Đau một lát nhưng… không mát cả đời?
PNTĐ-Khi phát hiện ra bạn đời “trót dại”, nhiều người đã không chịu đựng nổi nỗi đau bị phản bội. Vì thế có những lá đơn ly hôn được ký vội vã theo kiểu “đau một lát mát cả đời”...
![]() |
Minh họa st |
Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc
Phát hiện ra chồng “ăn nem” bên ngoài, chị đau đớn và giận chồng đến nỗi viết ngay đơn ly hôn. Người thân khuyên chị nên sống ly thân để bình tâm lại, không nên chỉ trong chốc lát quyết định ly hôn để rồi sau này hối hận đã muộn.
Chị bảo, ngoại tình là thứ mà chị căm hận nhất. Vậy nên từ ngày về sống chung với nhau, chị không ít lần cảnh báo anh hãy cẩn thận trong chuyện tình cảm ngoài luồng. Thế mà, anh vẫn sa chân. Trong suy nghĩ của chị, đàn ông “trót dại” là có “gen ngoại tình”. Nếu “nhúng chàm” một lần thì sẽ có nguy cơ tái diễn lần sau. Còn nếu người đàn ông không có cái “gen” ấy thì sẽ luôn làm chủ bản thân không để cho những phút xao lòng đánh gục. Vì thế, chị chấp nhận thà đau một lát nhưng sẽ “mát” cả đời. Hai đứa con chị cũng sẽ không phải chịu hậu quả từ sự dày vò lẫn nhau của bố mẹ.
Thuốc đắng nhưng không giã tật
Ba năm sau ly hôn, chị tìm đến phòng tư vấn với nỗi buồn chất chứa. Khác với người phụ nữ bản lĩnh trước khi ly hôn, giờ chị trở nên mềm yếu. Chị bảo giờ cuộc đời chị đã “bị thương” nên đụng đâu cũng thấy đau. Chạm vào cuộc sống thực tế sau ly hôn, chị mới hiểu rõ những khó khăn mà mình phải đối mặt.
Cú sốc bị chồng phản bội khiến chị không còn tin đàn ông nên chuyện tái hôn hoàn toàn nằm ngoài suy nghĩ. Làm người phụ nữ đơn thân nuôi hai đứa con nhỏ không hề dễ dàng. Nhà nội của bọn trẻ vẫn còn giận chị đã đẩy hai đứa cháu sống cảnh xa bố nên mỗi lần gần chúng họ lại dùng đủ mọi cách để lôi kéo. Lần nào, chồng cũ đón các con về chơi với ông bà là thế nào họ cũng tiêm vào đầu hai đứa trẻ mọi tội lỗi của mẹ. Rằng mẹ nhẫn tâm đuổi bố ra khỏi nhà, mẹ không cho bố sống cùng để chăm sóc chúng, mẹ chia cắt tình cảm ông bà với cháu, bố với các con…
Thậm chí, họ còn dùng nhiều tiền để mua đồ chơi, quần áo đẹp để lấy lòng chúng. Dần dần, hai đứa con chị đâm ra oán hận mẹ. Chúng ép mẹ phải cho bố về sống cùng như ngày xưa, nếu không chúng sẽ bỏ học, sẽ bỏ nhà đi. Ngày nào chị cũng phải đối mặt với sự chống đối của hai đứa trẻ. Nhiều khi quá bực mình trước sự ương bướng của con, chị đánh chúng. Đòn roi ấy không khiến cho chúng sợ và yêu thương mẹ hơn. Có những lúc, cả hai đòi về sống với bố và ông bà cả tuần không chịu về với mẹ. Điều này khiến chị rất khổ tâm. Giờ thì không những chị căm hận chồng vì đã phản bội mình mà chị còn căm hận cả nhà chồng đã tác động làm mẹ con xa dần nhau.
Đừng vội vã để ân hận suốt đời
Tôi gặp anh khi được chị nhờ đến “thương thuyết” giúp để được nhận lại quyền nuôi con. Bởi chị không muốn hai đứa trẻ phải sống cảnh mẹ kế con chồng. Anh ngồi trầm tư, nói trong sâu thẳm vẫn còn yêu chị lắm nhưng giờ tình yêu đó đã chuyển thành… thương hại. Vợ chồng mà sống với nhau bằng thương hại thì bất hạnh lắm nên anh không thể quay về đoàn tụ cùng chị. Quyền nuôi con của chị, anh không “cướp” nhưng nếu chị không thoát ra khỏi căn bệnh trầm cảm ấy, không đứng vững trong cuộc sống để các con dựa vào thì anh không thể để các con trở về. Cả cuộc đời này, điều anh hối tiếc nhất là đã tạo ra sai lầm để các con phải sống trong cảnh gia đình đổ vỡ. Vậy nên anh phải chuộc lại lỗi lầm đó bằng cách đảm bảo cho chúng cuộc sống tốt nhất.
Thu Vân