26 nhãn hàng liên quan Dược phẩm Á Âu có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật

Quách Dương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, có đến 26 nhãn hàng hiện do Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu phân phối, tiếp thị được quảng cáo trên tên miền quốc tế, với nội dung có dấu hiệu trái pháp luật. Tuy nhiên, phía Dược phẩm Á Âu "đóng cửa" trước báo chí trong việc phối hợp xác định tổ chức, cá nhân nào thực hiện các chiến dịch quảng cáo vừa nêu...

26 nhãn hàng liên quan Dược phẩm Á Âu có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật - ảnh 1
Sản phẩm Nattospes được quảng cáo trên trang nattospes.duoclieuquy.co.

26 nhãn hàng liên quan Dược phẩm Á Âu có dấu hiệu quảng cáo trái quy định

Như bài trước Báo Phụ nữ Thủ đô đã phản ánh, việc sản phẩm Nga Phụ Khang đang được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, thậm chí phòng tránh được các loại bệnh ung thư có thể khiến phụ nữ “sập bẫy”. Thông tin quảng cáo dựa trên tên miền quốc tế duoclieuquy.co và phân cấp thành các trang con. 

Các trang con của tên miền duoclieuquy.co như ngaphukhang.duoclieuquy.co hoạt động dưới dạng ladipage. Thông tin sau khi đăng tải sẽ quảng cáo trên Google để thu về tệp khách hàng có nhu cầu.

Theo ghi nhận của PV Báo Phụ nữ Thủ đô, không chỉ sản phẩm Nga Phụ Khang mà có ít nhất 25 sản phẩm khác của Công ty này cũng được quảng cáo dưới dạng trang con của tên miền quốc tế duoclieuquy.co. Như vậy, có tất cả 26 sản phẩm đang quảng cáo với cùng cách thức như Nga Phụ Khang.

26 sản phẩm bao gồm: Nga Phụ Khang, Nattospes, Cốt thoái vương, Kim miễn khang, Tiêu khiết thanh, Kim thính, Ích giáp vương, Phụ bì khang, Spacaps, Ích thận vương, Linh tự đan, Vương não khang, Ích tâm khang, Kim đởm khang, Vương lão kiện, Ích tâm vương, Su bạc, Nutridentiz, Định áp vương, Ích tiểu vương, Bảo phế vương, Oncolysin, Tumolung, Hộ tạng đường, Kim thần khang, Phụ lạc cao.

26 nhãn hàng liên quan Dược phẩm Á Âu có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật - ảnh 2
26 nhãn hàng liên quan Dược phẩm Á Âu có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật - ảnh 3
Danh sách 26 sản phẩm sử dụng tên miền quốc tế để quảng cáo với nội dung có dấu hiệu trái quy định.

Cả 26 sản phẩm vừa nêu đều do Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu chịu trách nhiệm phân phối, tiếp thị.

Các nhãn hàng được xây dựng dưới dạng trang con của tên miền quốc tế duoclieuquy.co. Ví dụ: Ngaphukhang.duoclieuquy.co, Nattospes.duoclieuquy.co, Ichthanvuong.duoclieuquy.co…

Được biết, tên miền duoclieuquy.co được đăng ký từ tháng 11/2021. Đến nay đã qua 3 năm tồn tại nhưng hoạt động quảng cáo này vẫn nằm ngoài “tầm ngắm” của cơ quan chức năng.

Theo trang web duocphamaau.com, hiện Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu đang phân phối 66 sản phẩm, trong đó chủ yếu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm.

Dược phẩm Á Âu “đóng cửa” trước báo chí?

Để xác minh các thông tin liên quan đến hoạt động quảng cáo nêu trên, PV Báo Phụ nữ Thủ đô đã liên hệ đến Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu tại số 171 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Tuy nhiên gần 2 tháng trôi qua, phía doanh nghiệp không đưa ra giải thích nào với báo chí.

Mặc dù “đóng cửa” trước báo chí, tuy nhiên theo các thông tin công khai có thể thấy, Công ty TNHH Dược Phẩm Á Âu là doanh nghiệp có bề dày trong lĩnh vực dược phẩm. Công ty được thành lập từ tháng 11/2005 do ông Nguyễn Văn Luận, sinh năm 1971 làm người đại diện pháp luật.

Giai đoạn 2017-2018, ông Luận đăng ký địa chỉ tại P205, Y2, Tập thể Bộ Y tế, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Từ năm 2020, ông Luận chuyển đến số 39, ngõ 115, đường Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.

Dù đăng ký hình thức là Công ty TNHH, song Dược phẩm Á Âu có sự góp vốn của nhiều người. Theo dữ liệu trước tháng 6/2018, cơ cấu cổ đông của Dược phẩm Á Âu gồm có Bùi Thọ Uẩn, góp 2,25 tỷ đồng – chiếm 5% vốn điều lệ, Nguyễn Văn Luận, góp 36 tỷ đồng – chiếm 80% vốn điều lệ. Nguyễn Thị Bích Hợp, góp 4,5 tỷ đồng – chiếm 10% vốn điều lệ và Nguyễn Văn Bình góp 2,25 tỷ đồng – chiếm 5% vốn điều lệ. Sau tháng 6/2018, bà Nguyễn Thị Bích Hợp rút khỏi danh sách cổ đông.

Năm 2020, Dược phẩm Á Âu đăng ký giảm vốn điều lệ từ 45 tỷ đồng xuống 25 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu của 3 cổ đông chính cũng có sự biến động. Ông Nguyễn Văn Luận nắm cổ phần chi phối với 90% vốn điều lệ. Hai cổ đông còn lại là Bùi Thọ Uẩn và Nguyễn Văn Bình mỗi người giữ 5% vốn điều lệ.

Sau gần 19 năm hoạt động, tháng 5/2024, Dược phẩm Á Âu có sự chuyển biến về định hướng kinh doanh khi doanh nghiệp đăng ký mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản, tư vấn, môi giới đấu giá bất động sản…

Theo thông tin trên website của Dược phẩm Á Âu, đơn vị này đang xây dựng hệ thống theo quy mô lớn hơn là Tập đoàn Á Âu – IMC.

 Ngang nhiên lấy hình ảnh bệnh viện để quảng cáo

Đặc điểm chung của 26 sản phẩm do Dược phẩm Á Âu chịu trách nhiệm được quảng cáo dựa trên tên miền quốc tế đều có chung một cách thức là dùng hình ảnh của nhiều bệnh viện, cơ sở y tế, dược sĩ, bác sĩ và thậm chí là so sánh các loại thực phẩm với thuốc – điều mà pháp luật nghiêm cấm.

Nattospes là một ví dụ. Trên trang nattospes.duoclieuquy.co, bên quảng cáo lấy hình ảnh Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Tuệ Tĩnh để quảng cáo sản phẩm và so sánh sánh tác dụng của loại thực phẩm này với thuốc điều trị.

Chẳng hạn: “Nghiên cứu tại Bệnh viện Quân đội 108 - Nattospes có tác dụng làm tan cục máu đông tương đương thuốc điều trị đột quỵ Aspirin, nhưng không gây tác dụng phụ (đau dạ dày, xuất huyết trong)”.

Hay như nghiên cứu tại Bệnh viện Bạch Mai cũng cho thấy: “Nattospes có tác dụng điều trị phục hồi chức năng vận động sau đột quỵ. Hiệu quả ngăn chặn đột quỵ tương đương Aspirin, nhưng ít tác dụng phụ hơn và có thể dùng được lâu dài”…

26 nhãn hàng liên quan Dược phẩm Á Âu có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật - ảnh 4
Sản phẩm Nattospes sử dụng hình ảnh của các bệnh viện để quảng cáo...

Thông tin nghiên cứu được nêu ra rả để quảng cáo nhưng bên quảng cáo không đưa ra hồ sơ, tài liệu nghiên cứu cụ thể.

Sản phẩm Ích thận vương cũng được tiếp thị trên trang ichthanvuong.duoclieuquy.co với các nội dung mà pháp luật cấm như: Dùng ý kiến bệnh nhân chia sẻ: “Uống Ích Thận Vương được 3 tháng, tôi thấy các triệu chứng bắt đầu thuyên giảm, chân tôi không còn phù nữa. Số lần đi tiểu ít đi và lượng nước tiểu mỗi lần thải ra nhiều hơn, creatinin giảm xuống mức cho phép. Giờ đây, cuộc sống sinh hoạt của tôi đã trở lại bình thường như trước”…

Không chỉ dùng ý kiến bệnh nhân để miêu tả tác dụng sản phẩm, trang web ichthanvuong.duoclieuquy.co còn tiếp thị sản phẩm này có “tác dụng chống tăng sinh với dòng tế bào ung thư phổi”…

26 nhãn hàng liên quan Dược phẩm Á Âu có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật - ảnh 5
Sản phẩm Ích thận vượng được quảng cáo có tác dụng chống tăng sinh với dòng tế bào ung thư phổi.

Theo tìm hiểu của PV Báo Phụ nữ Thủ đô, cả 26 sản phẩm nêu ở phần trên đều được quảng cáo với cách thức giống nhau như, dùng chia sẻ của người bệnh, hình ảnh của các bệnh viện lớn, dược sĩ, bác sĩ để quảng cáo cho sản phẩm.

Trong khi đó, các quy định về quảng cáo thực phẩm như Luật Quảng cáo, Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP… đều cấm tổ chức, cá nhân sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. Cấm so sánh về chất lượng, hiệu quả sản phẩm này với sản phẩm khác…

 

Tin cùng chuyên mục

Xã Hương Sơn (Mỹ Đức): Đắp bờ ngăn nước và hỗ trợ thuyền, đò cho các tỉnh bị ngập lụt

Xã Hương Sơn (Mỹ Đức): Đắp bờ ngăn nước và hỗ trợ thuyền, đò cho các tỉnh bị ngập lụt

(PNTĐ) - Trong 2 ngày (9/9 và 10/9), ảnh hưởng của mưa lớn do hoàn lưu cơn bão số 3, lượng nước hồ Hương Tích dâng lên cao, chính quyền và nhân dân xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức đã tập trung đắp bờ, ngăn nước tràn vào khu dân cư. Đồng thời, chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng lũ ở các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, toàn xã Hương Sơn đã huy động hàng trăm thuyền, đò, người lái thuyền và nhiều chuyến xe hàng thiết yếu đi hỗ trợ.