Tôi nuôi hai con thỏ, đều nặng sáu, bảy cân rồi, cần phải xuất chuồng thôi”.

1

Chú bệnh nhân nằm trên giường sát với giường ba tôi hỏi: “Làm gì mà ra viện gấp thế, nhà có việc gì không yên tâm chăng?”. Cứ tưởng là ba tôi sẽ đáp: “Tôi còn có hai đứa con gái chưa gả chồng”, nhưng không phải thế, ông gãi gãi đầu: “Tôi nuôi hai con thỏ, đều nặng sáu, bảy cân rồi, cần phải xuất chuồng thôi”.

Từ sau khi bị bệnh, ba tôi luôn lẩm bẩm trong miệng về những việc lặt vặt. Có lúc ông cảnh tỉnh tôi: “Nhà mình còn một miếng vườn hình tam giác, chờ sau khi ba ra đi hãy mua mấy cây đào trồng vào đấy, từ trước ba đã thích trồng đào rồi”. Có lúc ông lại bảo: “Con về nhà đi, không cần phải trông ba đâu, về tìm người nhờ thay hộ toàn bộ đường dây điện trong nhà đi”. Hai ngày sau lại tiếp tục dặn dò: “Các công tắc điện trong nhà, thay toàn bộ đi, rồi cả các ổ cắm điện nữa, như thế, việc sạc pin cho điện thoại sẽ dễ dàng hơn”. Trong những ngày cuối cùng, tất cả những ý đồ to lớn của nhân loại đều trở thành những mong muốn bình thường đời người, thèm ăn, muốn ngủ, muốn đỡ bị đau... đều trở thành những việc vụn vặt.

Lúc đó, chúng tôi trú trong bệnh viện đã hơn ba tháng, thấy sức khỏe của ba tôi có cơ hồi phục, tôi cảm thấy như mình đang gặp may. Khi làm thủ tục ra viện, tôi hỏi nhỏ bác sỹ: “Thời gian ba tôi có thể hồi phục được là bao lâu nữa?”, bác sỹ im lặng một lát rồi đáp: “Kết quả lý tưởng nhất cũng phải là nửa năm nữa”.

Minh họa ưu tầmMinh họa ưu tầm

Một hôm, em gái tôi mua về một túi đầy quả dâu tây. Nhấm thử một, hai quả, ba tôi thấy mùi vị rất dễ chịu nên bỗng nhiên nói: “Hãy trồng mấy cây dâu tây ở rẻo đất dưới cửa sổ, chỉ sang năm là sẽ phát triển thành một vạt rộng, như vậy là chúng ta có thể ăn dâu tây thoải mái...”.

- Nhưng ta tìm đâu ra mầm dây dâu tây giống bây giờ? tôi làm ra bộ khó khăn, hỏi.

“Để em đi hỏi mua cây dâu tây giống cho”, em gái tôi sốt sắng. Một lúc sau, nó quay về, ỉu xìu: “Những người bán dâu tây cho hay, dâu tây họ bán đều được chở từ chợ đầu mối hoa quả về, nếu như muốn mua cây dâu tây giống thì chỉ có cách về chợ vùng quê hỏi xem may ra thì có”.

Mấy hôm sau, nó đem về cho chúng tôi một cây dâu tây.

Ba tôi đứng tựa cửa sổ, chỉ huy chúng tôi trồng cây dâu tây. Ông làm ra vẻ không yên tâm trước những việc hết sức đơn giản như đào hố, xúc đất, tưới cây, thật là một nhánh cây dâu tây trồng xuống, người người mướt mồ hôi hột. Mùa hè qua đi, gốc dâu tây biến thành năm nhánh nhưng chẳng hề có lấy một quả, lúc tưới cây, tôi lẩm bẩm trách móc: “Sao mà chẳng có được lấy một quả thế này?”. Kỳ thực là tôi sợ, tôi sợ rốt cuộc ba tôi cũng chẳng thể được ăn một quả dâu tây do tự tay mình trồng. Ba tôi đứng trong cửa sổ nghe tiếng tôi liền đáp lại, giọng không vui: “Của ngon vật lạ trong trời đất đâu dễ một ngày mà có được, để sang năm ăn cũng chưa muộn”. “Sang năm” ư, tôi nghe mà xót xa trong lòng.

Năm sau, đám dâu tây ấy phát triển thành một vạt tốt um, xoắn xuýt vào nhau và rốt cuộc, ba tôi cũng chẳng được ăn quả dâu tây do tự tay mình trồng.

Một năm sau khi ba tôi ra đi thì cháu ngoại của ông ra đời. Khi cháu được ba tháng, chúng tôi ngồi tán dóc với nhau về việc nên cho nó ăn dặm thêm những gì và phàn nàn vì không biết mua ở đâu hoa quả thực sự sạch cho con ăn thì mẹ tôi đang ôm cháu, nói chêm vào: “Không lo, chẳng phải là trước khi ra đi, ông ngoại đã trồng cho cháu một vạt dâu tây rồi đó sao?”. Em gái tôi nghe thấy thế liền bĩu môi nhìn mẹ như muốn khóc.

Tôi ra ngoài, đến bên dưới cửa sổ xem vạt dâu tây. Mặc cho cái giá lạnh của mùa đông, chúng vẫn lên xanh tốt, chắc khỏe, chắc sang năm sẽ cho những trái dâu tây sạch, chín mọng, tươi ngon... Tôi nghĩ đến vị chua chua, ngọt ngọt của dâu tây vẫn còn lưu lại trong ký ức của cha tôi vì vị giác là một giác quan trung thành nhất, một người đã từng nếm qua một thứ hương vị như thế là sẽ vĩnh viễn không thể nào quên.

2

Tôi còn nhớ, khi chúng tôi chuyển đến đường Phượng Hoàng, ba tôi đã trồng một cây ngô đồng. Khi tôi ra đời thì ba tôi đã ba mươi tuổi và bởi vì lần đầu tiên làm cha, ông vừa vui vừa hoảng, tự đạp xe hơn hai mươi cây số mua về một cây ngô đồng. Mọi người cười, hỏi: “Trồng cây ngô đồng làm gì chứ? Cây rỗng ruột, gỗ chẳng làm được cái gì cho to tát, chắc chắn cả!”. Cha tôi cười ha hả: “Các vị thì hiểu cái gì chứ? Thế này gọi là “Tài hạ ngô đồng thụ, cung lai kim phượng hoàng” (Trồng cây ngô đồng, đón phượng hoàng vàng - ND)

Đời tôi một lần duy nhất được chạm vào câu chuyện “phượng hoàng vàng”.

Cây ngô đồng lớn lên, xum xuê tươi tốt, mỗi năm đều ra hoa tím biếc...

Năm lên bảy tuổi, tôi bị chẩn đoán nhầm là có một khối u ác tính. Ba tôi nhìn cây ngô đồng và lẩm bẩm “quái lạ, cái cây tốt và khỏe mạnh thế này thì làm sao con bé lại có khối u ác tính được chứ?”. Cái ngày tôi được xác định là chẩn đoán nhầm, ba tôi vừa sướng, vừa chửi: “U ác cái con khỉ! Mọi người nhìn xem, cái cây ngô đồng lớn khỏe thế cơ mà!”. Trong tâm lý của ba tôi, cây ngô đồng ấy và tính mạng của tôi có mối liên quan chặt chẽ với nhau.

Rồi sau đó, một trận mưa đá lớn khiến cây ngô đồng bị mất hết hẳn sức sống khiến ba tôi phát hoảng, quản tôi rất chặt suốt một năm trời, không cho tôi được đi đâu vì sợ có gì không hay xảy ra. Nghĩ ngợi lung tung suốt năm, ông chợt nghĩ ra một “kết luận mới”: Cây ngô đồng chết là vì tôi, là vì nó đã thế mạng, đã gánh họa thay cho tôi. Cậu tôi sau khi biết cái “kết luận mới” của ba tôi thì lắc đầu, ngao ngán: “Mau đem ba cháu đi xem bói nữa đi, phong kiến mê tín hại chết người...”. 

Rồi cây ngô đồng cũng được cậu tôi hạ xuống, xẻ lấy gỗ đóng thành một chiếc tủ quần áo nhỏ và một chiếc bàn đem kê ở phòng của tôi, đến nay mấy thứ ấy vẫn còn. Giờ tôi mới đột nhiên nhận ra là cái cây ngô đống ấy gắn với số phận tôi, chỉ có khác ở hình thức tồn tại của nó.

Nhớ lại kỳ nghỉ đông hồi đầu cấp ba, cầm tờ giấy khen “Học sinh ba tốt” chạy về nhà khoe với ba, nhưng hôm ấy ba tôi lại phải làm thêm giờ. Tôi đã phải đợi, phải đợi mãi, đến khi đi ngủ vẫn không thấy ba tôi trở về. Sáng hôm sau khi mới mở mắt tôi đi tìm tờ giấy khen thì thấy ba tôi đã đem treo nó lên trên tường. Sau đó tôi lại nghĩ, có lẽ suốt đời người con tiêu hao hết sức lực, đều chỉ là để được người cha khẳng định và thừa nhận.

Minh họa ưu tầmMinh họa ưu tầm

Có lúc, tôi lại nghĩ rằng, tôi vẫn như cô bé đang cầm tờ giấy khen chờ cha mình về nhưng rồi chờ mãi chẳng thấy cha đâu, thật không còn biết phải làm thế nào nữa!

Cái cây ngô đồng không còn nữa, nó đã biến đổi ra một hình thức khác mà vẫn tiếp tục ở bên cạnh tôi, nhưng còn cha tôi thì sao? Hình thức mà chúng tôi ở bên cạnh nhau là gì đây? Sau khi ba tôi ra đi, đối diện với áp lực và những việc vặt của gia đình, có lúc thậm chí tôi đã như bị biến thành một người cha.

3

Hôm cha tôi ra đi, cặp mắt của tôi cứ ráo hoảnh, không có giọt nước nào. Bác gái đứng cạnh tôi luôn miệng nhắc: “Cháu à, phải khóc đi mấy tiếng, nếu cháu không khóc thì người ta sẽ cười cho đấy!”.

Về sau tôi có nói chuyện với bạn tôi về việc này, phàn nàn không hiểu vì sao lúc ấy mình đã không rỏ được một giọt nước mắt nên vô cùng bứt rứt trong lòng. Bạn tôi nói, con người ta đau nhất là phải chịu đựng suốt một đời để sau đó ăn cơm, uống nước, đi đường... vô luận làm gì đều sẽ nghĩ tới cha, đó mới là bắt đầu của nỗi đau khổ lâu dài nhất.

Sau đó không lâu, tôi đã có dịp trải nghiệm cái câu nói của bạn mình: Lúc tập thể thao trên máy chạy bộ: khóc; lúc ăn cơm nước mắt chảy ướt cả bát cơm rồi lúc đi đường cũng một mình tự nhiên trò chuyện với ba; khi va vấp chuyện gì nghĩ đến cha thì lại khóc không cách gì ngưng lại được, thấy cần phải chạy ngay đến nơi nào vắng người, khóc to một trận thì lại mới thở được.

Tình cảm sâu sắc nhất trên thế gian này chính là tình yêu, thường được đem đến bằng nước mắt. Vừa xa nhà ba ngày, em gái tôi đã gọi điện thoại cho hay là ba tôi đã được đưa vào bệnh viện. Tôi chỉ còn biết an ủi mẹ và em gái, sau đó mua vé tàu lên chuyến tàu sớm trở về nhà.

Về đến bệnh viện trời còn chưa sáng hẳn, tôi ngồi bên giường cha. Ông nói: “Các con đều ở đây cả, ba rất vui”.

Tôi cứ tưởng rằng, ba tôi sẽ dặn dò tôi một số việc gì đó, nhưng tuyệt nhiên không thấy ông nói gì cả. Để ba được yên tâm, tôi cố ý dẫn dắt câu chuyện đến vấn đề hôn nhân của em gái, hứa sẽ cố gắng để cuộc hôn nhân ấy được tốt đẹp. Ba tôi nắm tay tôi: “Đừng vội lo việc của nó, đấy chưa phải là tất cả đâu!”.

Ba tôi ra đi đã hai năm mà tôi cứ nghĩ mãi đến một vấn đề, vì sao ông lại quan tâm đến tôi trong khi rõ ràng tôi không cần đến sự quan tâm ấy. Cho mãi đến một hôm rất lâu sau đó, tôi đột nhiên mới hiểu rõ rằng, tất cả sự quan tâm ấy đều bắt nguồn từ một nơi nào đó sâu thẳm, nơi mà sinh mệnh của hai con người phải nương tựa vào nhau, nơi mà gia đình suốt đời cần có sự chèo chống của ông nhưng từ nay lại đến tay tôi mà tôi phải làm thật tốt, không để đổ vỡ và cũng để tôi hiểu rõ rằng, con người khi ở vào một cảnh ngộ nhất định thì không thể chỉ sống riêng cho mình được. 

Tôi quyết định buông tay để ba tôi ra đi. Bác tôi bảo: “Cháu cần phải ra ngoài chỗ có nhiều dưỡng khí ấy thì mới trụ được mấy ngày nữa. Chớ có coi thường”. Tôi lắng nghe hơi thở của ba tôi càng lúc càng khó khăn, càng yếu nhược, mọi người trong phòng đều đổ dồn ánh mắt vào cha tôi. Tôi gọi mẹ: “Mẹ, mẹ có gì muốn nói nữa không? Con sợ lúc này ba không thể nghe thấy gì nữa rồi”. Mấy phút sau, ba tôi ra đi, khắp phòng vang lên tiếng khóc thì mặt tôi lạ thay lại ráo hoảnh, trong đầu chỉ vang lên một ý niệm: “Thế là ba đã được giải thoát”.

Tôi nhìn khuôn mặt của ba tôi, muốn nói “Hẹn gặp lại ba!” nhưng lại cảm thấy đời đời, kiếp kiếp sẽ không có tái ngộ. Kiếp sau ư? Chẳng phải là tôi vừa mới cầu khẩn cho cha tôi sẽ gặp mọi điều tốt đẹp hơn kiếp vừa rồi sao? Cho nên, chỉ câu “Hẹn gặp lại” thôi mà cũng không thốt nên lời.

Cháu ngoại sinh được một năm thì tôi cũng sinh con trai và trộm vía, thằng bé khá bụ bẫm, thuộc loại trẻ con có ngoại hình mà ba tôi yêu thích nhất.

Mùa hè, mẹ tôi dẫn cả nhà em gái tôi tới chơi, trước nay có cái lệ là ai đến chơi nhất thiết phải ăn thứ đồ ăn do mình tự mang đến, hôm nay tự nhiên cũng có cả dâu tây do ba tôi trồng. Buổi tối, chúng tôi ngồi xúm xít ăn dâu tây, nhấm nháp vị chua, thậm chí chua gắt của từng quả nhưng mọi người ai cũng rất hài lòng. Thấy con trai tôi lần đầu tiên phải nhíu mày vì vị chua, mọi người ai cũng vội vã lấy máy ảnh, điện thoại ra chụp một kiểu, rất vui.

Lần đó, mọi người vui lắm chứ, bởi vì ba vẫn đang tồn tại.

Truyện ngắn của PHÙ NAM (Trung Quốc)

Trần Dân Phong (dịch)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.