Kẹt giữa con riêng và chồng
PNTĐ-Khi tái hôn, một số phụ nữ bất đắc dĩ lâm vào tình cảnh kẹt giữa con riêng và chồng. Để rồi, hạnh phúc hôn nhân theo đó chao đảo.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tại văn phòng tư vấn Tâm Giao (báo Phụ nữ Thủ đô), chị Nguyễn Thu M (43 tuổi) kể về tình cảnh khó xử của mình trong mối quan hệ giữa con riêng và chồng. Trước đây, chị M đã từng kết hôn và có một con trai là Nguyễn Tiến Q. Khi con tròn 13 tuổi, vợ chồng chị ly hôn, Q về sống cùng mẹ. Hai năm sau, chị M tái hôn với một người đàn ông cùng cảnh ngộ. Tuy nhiên, anh yêu cầu chị để lại con cho ông bà ngoại nuôi. Bấy giờ, bố mẹ chị không muốn con gái bỏ lỡ cơ hội tìm được hạnh phúc mới nên đã đồng ý nuôi cháu.
Tái hôn được một năm thì chị M sinh con nên không có thời gian quan tâm con riêng nhiều như trước. Thương con thiệt thòi tình cảm, chị bù đắp cho con về kinh tế. Ngoài số tiền đưa cho ông bà hàng tháng, chị còn cho Q thêm tiền để chi tiêu. Thiếu sự chăm sóc của bố mẹ hàng ngày, Q càng lớn càng khó dạy bảo. Vào học cấp 3, Q trở nên bất trị, đua đòi với bạn bè xấu, đánh lô đề, học hành chểnh mảng, vay tiền lãi suất cao để tiêu xài. Không biết bao nhiêu lần, chị M âm thầm giấu chồng gửi tiền về để trả nợ cho con riêng.
Cuối năm ngoái, chị hốt hoảng khi Q báo cho mẹ khoản nợ 300 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Chị M không dám nói sự thật với chồng nên đã âm thầm rút sổ tiết kiệm mang tiền về trả nợ cho con trai. Chị nghĩ khoản tiền đó là của để dành sau này nên chồng sẽ không hỏi đến. Không ngờ, cách đây một tháng, công ty chồng chị làm ăn khó khăn nên hỏi chị về số tiền tiết kiệm. Bấy giờ, anh hỏi đến số tiền tiết kiệm, chị đành thú nhận sự thật với chồng. Anh tức giận, cho rằng vợ chỉ quan tâm đến mỗi con riêng của mình mà không nghĩ cho gia đình hiện tại.
Sau đó, anh ép chị đưa con về “trả” cho bố nó, để toàn tâm lo cho gia đình, nếu không thì ly hôn. Bởi, anh cho rằng hôn nhân của họ sẽ không thể nào yên ổn nếu như chị cứ suốt ngày bù đắp cho con riêng kiểu đó. Chị M cho biết, chuyện đưa con riêng về cho chồng cũ nuôi là không thể, bởi sau ly hôn anh ta ra nước ngoài làm ăn, không về nước. Bây giờ, chị bỗng nhiên bị kẹt giữa con riêng và chồng, không biết phải giải quyết như thế nào.
Chị Lê Thị Y (35 tuổi) lại mang con riêng về sống cùng khi tái hôn. Sau đó, chị sinh tiếp một con trai với chồng mới. Quá trình chung sống, chị nhận thấy dù chồng chấp nhận sống cùng con riêng của mình nhưng anh khá rạch ròi trong vấn đề tài sản. Anh nói rõ, mọi tài sản anh tạo lập nên chỉ có con chung của anh chị mới được quyền thừa hưởng. Kể cả trong việc đầu tư cho các con học hành, anh cũng phân biệt rõ ràng, con ruột của anh được học ở trường tốt, còn con riêng của chị học ở trường bình thường. Chị sống phụ thuộc vào kinh tế chồng nên chẳng dám đòi hỏi nhiều cho con riêng.
Thương con riêng thiệt thòi, chị Y tìm cách bớt xén từ chi tiêu hàng ngày để tích lũy cho con một khoản tiết kiệm. Hơn chục năm nay, chị cũng dành dụm được một số tiền mang góp vốn mua chung bất động sản với bạn bè. Qua mấy lần mua đi bán lại, số tiền chị có được đủ mua một căn hộ chung cư nhỏ. Chị giấu chồng về tài sản riêng đó, dự định khi con riêng lớn sẽ chuyển quyền sở hữu cho nó.
Một ngày, anh tình cờ phát hiện ra chuyện ấy nên quy kết vợ chỉ nghĩ cho con riêng mà không nghĩ cho con chung. Anh bắt chị nhập số tài sản kia thành tài sản chung, sau này con chung cũng được chia phần bằng con riêng. Tuy nhiên, chị Y không đồng ý với lý do con chung của anh chị đã có phần của bố và ông bà nội để lại sau này, trong khi con riêng của chị thì “tay trắng”. Mâu thuẫn với chồng về vấn đề tài sản cho con riêng của chị ngày một trầm trọng, hôn nhân của họ theo đó bị đẩy vào nguy cơ đổ vỡ.
Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, sở dĩ có tình trạng những người mẹ âm thầm tạo lập tài sản cho con riêng, hoặc bằng nhiều cách giải quyết các vấn đề của con riêng sau lưng bạn đời mới là do một số người không đón nhận trách nhiệm đối với con riêng của vợ. Họ vẫn nghĩ những đứa trẻ đó không cùng huyết thống với mình nên không cần phải có trách nhiệm với chúng. Thực tế, trách nhiệm nuôi dưỡng con riêng của vợ/chồng không chỉ là thuộc về bố/mẹ đẻ, mà còn là trách nhiệm chung của bố dượng, mẹ kế. Do đó, những cặp đôi có hoàn cảnh “rổ rá cặp lại” cần xác định rõ tư tưởng về tình cảm, trách nhiệm của mình đối với con riêng của đối phương trước khi tái hợp. Sự thỏa thuận nuôi dưỡng con riêng, con chung công bằng như nhau là cần thiết, không phân biệt đối xử, đảm bảo cho trẻ được nuôi dưỡng trong bình đẳng.
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cũng cho rằng, người vợ cũng không nên giấu chồng khi giải quyết các vấn đề của con riêng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tài chính, nợ nần. Việc lấy tài sản chung để giải quyết nợ nần của con riêng nhất định phải được chồng đồng ý. Ngoài ra, pháp luật cũng đã có quy định quyền được hưởng di sản thừa kế của bố mẹ không phân biệt con chung, con riêng. Do đó, người mẹ không nên lo lắng con riêng sau này vô sản, không có quyền chia tài sản như con chung mà giấu giếm tạo lập của để dành cho con riêng, khiến bạn đời bức xúc, đẩy hôn nhân vào bất hòa, đổ vỡ.
Hạ Thi