Tinh hoàn lạc chỗ dẫn đến ung thư
PNTĐ-Mới đây, một nam giới (32 tuổi, ngụ tại TP.Hồ Chí Minh) đã phải nhập viện điều trị do tinh hoàn lạc trong ổ bụng suốt 30 năm nhưng không được can thiệp kịp thời, dẫn tới ung thư.
Chủ quan với bệnh lý
Tinh hoàn lạc chỗ (tinh hoàn ẩn) không phải bệnh lý hiếm gặp. Dù phát hiện mình chỉ có một tinh hoàn bên phải, tinh hoàn trái sờ lúc thấy lúc không nhưng anh Nguyễn Việt D (29 tuổi, Hà Nội) chỉ đến bệnh viện chuyên khoa nam học kiểm tra sau khi kết hôn 2 năm mà chưa có con. Qua thăm khám, anh D được chẩn đoán bị tinh hoàn ẩn, tinh hoàn nằm trong ống bẹn. Sinh tiết tinh hoàn cho thấy, chức năng sinh tinh rất kém. Trong khi đó, theo kết quả tinh dịch đồ, tinh hoàn bên trái của anh D không có tinh trùng. Đây là lý do khiến vợ chồng anh chưa có con. Anh D sau đó được bác sĩ tư vấn làm phẫu thuật để nhanh chóng đưa tinh hoàn về đúng vị trí.
![]() |
Nam giới cần chủ động khám sức khỏe sinh sản định kỳ |
Điều trị sớm để giảm thiểu tác hại
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng - Phụ trách phòng khám Nam học, bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: Tinh hoàn ẩn là tình trạng tinh hoàn không nằm đúng vị trí của nó trong bìu và là khuyết tật về sự phát triển thường gặp nhất ở nam giới. Trong giai đoạn đầu của thai nhi nam, tinh hoàn nằm trong ổ bụng. Sau đó, tinh hoàn di chuyển dần xuống bìu và nằm ở đó cho tới lúc trẻ được sinh ra. Tinh hoàn ẩn là những tinh hoàn dừng lại trên đường di chuyển của tinh hoàn từ bụng xuống bìu trong thời kỳ bào thai”. Các thể lâm sàng có thể gặp là tinh hoàn nằm trong ổ bụng, ở lỗ bẹn sâu, trong ống bẹn và ngoài lỗ bẹn nông. Thông thường, tinh hoàn ẩn là bệnh lý bẩm sinh, nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân mắc bệnh do bị chấn thương.
Theo thống kê, khoảng 3 - 4% trẻ trai mắc chứng tinh hoàn ẩn khi sinh. Tỷ lệ này sẽ cao hơn ở trẻ đẻ thiếu cân, đẻ non, sinh đôi… Khi trẻ 12 tháng tuổi, tỷ lệ bệnh giảm xuống còn 1%, và đến tuổi trưởng thành chỉ còn 0,8%. Sau một tuổi tinh hoàn khó có thể tiếp tục đi xuống bìu. Chính vì vậy, trẻ được 12 tháng tuổi là thời điểm thích hợp nhất để điều trị bởi lúc này tinh hoàn ít bị thương tổn. Một bé trai nếu phát hiện sớm, trước 2 tuổi có thể dùng thuốc uống. Nhưng, nếu để sau 2 tuổi thì phải dùng tới biện pháp phẫu thuật mới trả tinh hoàn về đúng vị trí. Càng để lâu bệnh càng nặng.
Các nghiên cứu y khoa cho thấy, người trưởng thành mắc chứng tinh hoàn ẩn chưa điều trị có nguy cơ ung thư tinh hoàn cao gấp 4 – 8 lần so với người bình thường. 10% trong số này xảy ra trên tinh hoàn ẩn. Nếu tinh hoàn bị ẩn 1 bên, khả năng không có tinh trùng khoảng 20 - 25%; nếu bị ẩn cả 2 bên là 60 - 80%. Đặc biệt, nam giới độ tuổi từ 20 - 35 có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn rất cao. Trên thế giới, cứ 263 người đàn ông có một người bị ung thư tinh hoàn. Ngoài ra, bệnh còn ảnh hưởng không tốt đến yếu tố tâm lý. Đáng nói, hiện nay nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám và làm phẫu thuật quá muộn. Lúc đó, các bác sĩ chỉ có thể cắt bỏ tinh hoàn ẩn để tránh nguy cơ ung thư, khó đưa tinh hoàn về đúng vị trí và làm đúng nhiệm vụ của mình.
Ánh Dương