Bố mẹ muốn sống chung với con cháu, nhưng lại ăn riêng

TÂM GIAO
Chia sẻ

(PNTĐ) -Gần đây, mẹ chồng em lại mong muốn vẫn sống chung với con cháu nhưng ông bà sẽ ăn riêng. Em đã phản đối vì cho rằng sống chung mà ăn riêng thì không hợp lý, bất tiện cho cả hai bên...

Bố mẹ muốn sống chung với con cháu, nhưng lại  ăn riêng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Vợ chồng em hiện đang sống chung cùng với bố mẹ chồng. Đây là nguyện vọng của ông bà và cũng là mong muốn của vợ chồng em. Vì kinh tế eo hẹp, nếu sống riêng vợ chồng em không có điều kiện để mua nhà. 5 năm nay, việc sống chung không vấn đề gì. Nhưng gần đây, mẹ chồng em lại mong muốn vẫn sống chung với con cháu nhưng ông bà sẽ ăn riêng. Em đã phản đối vì cho rằng sống chung mà ăn riêng thì không hợp lý, bất tiện cho cả hai bên.

Dù vậy, mẹ chồng em vẫn đưa chuyện ăn riêng ra bàn với vợ chồng em nhiều lần. Thật sự, em không biết ứng xử thế nào trong chuyện này. Khi ăn chung, vợ chồng em đưa tiền sinh hoạt cho bố mẹ. Giờ nếu ăn riêng, việc này sẽ thế nào, nếu vừa phải đưa tiền cho bố mẹ, vừa lo trang trải cho vợ chồng, con cái thì chúng em không đủ khả năng. Nếu không đưa tiền cho bố mẹ như trước thì lại mang tiếng bất hiếu. Rồi chuyện một bếp hai nồi, một nhà hai mâm cơm của ông bà và con cháu hàng ngày rất phức tạp. Do đó, vợ chồng em vẫn chưa đồng ý. Tuy nhiên, mẹ chồng em có vẻ kiên quyết trong vấn đề ăn riêng. Giờ chúng em nên giải quyết vấn đề này như thế nào?

nguyenkieuanh@gmail.com

Cuộc sống hiện đại đang khiến cho nhiều nếp nhà truyền thống đang dần thay đổi để thích ứng. Chuyện nhiều thế hệ sống chung trong một nhà đã không còn thuận tiện như trước đây mà nó đang nảy sinh những sự bất tiện khi nếp sinh hoạt giữa các thế hệ có sự chênh lệch. Do đó, một bộ phận bố mẹ có xu hướng sống độc lập với con cháu khi về già. Họ chọn cách sống riêng, sống gần thay vì sống chung trong một nhà. Nếu gia đình không có điều kiện kinh tế thì có thể sống chung nhưng… cơm riêng. Lý do là bữa cơm gia đình không được duy trì như mong muốn khi con cháu ăn uống không cùng giờ giấc với ông bà. Việc phải chờ đợi đông đủ các thành viên để cùng ăn cơm trở nên bất tiện, vấn đề đồ ăn, thức uống của ông bà và con cháu không cùng sở thích cũng khiến cho người cao tuổi trong nhà có mong muốn được ăn riêng. 

Có thể sau một thời gian chung sống, bố mẹ chồng bạn đã nhận ra sự bất tiện đó, nên mới mong muốn ăn riêng. Bạn hãy nói chuyện với ông bà về lý do ăn riêng, nếu có thể khắc phục được, hai bên sẽ điều chỉnh lại. Còn nếu, việc đó sẽ khiến ông bà thấy thoải mái, lại phù hợp với giờ giấc, làm việc, học tập của vợ chồng, con cái bạn thì hãy đồng ý. Vấn đề tiền sinh hoạt đóng góp thế nào sau khi ăn riêng, vợ chồng bạn cũng cần thống nhất với bố mẹ. Vì trong khoản thu nhập hạn hẹp, các bạn phải cân đối cho hợp lý. Khi quyết định ăn riêng, chắc hẳn bố mẹ chồng bạn cũng đã có dự tính để độc lập cuộc sống của họ. Chuyện một bếp hai nồi, nhà hai mâm cơm, nếu khéo léo ứng xử một chút thì cũng không đến nỗi phức tạp lắm, bạn cũng không cần phải lo lắng nhiều. Tâm Giao

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hãy yêu kẻ vì ta mà thay đổi hãy thay đổi vì kẻ ta yêu

Hãy yêu kẻ vì ta mà thay đổi hãy thay đổi vì kẻ ta yêu

(PNTĐ) - Chúng ta luôn được khuyên rằng: Hãy là chính mình. Rằng: Đừng sống theo cái nhíu mày của người khác. Rằng: Ai yêu ta sẽ phải chấp nhận con người thật của ta. Phải yêu cả cái xấu của ta. Nhưng dường như hôn nhân hạnh phúc không dùng được những lời khuyên ấy.
Ngoại tình có... chữa được không?

Ngoại tình có... chữa được không?

(PNTĐ) - Nhiều lúc tôi thấy việc người ta ngoại tình rất giống việc người ta vi phạm luật giao thông vậy. Nên tôi cũng tự hỏi mình: Ngoại tình (với cả việc vi phạm luật giao thông) liệu có… chữa được không? Làm sao để người ta đừng ngoại tình (và cũng đừng vi phạm luật giao thông) nữa?