Bệnh người già thường gặp khi trời lạnh
PNTĐ-Theo các chuyên gia, để phòng chống tác hại của bệnh do thời tiết lạnh gây ra, người già cần lưu ý một số căn bệnh hay gặp, có chế độ ăn uống, tập luyện và nghỉ dưỡng hợp lý.
Thời tiết mùa đông với nhiệt độ xuống thấp, có những đợt rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, đặc biệt là người già. Theo các chuyên gia, để phòng chống tác hại của bệnh do thời tiết lạnh gây ra, người già cần lưu ý một số căn bệnh hay gặp, có chế độ ăn uống, tập luyện và nghỉ dưỡng hợp lý.
Trời lạnh, tăng nguy cơ bệnh tật
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, mùa đông với nhiệt độ xuống thấp thường tăng cao các bệnh về hô hấp, tai biến tim mạch. Do người già sức đề kháng yếu nên khi gặp thời tiết lạnh thường hay mắc viêm họng mạn tính kéo dài, hoặc viêm mũi mạn tính, viêm phế quản, viêm phổi cấp tính… Tuy nhiên khi thời tiết lạnh, người già thân nhiệt thường không tăng cao như người trẻ tuổi nên dễ nhầm là bệnh nhẹ, ít được người nhà quan tâm, đến khi vào bệnh viện thì bệnh đã rất nặng.
Ngoài ra, một số bệnh mạn tính kéo dài ở người già như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh về rối loạn nội tiết cũng là những lý do làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp vào mùa đông ở những người cao tuổi. Song mức độ nguy hiểm phải nói tới là chứng đột quỵ não ở người già. Do thói quen sinh hoạt, một số người già thường hay đi vệ sinh về ban đêm, không may gặp gió lạnh đột ngột khiến người bệnh đột nhiên choáng váng, giảm ý thức, bại yếu một bên cơ thể. Trong các trường hợp nặng, người bệnh qụy ngã đột ngột và bất tỉnh, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ ảnh hưởng tới tính mạng.
Cũng theo các chuyên gia, với người già có ba nguy cơ thường mắc phải trong chăm sóc sức khỏe bản thân. Đó là tai nạn ngã do hệ thống cơ xương khớp đã yếu. Để xảy ra điều này do thói quen không chịu chống gậy khi đi đường với tâm lý mặc cảm, chống gậy là già, là yếu nên nhiều trường hợp người cao tuổi nhập viện do tai nạn ngã với những hậu quả nặng nề. Thời tiết lạnh, nguy cơ ngã ở người già nhiều hơn do tay chân bị cóng. Mặt khác, do phần lớn người già hiện chưa chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe nên ít có thói quen đi khám bệnh định kỳ.
Thông thường người già chỉ khi gặp vấn đề sức khỏe mới tìm tới các chuyên khoa như vậy khó giải quyết được gốc rễ vấn đề. Cùng đó, do dễ gặp phải vấn đề nhiễm khuẩn với các biến chứng kể trên song thói quen ăn uống, luyện tập thể thao và vệ sinh thân thể của người già vẫn chưa cao nên cũng là một trong nhiều nguy cơ làm gia tăng bệnh tật ở người già.
Cần có chế độ ăn, nghỉ hợp lý
Để phòng bệnh hô hấp ở người già trong thời tiết lạnh, người cao tuổi cần mặc đủ ấm, ngủ ấm, ngủ đủ giấc, tránh gió lùa. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh hoặc lạnh vừa chuyển sang rét đậm thì người già nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm. Người già có thể vẫn tập thể dục hoặc đi lại, vận động cơ thể nhưng nên ở trong nhà, không nên ra khỏi nhà khi thời tiết còn lạnh, nhất là lúc đang có gió mùa. Tuyệt đối không mặc áo phong phanh khi tập thể dục buổi sáng sớm vì rất dễ bị nhiễm lạnh.
Bên cạnh đó, để bảo đảm ăn uống đủ bữa, đủ chất giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, cần tăng bữa và chia nhỏ bữa cho người già, thức ăn phải nóng, ấm, nhiều chất đạm. Người già cần vệ sinh răng miệng thường xuyên hằng ngày, như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; súc họng bằng nước muối sinh lý; đi khám sức khỏe định kỳ tại các chuyên khoa khác nhau. Ngoài ra, mặc dù trời lạnh nhưng người già vẫn cần chú ý uống đủ nước, nên dùng nước nấu chín, các loại nước ép trái cây tươi như cam, bưởi, táo...
Đặc biệt chú ý, thức ăn không nên dùng cho người già là: thịt mỡ, thịt đông, các loại giò chả, xúc xích, bánh kẹo, nước ngọt, rượu bia… vì vừa khó tiêu, lại có các chất bảo quản không có lợi cho sức khỏe người già, gây ảnh hưởng cho tim mạch, gan, thận. Một thói quen không tốt cho sức khỏe người già cần được thay đổi là việc sử dụng quá nhiều muối trong bữa ăn, nên ăn ít muối để không ảnh hưởng tới sức khỏe.
BS. Lam Giang