Nơm nớp sợ… kiến ba khoang
PNTĐ-Thời điểm giao mùa, mưa nắng thất thường tạo điều kiện cho các loài côn trùng phát triển mạnh, trong đó có kiến ba khoang.
Với độc tố cực mạnh và vết cắn có thể gây lở loét nghiêm trọng trên cơ thể người, kiến ba khoang đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh của nhiều khu dân cư, ký túc xá, hộ gia đình.
Anh Vũ Minh Giang ở chung cư 789, Bộ Quốc Phòng (phường Mỹ Đình I, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, lúc lên đèn, chỉ cần lơ là quên đóng cửa sổ là hàng chục con kiến bay vào phòng. “Có hôm tôi đếm được 30 con”.
Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Châu, khoa Côn trùng học, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, loài côn trùng này có tính hướng sáng, thường bám vào khu vực quanh ánh đèn. Do đó, những người làm việc văn phòng, học sinh sẽ có nguy cơ bị kiến ba khoang tấn công cao. Khi bị kiến ba khoang đốt, người dân chỉ nên gạt nhẹ kiến khỏi cơ thể, dùng găng tay hoặc vật dụng ngăn không cho tay tiếp xúc trực tiếp để diệt kiến. Sau đó rửa vết đốt bằng cồn hoặc rửa xà phòng 2-3 lần. Việc rửa sạch vết đốt sẽ hạn chế được hiện tượng phồng rộp da. Không gãi vết thương gây rách da khiến vết thương bị bội nhiễm. Nếu vết đốt nghiêm trọng hoặc bị vào mắt thì nên đi khám để được kê đơn điều trị.
Để phòng tránh kiến ba khoang, người dân nên thường xuyên vệ sinh môi trường quanh nơi ở, đóng cửa sổ hoặc có lưới tránh côn trùng bay vào, nhất là vào mùa mưa. Khi có cảm giác côn trùng bám vào cổ, mặt, tránh quệt tay để hạn chế dịch tiết của kiến ba khoang bám vào da sẽ gây bệnh. Khi cơ thể có vùng da bị đau rát nên rửa vùng đó bằng nước muối hoặc xà phòng để da không bị nổi mẩn, hình thành phỏng nước, phỏng mủ.
Đỗ Ngọc Quỳnh