Giun sán “tấn công” và làm tổ trong cơ thể người
PNTĐ-Theo chuyên gia y tế, giun sán tấn công và làm tổ trong cơ thể người không phải là bệnh mới nhưng xuất hiện ngày càng nhiều.
Ước tính có khoảng 50% dân số Việt Nam mắc chứng giun sán. Vì sao vấn đề này chưa được quan tâm trong khi xã hội ngày càng phát triển và đời sống đang nâng cao?
Giun sán làm tổ khắp nơi trong cơ thể
Bà N.T.K (52 tuổi, Hà Tĩnh) được gia đình đưa đến BV ĐH Y Hà Nội trong tình trạng sốt cao, mê man, bụng chướng to, lơ mơ mất tri giác. Mặc dù trong hồ sơ bệnh án của bệnh viện tuyến dưới chuyển lên có ghi ung thư gan giai đoạn cuối, khối u 12cm, không thể điều trị... nhưng khi siêu âm các bác sĩ ở BV ĐH Y Hà Nội lại phát hiện các khối u hình ảnh giống ổ sán; kết quả xét nghiệm bà K bị sán lá gan lớn. Bệnh nhân L.T.H (11 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) xuất hiện hiện tượng sưng to khớp gối và u ở gan cũng được các bác sĩ BV ĐH Y Hà Nội xác định sán làm ổ trong gan và khớp gối bệnh nhân. Trước đó, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư điều trị và cứu sống một bệnh nhân N.V.D (58 tuổi, Lạng Sơn) có 50 ổ sán trong não đè vào dây thần kinh thăng bằng gây nên hiện tượng chóng mặt, đau đầu.
![]() |
Giun sán làm tổ trong mắt bệnh nhân |
Bệnh nhân T.V.T (32 tuổi, Hải Dương) cũng bị sán chui lên não đến mức liệt người, méo miệng, xuất hiện các cơn co giật. Còn Viện sốt rét ký sinh trùng T.Ư đã điều trị cho một bệnh nhân (42 tuổi, ở Hà Nội) bị sán tấn công và tổ ở “của quý”. Bệnh nhân này đi khám nam khoa, được chẩn đoán u nang và chỉ định cắt đốt điện nhưng điều trị xong vẫn thấy ngứa, vướng. Thành dương vật nổi cộm cứng dưới da, các bác sĩ phẫu trích khối u thì thấy ký sinh trùng dài khoảng 2cm dẹt, đường kính 1mm màu vàng trong, phần đầu cắm chặt vào vật hang, được xác định là sán lá gan nhỏ Clonorsis sinensis.
BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, giun sán có thể ký sinh bất kỳ chỗ nào trên cơ thể con người nhưng khu trú chủ yếu ở gan. Chúng có thể xuyên qua niêm mạc đường tiêu hóa và theo dòng máu, mạch huyết đi khắp mọi nơi trong cơ thể, cư trú ở tất cả các hệ thống từ cơ vân đến cơ tim, cơ hoàn, não. Khi nang sán trú lại chỗ nào sẽ gây bệnh ở chỗ ấy. Những con sán lớn có thể đục xuyên từ gan ra bên ngực, rồi chui vào tuyến vú gây bệnh cảnh giống như apxe vú (sưng, nóng, đỏ, đau) nhưng chọc dò hút mủ lại không có mủ. Nếu sán trú ngụ vùng mắt có thể gây mù, trú ngụ trong não gây tình trạng phù não, co giật, thậm chí tử vong.
Nguy hiểm nhất là khi sán chui lên não và làm ổ trong não. Những bệnh nhân bị nang sán gây tổn thương ở những ống dẫn lưu, lưu thông ổ dịch não tủy từ trên não, gây tắc, gây giãn não thất, ứ nước trong não thì việc phát hiện sớm rất quan trọng để tiến hành phẫu thuật. Nhiều trường hợp có thể để lại hiện tượng các nốt vôi hóa trong não do bị nang sán quá lâu không được điều trị kịp thời.
Kinh hoàng 50% dân số Việt Nam mắc giun sán
GS.TS Nguyễn Văn Đề nhận định, sán lá gan lớn không phải là bệnh mới nhưng ngày càng xuất hiện nhiều. Thống kê của Viện Sốt rét ký sinh trùng côn trùng T.Ư, có khoảng 50% dân số Việt Nam mắc chứng giun sán, tức là khoảng 20 - 40 triệu người dân nhiễm giun. Trong đó, nhóm nguy cơ mắc bệnh giun cao có khoảng 4 triệu trẻ em mầm non và mẫu giáo, 6 triệu học sinh và 19 triệu phụ nữ tuổi sinh sản. Có một nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh sán lá gan nhỏ được phát hiện ở 24 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó, tỷ lệ người nhiễm bệnh ở Ba Vì (Hà Nội) là gần 28%, tại Kỳ Sơn (Hòa Bình) là hơn 32%...
Theo các chuyên gia dịch tễ, nguyên nhân của hiện tượng này là do thói quen ăn đồ sống như gỏi thuỷ hải sản sống, và rau sống… hay các phương thức chăn nuôi gia súc gia cầm, các yếu tố về sinh thái và vệ sinh môi trường không đảm bảo của người dân hiện nay.
Tâm Thanh