Cảnh báo hội chứng tự ngược đãi bản thân
PNTĐ-Gần đây, Viện Sức khỏe Tâm thần–BV Bạch Mai tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc hội chứng tự hủy hoại bản thân với những biểu hiện: tự cào cấu, nhổ tóc, thậm chí tự cứa vào cổ tay...
![]() |
Biểu hiện thường thấy ở người mắc hội chứng ngược đãi bản thân |
Không phân biệt giới tính
Điển hình là trường hợp một bé gái 9 tuổi (Hà Nội), điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần từ đầu tháng 8/2017 vì tự nhổ trụi tóc của mình. Theo chia sẻ của gia đình, bệnh nhi có biểu hiện trên từ cách đây 1 năm, sau khi bị bố mẹ tịch thu điện thoại do cháu nghiện chơi game, bỏ bê việc học. Đáng nói, khi nhổ tóc, bệnh nhi không đau mà còn cảm thấy thích thú.
Trước đó, một nữ sinh viên 21 tuổi phải nhập viện vì tự dùng dao lam cắt 16 vết vào tay (vết thương nông, rỉ máu). Qua khai thác thông tin, bệnh nhân là sinh viên năm thứ 2, tính cách hiền lành và dễ xúc động. Cách đây 2 năm, bệnh nhân có mong muốn đi du học nhưng điều kiện gia đình khó khăn nên không thực hiện được. Bất mãn với thực tại, lại ức chế vì thường xuyên bị gia đình yêu cầu từ bỏ ý nghĩ đi du học... bệnh nhân luôn trong tình trạng mệt mỏi, mất ngủ, hay hồi hộp, tức ngực, cảm giác ngột ngạt khó thở. Khi ức chế lên đỉnh điểm, bệnh nhân dùng dao lam tự cứa vào cổ tay mình. Mỗi lần làm vậy, bệnh nhân cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm hơn.
Sớm nhận biết để kịp thời điều trị
TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị stress, Viện Sức khỏe Tâm thần khẳng định, nguyên nhân chính gây ra hội chứng này là do người bệnh mắc stress từ những sang chấn tâm lý, do nhân cách chưa được hoàn thiện. Biểu hiện của chứng tự hủy hoại bản thân khác nhiều so với những loại rối loạn tâm thần khác. Ví dụ, nếu bệnh nhân trầm cảm, tự sát thì hành hạ mình một cách âm thầm, thậm chí xấu hổ về việc mình tự hại mình, nhưng với chứng tự hủy hoại bản thân thì ngược lại muốn bày ra cho mọi người biết rằng tôi đang căng thẳng, đang tự hủy hoại bản thân. Đây chỉ là một trong những triệu chứng, trạng thái căng thẳng của người bệnh. Điều đáng tiếc hội chứng này lại thường xảy ra ở giới trẻ.
Trên thực tế, hội chứng tự hủy hoại bản thân có thể sớm nhận biết. Ngoài việc tự gây đau, làm tổn thương cả thể chất và tinh thần thì bệnh nhân còn có các biểu hiện như: stress về tâm lý kéo dài, cảm thấy bất mãn, luôn căng thẳng; Buồn bã, chán nản, rối loạn giấc ngủ, dễ cáu giận, luôn có cảm giác ức chế; Tim đập nhanh, không đều, hay bị đánh trống ngực; Cơ bị run, mỏi đầu gối, bứt rứt, căng cơ, có cảm giác liệt, đau ở khớp; Cảm thấy có cục ở họng, khó nuốt, buồn nôn; Vã mồ hôi, đồng tử giãn... Đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng này là những người có nét nhân cách dễ bị tổn thương, chẳng hạn: người cầu toàn, hay đòi hỏi; người hay phô trương, hay lo lắng…
Thảo Hương