“Chủ nợ” bất đắc dĩ
PNTĐ-Giờ việc trở thành “chủ nợ” bất đắc dĩ của người thân bên chồng đã biến em thành nàng dâu tồi trong mắt họ. Em không biết phải sống, ứng xử thế nào cho đúng nữa...
Em làm dâu trong một gia đình kinh tế không khấm khá, lại đông anh chị em. Biết gia đình em khá giả, bản thân em có công việc ổn định, thu nhập khá nên họ rất hay hỏi vay mượn tiền. Ban đầu, em nghĩ giúp đỡ anh chị em bên chồng lúc khó khăn cũng là chuyện đương nhiên, nên đồng ý. Nhưng dần dần, chuyện vay mượn của họ càng nhiều lên. Có người trả được nợ cũ rồi mới vay nợ mới, nhưng cũng có người cố tình chây ỳ không trả và tiếp tục hỏi vay khoản mới. Điều khổ tâm và khó xử đối với em là mỗi lần đòi nợ, họ đều gây cho em cảm giác bị tổn thương. Có người trả tiền với thái độ không vui, có người cố tình xin khất hết lần này đến lần khác, có người trả xong ra ngoài rêu rao bảo em giàu mà keo kiệt cho vay “mấy triệu” mà cứ đòi suốt. Tình cảm của người thân bên chồng đối với em cũng vì thế mà sứt mẻ dần. Sau này, em rút kinh nghiệm không cho ai vay tiền nữa thì họ quay lại khích bác, xúi bẩy chồng em, khiến cho vợ chồng em nảy sinh bất hòa. Anh ấy cho rằng việc anh chị em giúp đỡ, cho nhau vay mượn khi họ gặp khó khăn là “nghĩa vụ” của mỗi người trong gia đình. Giờ việc trở thành “chủ nợ” bất đắc dĩ của người thân bên chồng đã biến em thành nàng dâu tồi trong mắt họ. Em không biết phải sống, ứng xử thế nào cho đúng nữa.
Hoangmaihanh@gmail.com
Đối với các nàng dâu, việc giúp đỡ, cho anh chị em của chồng vay mượn tiền bạc khi họ gặp khó khăn là việc nên làm. Nhưng điều đó không có nghĩa là nàng dâu nào cũng phải có “nghĩa vụ” thực hiện việc đó nhiều lần, lâu dài. Với trường hợp của bạn, có thể, trong mắt gia đình chồng và chồng bạn, bố mẹ bạn có điều kiện kinh tế, thu nhập của bạn khá nên việc cho họ vay mượn một ít tiền không quá khó. Khoản tiền cho vay là tiền nhãn rỗi. Vì vậy, có người sẽ cố tình dây dưa không trả nợ đúng hẹn, hoặc kéo dài để “nợ sẽ… hóa bùn”. Cách suy nghĩ thiển cận đã vô tình đẩy bạn vào tình cảnh “làm phúc phải tội”.
Lâu nay, vấn đề tiền bạc trong quan hệ tình thân vốn rất nhạy cảm. Nó có thể khiến mọi người ta xích lại gần nhau hơn, những cũng có thể đẩy anh em đến chỗ tương tàn. Trong hoàn cảnh này, bạn cần đả thông tư tưởng cho chồng, kéo anh ấy làm đồng minh của mình. Hãy nói cho anh ấy hiểu bạn sẵn sàng giúp đỡ anh chị em chồng khi họ khó khăn. Nhưng sự giúp đỡ ấy cần có giới hạn trong khả năng, điều kiện của hai vợ chồng, cũng như việc cho vay không thể kéo dài, lặp lại quá nhiều lần. Bởi không phải lúc nào, bạn cũng có điều kiện để giúp đỡ họ. Dù có thu nhập khá nhưng đó là công sức lao động của bạn, vợ chồng bạn cũng cần chi tiêu cho con cái và cuộc sống hàng ngày. Việc bạn thông cảm chia sẻ với người thân của chồng sẵn sàng cho vay mượn là điều mà mọi người cần trân trọng và ghi nhận. Và khi bạn có nhu cầu thu lại, mọi người nên có trách nhiệm trả nợ đàng hoàng. Nếu họ không ý thức được điều ấy, bạn không có nghĩa vụ phải tiếp tục cho họ vay. Ngoài ra, anh ấy cũng cần hiểu rằng, anh chị em trong gia đình yêu thương và giúp đỡ nhau là đúng, nhưng việc gì cũng phải đặt trong khả năng.
Thu Vân