Cái ôm đầu tiên – lợi cho con và tốt cho mẹ
PNTĐ-“Cái ôm đầu tiên” dành cho trẻ sơ sinh khi vừa lọt lòng – một hành động tuy nhỏ nhưng sẽ mang lại vô vàn lợi ích “vàng” cho cả mẹ và con.
Cùng với việc truyền đi thông điệp này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng thời phát động chiến dịch “Cái ôm đầu tiên” tại nhiều bệnh viện phụ sản lớn trên cả nước.
Một cái ôm, vô vàn lợi ích
9 tháng 10 ngày mang nặng rồi trải qua những cơn đau nhớ đời, bất kỳ người mẹ nào khi lâm bồn đều chỉ có một khát khao cháy bỏng là được nhìn ngắm, ôm ấp đứa con bé bỏng của mình. Nhưng, nguyện vọng chính đáng này gần như không thể thực hiện trong một thời gian dài bởi một quan niệm sai lầm rằng, “cái ôm đầu tiên” với trẻ sơ sinh có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh. Vì thế, nhiều bé sơ sinh thường được đưa đi vệ sinh sạch sẽ, cân đo, tiêm phòng… rồi mới được “trả” về cho mẹ. “Tách mẹ và con ngay sau sinh là thực hành rất lỗi thời, lại xảy ra tại thời điểm rất quan trọng khi trẻ sơ sinh có dấu hiệu tìm kiếm vú mẹ để bú” – TS Maria Asuncion Silvestre, chuyên gia nhi khoa và trẻ sơ sinh của WHO cho biết.
![]() |
Ảnh minh họa |
Nói về cái ôm đầu tiên dành cho trẻ sơ sinh, Th.s BS Nguyễn Hoài Nam – bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết thêm, thực chất đây là việc cho da bé tiếp xúc trực tiếp với da mẹ khi lọt lòng (khi bé còn chưa cắt dây rốn) với thời gian tối thiểu là từ 30 – 60 phút. Bé được đặt nằm sấp trên bụng - ngực mẹ, đầu bé nghiêng về một bên, một bên áp lên ngực mẹ. Lúc này mẹ có thể nhìn thấy rõ toàn bộ gương mặt và cảm nhận những hơi thở đầu đời của bé. Kỹ thuật này có thể áp dụng cho trường hợp sinh thường, sinh mổ. Nếu mẹ bị băng huyết, bệnh lý nội khoa nặng… không thể da tiếp da với con thì người cha có thể thay mẹ thực hiện công việc này.
“Phương pháp này tuy đơn giản nhưng hiệu quả mang lại thì vô cùng to lớn” – chị Nguyễn Bích Hạnh, nữ hộ sinh trưởng, khoa Sản, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec nói. Được ủ ấm trong “ngôi nhà nhỏ” ở trong bụng mẹ hơn 9 tháng, khi được sinh ra bé bắt đầu bước vào một cuộc sống mới ở thế giới rộng lớn hơn. Môi trường thay đổi không chỉ khiến các bé cảm thấy chếnh choáng mà còn xuất hiện nguy cơ rất nguy hiểm cho trẻ sơ sinh là hạ thân nhiệt.
Chỉ có cái ôm đầu tiên của mẹ, được nghe nhịp tim, hơi thở quen thuộc của mẹ cùng với thân nhiệt vừa đủ của mẹ truyền sang cho con sẽ giúp bé giảm cảm giác hụt hẫng khi bị chia cắt đột ngột, ổn định nhịp tim, nhịp thở, đường huyết. Khi stress được giải tỏa, cảm nhận được mẹ và ngửi thấy mùi vị của sữa mẹ, các bé đồng thời tự biết tìm núm vú để ngậm, bú mẹ theo phản xạ bẩm sinh và sẵn có của bé. Không có lợi ích nào tuyệt vời hơn khi trẻ được tận hưởng đầy đủ dòng sữa non quý giá, cung cấp cho trẻ đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu, kháng thể và tế bào miễn dịch.
Ngoài ra, chu trình bú mẹ của bé với các hoạt động như mút, nuốt, nghỉ, thở chính là cách để kích thích não bộ của bé hoạt động và đánh thức đầy đủ các giác quan của bé phát triển một cách tự nhiên.
Đừng lãng phí liều thuốc tự nhiên vô giá
Với những nhân viên y tế, việc da tiếp da sẽ không ảnh hưởng đến việc thực hiện các thủ thuật khác trong quá trình đỡ đẻ và chăm sóc cho sản phụ. Các bác sỹ đồng thời vẫn có thể hút nhớt, nghe nhịp tim, nhịp thở cho trẻ khi bé đang da tiếp da với mẹ... hoặc hoàn thiện các thủ thuật khác cho mẹ như sổ nhau, khâu phục hồi tầng sinh môn. Ngoài ra, theo khuyến cáo của WHO, với việc tăng cường cho mẹ và bé da tiếp da thì cũng bắt đầu cắt dây rốn muộn một thì (từ 1-2 phút) để bé được nhận nhiều máu hơn của mẹ truyền qua.
Hạnh Lê