Nữ sinh lớp 8 kêu gọi bảo vệ loài “linh vật của SEA Games 31”

TRUNG THU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nguyễn Nguyệt Linh, nữ sinh được biết tới với lời kêu gọi ngừng thả bóng bay trong ngày khai giảng đã được toàn ngành giáo dục hưởng ứng lại đang triển khai hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã. Nhân dịp Việt Nam đăng cai SEA Games 31, Linh đã cùng các bạn kêu gọi bảo vệ loài Sao La, linh vật của SEA Games

 “Sao La hay còn được gọi là “Kỳ lân châu Á” là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992. Sao La sống trong các khu rừng rậm chủ yếu gần nơi có suối trên độ cao 200-600m trên mực nước biển dọc dãy Trường Sơn, vào mùa đông, Sao La sẽ di cư xuống những vùng đất thấp hơn để tránh rét…”.

Đó là một đoạn trong bài giới thiệu về Sao La vừa được đăng trên trang facebook của Câu lạc bộ “Forever an Animal Lover Club” do Nguyệt Linh thành lập vào đúng vào ngày Thế giới bảo tồn động vật hoang dã 3/3/2022.

Nữ sinh lớp 8 kêu gọi bảo vệ loài “linh vật của SEA Games 31” - ảnh 1

Nguyệt Linh mong mọi người sẽ quan tâm bảo vệ Sao La, linh vật của SEA Games 31 Ảnh: NL

Linh cho biết, loài Sao La “thiệt thòi” hơn nhiều động vật khác vì tài liệu viết về chúng không sẵn có. Để có thể tìm hiểu về Sao La, Linh và các bạn đã phải nhờ tới sự trợ giúp của các chuyên gia của tổ chức LVDI International Vietnam chuyên về bảo tồn động vật hoang dã.

Sau khi tìm hiểu, Linh và các bạn thấy rằng Sao La đang được xếp hạng ở mức nguy cấp (có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao) trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ Việt Nam. Mật độ của Sao La trong Vườn quốc gia Vũ Quang được dự đoán không quá 100 con. Mật độ tại Lào chưa được biết rõ nhưng phân bố không được liên tục.

Vào tháng 4/2011, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sao la rộng 160km² được thành lập ở Quảng Nam, hiện đang bảo tồn khoảng 60 con Sao La. Tính chung tổng số trên toàn cầu, số Sao La không hơn vài trăm con. Trong bối cảnh ấy, Linh mong muốn mình sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, cùng chung tay bảo vệ loài động vật quý hiếm này.

Càng tự hào hơn, khi Sao La đã được lựa chọn là linh vật của SEA Games 31. “Chúng ta hãy cùng nhau góp sức cho công tác bảo tồn loài Sao La tại Việt Nam” - Linh viết trên facebook của CLB. Chia sẻ về ý tưởng thành lập CLB bảo tồn động vật “Forever an Animal Lover Club” Linh cho biết từ nhỏ Linh đã được cùng gia đình đến thăm các khu vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, tham gia các hoạt động bảo vệ động vật. Linh sớm hiểu rằng con người cần phải có tình yêu với thiên nhiên, động vật. Song, Linh rất trăn trở vì hiện nay, động vật hoang dã vẫn chưa được con người quan tâm, bảo tồn đúng mức. Nhiều động vật hoang dã như tê giác, hươu… vẫn đang bị giết hại chỉ vì những lời đồn thổi sử dụng chế phẩm của chúng tốt cho con người.

Vì vậy Linh mong muốn tập hợp các bạn học sinh cùng trang lứa có chung tình yêu động vật và mong muốn hành động để bảo tồn động vật hoang dã. Sao La chính là động vật đầu tiên được “mở màn” cho chuỗi các hoạt động của Câu lạc bộ.

Nguyệt Linh hiện đang học lớp 8 trường Marie Curie Hà Nội. Dù còn nhỏ tuổi nhưng Nguyệt Linh đã được biết tới với nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, động vật hoang dã. Năm 2019, sau khi đến thăm tổ chức Save Vietnam Wild Life (SVW) ở rừng Cúc Phương, từ sự quan tâm đặc biệt đến bảo tồn động vật hoang dã và các loài tê tê, Linh đã nhận các sản phẩm của SVW như áo, túi để bán, gây quỹ 5, 6 triệu đồng gửi SVW.

Khi mới học lớp 6 trường THCS Marie Curie, Linh đã từng ghi dấu ấn với bức thư gửi 40 hiệu trưởng ở Hà Nội kêu gọi dừng thả bóng bay trong ngày khai giảng để bảo vệ môi trường. Từ lá thư đó đã tạo ra hiệu ứng trong toàn ngành Giáo dục khi nhiều trường đồng loạt dừng thả bóng bay.

Linh đã được ghi tên trong cuốn “Những bông hoa đẹp” do Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố Hà Nội phát hành và là đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội (2020-2025). Tháng 6/2021, Linh cũng đã xuất bản cuốn sách “Một mẩu rừng cho bạn”. Ngoài ra, Linh còn được nhiều tổ chức quốc tế, phi chính phủ như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) mời tham gia trong các video kêu gọi bảo vệ môi trường.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục