Nuôi con không tốt là lỗi của mẹ?
PNTĐ-Tôi nghĩ chăm sóc, nuôi dạy con cái nên người là trách nhiệm của cả bố lẫn mẹ, nhưng tại sao lại chỉ có người mẹ luôn là người bị đổ lỗi khi con cái có vấn đề?
Từ khi sinh hai đứa con, tôi trở thành người mẹ tồi, nàng dâu kém cỏi, cô vợ vô tích sự. Nguyên nhân, chồng và gia đình chồng cho rằng tôi chỉ có mỗi nhiệm vụ ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái mà làm việc đó cũng không xong. Hai đứa con luôn sổ mũi, cảm sốt, lười ăn uống nên gầy còm, không thông minh lanh lợi, giỏi giang như con cái nhà người ta. Vì thế, hễ con có chuyện là tôi bị chồng cằn nhằn, mẹ chồng mắng mỏ, bố chồng trách cứ... Cuộc sống của tôi không có ngày nào thảnh thơi vì con. Tôi nghĩ chăm sóc, nuôi dạy con cái nên người là trách nhiệm của cả bố lẫn mẹ, nhưng tại sao lại chỉ có người mẹ luôn là người bị đổ lỗi khi con cái có vấn đề?
Trần Thị Bình An
(Hai Bà Trưng, Hà Nội)
(Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Quan niệm và sự "mặc định" vai trò chăm sóc, nuôi dạy con cái cho người mẹ là xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp xa xưa. Bấy giờ người phụ nữ có vai trò quán xuyến công việc bếp núc, sinh con, chăm sóc con cái; còn đàn ông ra ngoài săn bắn, hái lượm mang lương thực về. Sự phân chia vai trò đó đã gắn liền theo tiến trình phát triển của cuộc sống con người qua hàng trăm năm. Đến thời hiện đại, cuộc sống đã có sự bình đẳng, người phụ nữ không còn gắn liền với công việc gia đình mà ra ngoài tham gia công tác xã hội giống như nam giới. Vai trò giáo dục con cái trong gia đình cũng được nhìn nhận lại, theo đó, bố mẹ đều có vai trò ngang nhau thay vì chỉ mặc định cho người mẹ như trước đây.
Tuy nhiên, nền văn hóa phong kiến xưa vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức mọi người, do đó không phải gia đình nào cũng nhận ra được sự bình đẳng trong vai trò chăm sóc con cái giữa người chồng và người vợ. Rất nhiều người vẫn cho rằng, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dạy con nên người chủ yếu vẫn là người mẹ, người bố chỉ đóng vai phụ, vì còn bận rộn ra ngoài làm kiếm tiền, lo kinh tế cho gia đình. Đặc biệt đối với người mẹ không đi làm ngoài xã hội, chỉ ở nhà nội trợ thì trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con gần như 100%, giống như trường hợp chị Bình An trên đây. Theo đó, khi con cái hư hỏng hay có vấn đề, người mẹ thường bị “đổ lỗi” đầu tiên.
Nhưng thực tế và khoa học chứng minh rằng, người mẹ không thể thay thế vai trò giáo dục của người cha đối với con cái. Bởi vai trò giáo dục con của người cha và người mẹ rất khác nhau và đều quan trọng đối với con cái. Do đặc điểm tính cách của giới nữ, người mẹ sẽ dạy con phần "nhu", còn người cha sẽ dạy con phần "cương". Từ những đặc điểm tính chất ấy, một đứa trẻ nhận được sự giáo dục, chăm sóc của bố mẹ sẽ có được sự kiên định, chín chắn, mạnh mẽ, dũng cảm của người cha, và sự dịu dàng, nhu thuận của mẹ. Khi có được những yếu tố ấy, đứa trẻ lớn lên sẽ dễ dàng thích ứng cũng như ứng phó với mọi khó khăn trong cuộc sống. Ở trong những trường hợp đặc biệt nào đó, người mẹ buộc phải kiêm luôn vai trò làm cha, làm mẹ (hoặc ngược lại) thì đứa con lớn lên vẫn luôn cảm thấy bị thiệt thòi bởi thiếu đi vai trò định hướng, giáo dục đúng nghĩa của người cha (người mẹ).
Trong trường hợp chị Bình An, trước hết mọi thành viên trong gia đình cần được tư vấn để hiểu rằng việc chăm sóc, giáo dục con cái là trách nhiệm chung của bố mẹ. Việc người vợ ở nhà làm công việc nội trợ không có nghĩa là trách nhiệm nuôi dạy con cái do một mình họ đảm nhận, và khi con có vấn đề thì phải chịu lỗi hoàn toàn là không đúng. Người chồng vẫn không được bỏ quên vai trò nuôi dạy con cái của mình, bằng nhiều cách họ phải đồng hành, chia sẻ với vợ mình trách nhiệm đó.
Thu Vân