Xoá bỏ định kiến để phụ nữ đạt bình đẳng trên thị trường lao động

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

Những năm gần đây, lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (viết tắt là STEM) ngày càng đạt nhiều thành tựu và có bước phát triển lớn trong giáo dục lẫn thị trường việc làm. Tuy nhiên, nữ giới tham gia vào lĩnh vực này còn thấp do xã hội còn nhiều định kiến giới, khiến họ gặp trở ngại trong thực hiện đam mê và theo đuổi ước mơ của mình.

Định kiến giới – rào cản với phụ nữ tham gia STEM

Định kiến giới trong ngành nghề là một hình thức bất bình đẳng giới giữa nam và nữ, khiến họ không phát huy được năng lực sở trường cũng như thể hiện ước mơ của bản thân. Trong cùng một công ty, các công việc văn phòng, dịch vụ thường được cho là phù hợp với nữ hơn và có tỉ lệ phụ nữ tham gia cao hơn.

Ngược lại, các công việc mang tính kỹ thuật, khoa học, toán học và quản lý lại được coi là phù hợp với nam và có tỉ lệ nam giới cao hơn. Càng lên nấc thang quản lý cao thì tỉ lệ phụ nữ lại càng giảm đi, kể cả ở các doanh nghiệp có đa số tỉ lệ là nữ. Định kiến giới này làm giới hạn sự lựa chọn của hai giới, đồng thời khiến phụ nữ thiệt thòi hơn bởi các công việc văn phòng thường có mức lương thấp hơn công việc quản lý và kỹ thuật.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chương trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo quốc gia được xem là mũi nhọn để tìm ra giải pháp nâng cao năng suất lao động, tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững. Để chuẩn bị nguồn lực cho nền kinh tế số và văn hoá đổi mới sáng tạo, lĩnh vực STEM cũng được đẩy mạnh đưa vào ngành giáo dục ở mọi cấp độ từ mầm non, tiểu học tới đại học và cao đẳng. Tuy nhiên, thực trạng phổ biến ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực STEM là sự “vắng bóng” của nữ giới. Nói cách khác, các chuyên ngành về khoa học, kỹ thuật như cơ khí, hóa học, công nghệ thông tin thường được biết đến như thế mạnh của nam giới, ít có sự tham gia của nữ giới.

Bạn Thanh Trúc và MC Sơn Lâm tham gia một buổi hội thảo về phụ nữ và STEM do Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững MSD tổ chức

Bạn Thanh Trúc và MC Sơn Lâm tham gia một buổi hội thảo về phụ nữ và STEM do Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững MSD tổ chức

Có không ít rào cản về định kiến giới khiến phụ nữ đắn đo khi quyết định theo đuổi STEM. Ngay từ khi ở trường học, nhiều người đã mặc định nam sinh sẽ theo đuổi “ban tự nhiên”, còn “ban xã hội” sẽ dành cho nữ sinh. Nam giới thường mặc định theo đuổi khoa học, kỹ thuật, còn các lĩnh vực nhân văn, nghệ thuật thường gắn với phái nữ.

Chị Hạnh Nguyễn - chuyên viên liên lạc trách nhiệm pháp lý sản phẩm của Tập đoàn 3M cho biết, thực tế hiện nay vẫn có rất nhiều định kiến đặt ra đối với phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực công nghệ như: Phụ nữ không giỏi bằng nam giới nên khó có thể làm ngành khó như STEM hay “đây là ngành nghề vất vả và bận rộn, trong khi phụ nữ không đủ sức khoẻ và quỹ thời gian phải “chia đều” cho công việc và gia đình”… Thậm chí, nhiều người còn có quan niệm phụ nữ học ngành STEM thì có ngoại hình không đẹp, khó lấy chồng…

Chị Hạnh Nguyễn lấy một ví dụ rất thực tế về bất bình đẳng đối với phụ nữ khi tuyển dụng vào ngành STEM: Trong thời gian phỏng vấn, nam giới có thể chia sẻ về định hướng tương lai, năng lực bản thân để nhà tuyển dụng lựa chọn làm yếu tố thoả thuận giữa công việc và mức lương, trong khi đó, phụ nữ tham gia tuyển dụng lại phải chứng minh việc có bó hẹp thời gian bởi yếu tố gia đình, sinh con hay không?

“Nhiều phụ nữ vượt qua định kiến từ bên ngoài, nhưng lại khó khăn khi đối diện với suy nghĩ định kiến từ chính mình như: mặc định bản thân là phụ nữ thì yếu hơn, không giỏi bằng các bạn nam, sợ mọi người đàm tiếu, sợ không thể cân bằng thời gian giữa công việc và gia đình” – chị Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Là người có đam mê theo đuổi ngành năng lượng, Lê Gia Thanh Trúc - Thủ khoa tốt nghiệp khoa Năng lượng, trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội năm 2018, hiện là chuyên viên phát triển dự án của Tập đoàn Tur Nord cũng cho rằng, STEM là một ngành khó, là thách thức cho cả nam và nữ khi theo đuổi đam mê. Bản thân Trúc cũng phải cố gắng rất nhiều để bắt kịp kiến thức được học trên trường và tự cập nhật thêm kiến thức mới để đạt được thành tích tốt, đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc.

Đừng sợ mình kém hơn nam giới

Thực tế, sự thiếu hụt nữ giới trong ngành STEM có thể làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng giới. Không những thế, việc “bỏ quên” phụ nữ cũng khiến cho lãng phí một nửa nguồn nhân lực để phục vụ nền kinh tế số hoá, công nghệ cao.

Hiện nay, nhiều nhóm giải pháp đã được đưa ra nhằm tạo động lực cho các bạn trẻ tham gia học tập, nghiên cứu và theo đuổi lĩnh vực STEM, góp phần phát huy hiệu quả, tạo ra môi trường học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về STEM rất sôi động ở các cấp học. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyên, cần có thêm nhiều giải pháp hướng tới nữ giới để “không để các bạn nữ thiệt thòi” khi tham gia học tập, tuyển dụng và làm việc tại các doanh nghiệp ngành nghề STEM. Bên cạnh đó, các giải pháp không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng mà còn cần tiếp thêm động lực để các bạn nữ dám vượt qua định kiến xã hội, dám theo đuổi lĩnh vực mình yêu thích.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM cho các bạn nữ, Lê Gia Thanh Trúc khuyên: Với sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật và công nghệ như hiện nay, các ngành STEM đang trở nên đa dạng hơn, nhờ đó, cơ hội nghề nghiệp ngày càng nhiều đối với cả nam và nữ. Cơ hội luôn có, quan trọng là phụ nữ dám vượt qua những định kiến, nắm bắt cơ hội và tự tin khẳng định bản thân ở các lĩnh vực khó này.

Chị Hạnh Nguyễn cũng cho rằng, các bạn nữ trẻ hãy tự tin theo đuổi khoa học công nghệ. Trước hết, hãy chuẩn bị tinh thần, tin tưởng “chúng ta làm được”. “Hãy theo đuổi đam mê bằng các hành động thực tế, trau dồi kiến thức, thực hành khả năng ngoại ngữ, các kỹ năng mềm cần thiết, từ đó đặt mục tiêu và lộ trình thực hiện mục tiêu đó. Khi các bạn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các bạn sẽ nắm bắt cơ hội dễ dàng” – chị Hạnh Nguyễn phân tích.

MC Sơn Lâm, cựu sinh viên trường đại học Bách Khoa Hà Nội cũng khẳng định, không thể phủ nhận vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực STEM hay thậm chí là bất cứ ngành nghề nào khác. “Nam giới hãy nhìn phụ nữ bằng cái nhìn khách quan nhất, không cần phải nâng họ lên hay nhường nhịn. Bình đẳng chính là để cho họ cơ hội ngang bằng, cơ hội lựa chọn dù là trong công việc hay bất cứ lĩnh vực nào trong cuộc sống” – MC Sơn Lâm bày tỏ.

Với mong muốn truyền cảm hứng và thúc đẩy sự tham gia của em gái và phụ nữ trong lĩnh vực STEM, Viện MSD thực hiện dự án STEMHerVN - “Thúc đẩy sự tham gia của em gái và phụ nữ trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học”. Dự án bao gồm các hoạt động: Lựa chọn và trao học bổng cho các bạn đại sứ, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các nhóm đại sứ về kỹ năng lãnh đạo, truyền thông; Tổ chức hoạt động truyền thông tại trường học nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng để các bạn học sinh tự tin theo đuổi đam mê và nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM; Tổ chức cuộc thi sáng tạo STEM cho các bạn học sinh khối phổ thông trung học.

Dự án STEMherVN có sự đồng hành của 20 nữ đại sứ là các bạn sinh viên đang học tập trong các ngành STEM, các bạn nữ sinh THPT định hướng ngành STEM trường THPT Vân Nội và THPT Liên Hà. Thầy Nguyễn Hữu Sâm, Phó Hiệu trưởng trường Vân Nội chia sẻ: “Thông qua dự án này, các em học sinh không chỉ được học thêm những kiến thức mới về ngành lập trình mà còn được tham gia đóng góp vào quá trình thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục và việc làm”.


Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.