5 điểm mới của Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024- 2029
(PNTĐ) - Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029 sẽ diễn ra ngày 16-18/10 với nhiều điểm mới, trong đó, tiêu đề dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội đã thể hiện quan điểm mới về vai trò nòng cốt chính trị và nhiệm vụ bao trùm của Mặt trận trong giai đoạn cách mạng mới, hướng tới mục tiêu cao nhất là xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Gần 1.400 đại biểu tham dự Đại hội
Sáng 4/10, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức họp báo thông tin, giới thiệu về Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.Đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì họp báo.
Thông tin tại họp báo, đồng chí Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, Đại hội diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) từ ngày 16-18/10/2024 với chủ đề: “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”.
Đại hội có sự tham dự của gần 1.400 đại biểu, trong đó có 324 đại biểu nữ (30,7%); 492 đại biểu là người ngoài Đảng (46,7%); 267 đại biểu là người dân tộc thiểu số (25,3%); 198 đại biểu là tôn giáo (18,8%); 20 đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài (1,9%)…
Đại biểu trẻ tuổi nhất là 20 tuổi (chị Bà Thị Hà, cá nhân tiêu biểu dân tộc S’Tiêng, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Đại biểu cao tuổi nhất là 95 tuổi (Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam).
Báo cáo Chính trị của Đại hội có chủ đề: “Nâng cao vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam, phát huy dân chủ, truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Dự kiến Đại hội sẽ triển khai 6 chương trình hành động, gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, thực hiện dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Động viên các tầng lớp nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua. Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung phương thức hoạt động; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp.
Đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: Công tác mặt trận đang ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các tầng lớp nhân dân, khẳng định vị thế của MTTQ Việt Nam và vị trí, vai trò quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để đáp ứng được yêu cầu công tác mặt trận trong tình hình mới, Văn kiện Đại hội lần này được xây dựng trên cơ sở bám sát các chủ trương mới của Đảng, đồng thời tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng tình hình công tác mặt trận từ cơ sở, lấy ý kiến rộng rãi các ngành, các tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân và có những điểm mới nổi bật.
Về Đề án nhân sự trình Đại hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, dự kiến số lượng Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X là: 405 vị (tăng 20 vị so với khóa IX), trong đó, tái cử là 249 vị (tỷ lệ 61,5%), mới là 156 vị (tỷ lệ 38,5%). Số lượng Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X là 72 vị (tăng 10 vị so với khóa IX), trong đó tái cử là 49 vị (tỷ lệ 68,1%), mới là 23 vị (tỷ lệ 31,9%).
Những điểm mới về công tác xây dựng Báo cáo Chính trị
Về công tác xây dựng Báo cáo Chính trị trình Đại hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh 5 điểm mới:
Một là, tiêu đề dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội đã thể hiện quan điểm mới về vai trò nòng cốt chính trị và nhiệm vụ bao trùm của Mặt trận trong giai đoạn cách mạng mới, hướng tới mục tiêu cao nhất là xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hai là, dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung một số kết quả, nhiệm vụ mới từ thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo, linh hoạt của Mặt trận, kết quả có tính lay động, lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.
Ba là, báo cáo chính trị bổ sung nội dung nhận định, đánh giá khái quát quá trình 40 năm đổi mới của MTTQ Việt Nam theo đường lối của Đảng.
Bốn là, phương hướng, mục tiêu nhiệm kỳ 2024-2029 được xác định cụ thể, khả thi, đồng thời bổ sung rõ các chỉ tiêu có định lượng để triển khai thực hiện.
Năm là, bổ sung mới một chương trình hành động: “Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”, nhằm hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn khu dân cư, phát huy vai trò tự quản và quyền làm chủ của người dân, theo phương châm “lấy sức dân để chăm lo cho đời sống của nhân dân”. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở, làm tốt công tác hòa giải ngay tại cơ sở và phát huy vai trò giám sát của nhân dân tại cộng đồng. Phát huy vai trò của ban công tác mặt trận và các chi đoàn, chi hội, già làng, trưởng họ, người có tín nhiệm trong đồng bào dân tộc, tôn giáo vận động nhân dân xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, an toàn, ấm no, hạnh phúc.
Về nội dung bổ sung, sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, thời gian qua đã tập trung sửa đổi Điều lệ Mặt trận với một số nội dung chủ yếu như: điều chỉnh chế độ họp thường kỳ của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từ 1 lần/năm thành 2 lần/năm; làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Chủ tịch về phát động các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước mang tính chất toàn dân, toàn diện; giao thẩm quyền cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong việc thành lập Hội đồng tư vấn ở cấp Trung ương; quy định chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để thống nhất, đồng bộ với cấp Trung ương; quy định về hình thức Kỷ luật... để phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam và thống nhất với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) từ ngày 16-18/10/2024 với chủ đề: “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”.
* Trong ngày thứ nhất của Đại hội (16/10), Ban tổ chức sẽ khai mạc trưng bày hình ảnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và kết quả công tác Mặt trận nhiệm kỳ 2019-2024.
* Trong ngày thứ hai (17-10), buổi sáng sẽ diễn ra phiên khai mạc Đại hội với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam.
Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại 5 trung tâm thảo luận của Đại hội, sau đó thông qua Đề án nhân sự Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X; hiệp thương cử Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029; tham dự Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ nhất khóa X, nhiệm kỳ 2024 -2029.
* Phiên bế mạc Đại hội diễn ra vào sáng 18/10, trong đó có phần ra mắt Ban Thường trực và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024- 2029.