40 năm đổi mới, Hà Nội phát triển, nâng cao vị thế và uy tín

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 28/3, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 11.000 đại biểu tại 503 điểm cầu. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và Thường trực Thành ủy chủ trì hội nghị từ điểm cầu chính tại trụ sở Thành ủy Hà Nội.

Khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết 40 năm đổi mới tại Thủ đô Hà Nội cho biết, nhiệm vụ tổng kết 40 năm đổi mới có tầm quan trọng rất đặc biệt để nhìn nhận chặng đường đã qua, rút ra những bài học để kế thừa và tiếp tục đường lối, chủ trương trong giai đoạn tiếp theo.

Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, giao các cơ quan, đơn vị và địa phương tham gia tổng kết, trong đó có Hà Nội.

40 năm đổi mới, Hà Nội phát triển, nâng cao vị thế và uy tín - ảnh 1
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và Thường trực Thành ủy chủ trì hội nghị từ điểm cầu chính tại trụ sở Thành ủy Hà Nội.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, kể từ khi bắt đầu đổi mới từ năm 1986 đến nay, thấm nhuần và ý thức sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô, Đảng bộ TP Hà Nội luôn bám sát quan điểm chỉ đạo, vận dụng sáng tạo tư tưởng đổi mới của Trung ương vào thực tiễn Hà Nội; luôn ghi nhớ, nỗ lực phấn đấu và thực hiện tốt Lời di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đó là “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các Đảng bộ khác”; gương mẫu, đi đầu trong công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu to lớn, khá toàn diện trên mọi mặt đời sống xã hội.

Đảng bộ Thành phố xác định rõ, chủ nghĩa xã hội (CNXH) là chế độ xã hội có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, quan hệ sản xuất tiến bộ. Bài học kinh nghiệm cho thấy, phát triển kinh tế- xã hội không chỉ là yêu cầu mà còn là phép thử vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Triển khai đường lối đổi mới của Đảng từ Đại hội lần thứ VI đến Đại hội XIII và các Đại hội Đảng bộ Thành phố từ lần thứ X đến lần thứ XVII, mô hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô đã từng bước chuyển mình. Từ những ngày đầu triển khai Đại hội X của Đảng bộ Thành phố (1986) xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đến nay là mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) tiếp tục được xác định tại Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố. Theo đó nhấn mạnh tận dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đi đầu trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ rõ, thực tế qua gần 40 năm đổi mới đã chứng minh, việc bổ sung, phát triển mô hình nhiều lần trong quá trình hiện thực hóa trên địa bàn, công cuộc đổi mới ở Hà Nội đã thu được những thắng lợi quan trọng. Thủ đô đã vượt qua các thời kỳ khó khăn, liên tục đạt nhịp độ tăng trưởng cao. Kinh tế nhà nước phát huy vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể được củng cố; kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Từ công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, sang dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế tri thức. Nhiều chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh của Hà Nội đứng đầu cả nước. Quan hệ sản xuất mới XHCN ngày càng được hoàn thiện, củng cố và phát triển. Kinh tế tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng trong tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng được tăng cường. 

40 năm đổi mới, Hà Nội phát triển, nâng cao vị thế và uy tín - ảnh 2
Đồng chí Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc.

Tuy vậy, trong quá trình phát triển, Thủ đô Hà Nội đã nhận diện rõ một số tồn tại, hạn chế cần phải tập trung giải quyết, đó là: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; còn tình trạng ách tắc giao thông, sự thiếu đồng bộ của hệ thống cấp, tiêu thoát nước, tình trạng ô nhiễm môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm; giải pháp đối với sự gia tăng dân số; chưa phát huy hết thế mạnh các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao để tập trung cho đầu tư phát triển; phát triển văn hóa - xã hội chưa tương xứng với phát triển kinh tế, với vị thế của Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng…

Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý các nội dung chủ yếu cần được các đại biểu tập trung đánh giá, phân tích nhằm bảo đảm chất lượng tổng kết 40 năm đổi mới trên địa bàn Hà Nội và bảo đảm đúng Đề cương mà Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương đề ra.

Cụ thể là: Thứ nhất, sự phát triển nhận thức của Đảng bộ TP Hà Nội về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam qua 40 năm đổi mới, trong đó nhấn mạnh những mô hình hay, sáng tạo, những kinh nghiệm quý trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; những thành tựu trong vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh tại Thủ đô; tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong 10 năm gần đây.

Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, vấn đề đặt ra, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm của Thành phố; dự báo bối cảnh mới, phương hướng, quan điểm, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; từ đó đề xuất, kiến nghị, định hướng giải pháp và khâu đột phá báo cáo Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương.

Thứ hai, đánh giá kết quả, làm sâu sắc hơn những đóng góp của Thủ đô qua 40 năm đổi mới, nhất là trong việc phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của TP Hà Nội và đất nước, như:

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở Thủ đô luôn được Đảng bộ Thành phố coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đạt được kết quả quan trọng. Hệ thống chính trị từ Thành phố tới cơ sở không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, triển khai có trọng tâm, trọng điểm và đạt được kết quả quan trọng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Kinh tế Thủ đô từ nền kinh tế bao cấp theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu đã từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế thị trường đang từng bước được hoàn thiện. Vị thế Thủ đô trên trường quốc tế được nâng cao.

Văn hóa - xã hội sau gần 40 năm đổi mới, từ lý luận và thực tiễn, có thể khẳng định: Trên lĩnh vực phát triển văn hóa và xây dựng con người, Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, khá toàn diện, sâu sắc và nổi bật trên một số mặt. Sự nghiệp văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ ngày càng phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo. Các khâu đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư có những chuyển biến rõ nét qua các nhiệm kỳ.

Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có nhiều đổi mới, sáng tạo, sát với tình hình thực tiễn. Tiềm lực, thế trận và sức mạnh của khu vực phòng thủ không ngừng được củng cố, tăng cường. Công tác đối ngoại của Thành phố đã có những bước chuyển mình tích cực. TP Hà Nội đã mở rộng kết nghĩa với nhiều Thủ đô, thành phố lớn của các nước trên thế giới.

Thứ ba, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; những thách thức mà Thủ đô đang phải đối mặt, trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển; những bài học lớn về 40 năm đổi mới, phân tích bản sắc của phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, phát huy những kinh nghiệm, truyền thống quý báu của các thế hệ đi trước, đồng thời trân trọng và phát huy những thành tựu trong giai đoạn mới.

Thứ tư, đánh giá yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra cho công cuộc đổi mới, từ việc tiếp tục đổi mới tư duy đến làm thế nào phát triển kinh tế - xã hội đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả kinh tế; tăng cường phát triển văn hóa. Dự báo bối cảnh mới, phương hướng, quan điểm, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ năm, đề xuất những biện pháp để tăng cường thống nhất nhận thức và nâng cao hiệu quả của công cuộc đổi mới, kiến nghị những giải pháp xây dựng nền kinh tế hiện đại, gắn với chuyển đổi số, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ

(PNTĐ) - Theo công văn của Bộ Y tế, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh như sởi, ho gà... được ghi nhận gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong nước, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên trong bối cảnh chung của thế giới, tại Việt Nam đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch sởi, ho gà, thủy đậu... và đã bắt đầu có xu hướng tăng ở một số địa phương.
Quận Tây Hồ: Phấn đấu "đường sạch, cây xanh, Hồ Tây không rác"

Quận Tây Hồ: Phấn đấu "đường sạch, cây xanh, Hồ Tây không rác"

(PNTĐ) -  Sáng 27/4, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức Lễ phát động ra quân đảm bảo vệ sinh môi trường (VSMT), trật tự đô thị (TTĐT) với sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các lực lượng, đơn vị trên địa bàn quận. Hoạt động nhằm  đảm bảo công tác VSMT, TTĐT trên địa bàn Quận nói chung và xung quanh Hồ Tây nói riêng từng bước đi vào nề nếp.
Ấn tượng chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”

Ấn tượng chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”

(PNTĐ) - Tối 26/4, tại Quảng trường thành phố Điện Biên Phủ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”; tổng kết Cuộc thi tìm hiểu 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) và 70 năm Ngày ký hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 – 21/7/2024).