70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học
(PNTĐ) - Sáng 30/7, UBND huyện Sóc Sơn, Bộ Quốc phòng phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã và Hiệp định Giơnevơ (1945-2024); hướng tới 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Quốc phòng, Bộ Công An có Thiếu tướng Nguyễn Như Lôi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân; Đại tá Nguyễn Ngọc Huân, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: TS Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức Hội thảo; đại diện các Ban Đảng, Sở, ngành, lãnh đạo các quận, huyện, thị ủy.
Về phía huyện Sóc Sơn có các đồng chí Bùi Duy Cường, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn; Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn; Nguyễn Nam Hà, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn và các phòng, ban. Hội thảo còn có sự tham dự của lãnh đạo Viện Lịch sử quân sự cùng đại diện tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Thái Nguyên, thân nhân các nhân chứng lịch sử.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, cách đây 70 năm, cùng với Hội nghị Giơnevơ bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, tại Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội) diễn ra Hội nghị quân sự Trung Giã, bàn về các vấn đề do tình hình quân sự cụ thể tại chỗ đặt ra giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháp ở Đông Dương.
Sau 23 ngày đàm phán (4-27/7/1954), Hội nghị đã đạt được nhiều kết quả, giải quyết một cách thỏa đáng vấn tù binh, đồng thời định ra thể thức cần thiết để thực hiện ngừng bắn trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Kết quả đàm phán tại Trung Giã đã góp phần vào thành công của Hội nghị Giơnevơ, tiến tới tiếp quản, giải phóng Thủ đô.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn nhấn mạnh: “Đây là dịp để chúng ta làm rõ hơn giá trị lịch sử và những kinh nghiệm do Hội nghị quân sự Trung Giã mang lại, góp phần cung cấp thêm những luận cứ khoa học cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Bí thư Huyện uỷ Sóc Sơn Bùi Duy Cường khẳng định: “Nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện Đa Phúc trước đây, huyện Sóc Sơn ngày nay vinh dự là địa phương tổ chức Hội nghị, và tự hào tham gia bảo vệ, phục vụ, góp phần vào thành công của Hội nghị”.
70 năm qua, Hội nghị quân sự Trung Giã và hình ảnh những con người đã tham gia và tạo nên thành công của hội nghị như Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Song Hào, đồng chí Lê Quang Đạo và những tên tuổi khác như đồng chí Hồng Hà, Lê Minh Nghĩa, Lưu Văn Lợi… vẫn luôn in đậm trong ký ức, lịch sử truyền thống hào hùng của quân và dân huyện Sóc Sơn, trong bài học về lịch sử của các thế hệ học sinh Sóc Sơn. Năm 2002, Khu di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã được Thành phố xếp hạng, được xây dựng, trở thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của quê hương, ngày nay, các thế hệ cán bộ, đảng viên, Nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện Sóc Sơn đang nỗ lực phấn đấu xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Từ một huyện nghèo của Hà Nội, Sóc Sơn ngày nay đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển du lịch, dịch vụ, đang từng bước phát triển theo hướng đô thị cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô.
Vinh dự cho huyện Sóc Sơn được Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học quan trọng này, là dịp để các vị đại biểu, khách quý đến thăm, tìm hiểu về lịch sử, truyền thống, về vùng đất và con người Sóc Sơn. Cùng với những tư liệu, đánh giá về giá trị lịch sử của Hội nghị trong 70 năm qua, Hội thảo lần này sẽ tiếp tục khẳng định ý nghĩa, giá trị lịch sử và những bài học kinh nghiệm quý từ Hội nghị quân sự Trung Giã, bổ sung cho hệ thống các tư liệu lịch sử nói chung, với huyện Sóc Sơn, kết quả Hội thảo cũng là nguồn bổ sung quý về tư liệu cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã đang được Thành phố Hà Nội đưa vào danh mục đầu tư, nâng cấp, giúp cho công tác giáo dục lịch sử truyền thống, cách mạng kháng chiến của huyện thêm phong phú, giá trị.
Với chủ đề “Bối cảnh hội nghị quân sự Trung Giã hay tại sao phải có hội nghị quân sự Trung Giã?” PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Nguyên Viện trưởng Viện Sử học Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Hội nghị quân sự Trung Giã bàn những vấn đề quân sự đã thỏa thuận ở Hội nghị Giơnevơ và đặc biệt đã chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết để thực hiện ngừng bắn đúng ngày giờ như Hiệp định Giơnevơ đã quy định, tạo điều kiện cho Ủy ban Liên hợp Trung ương hoạt động. Trong 23 ngày, dưới sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Đoàn Đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ, góp một trang đẹp vào pho sử vẻ vang của nền ngoại giao quân sự Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhật khẳng định: “Thành công của Hội nghị quân sự Trung Giã có một ý nghĩa lịch sử to lớn. Hội nghị Giơnevơ đưa ra giải pháp toàn bộ nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ðông Dương, còn Hội nghị quân sự Trung Giã bàn cách thực hiện ngừng bắn và chính sách đối với tù binh, kiến nghị những vấn đề liên quan gửi đến quân sự và đặc biệt đã chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết để thực hiện ngừng bắn đúng ngày giờ như Hiệp định Giơnevơ đã quy định và tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động của Ủy ban Liên hợp Trung ương. Với kết quả đó, Đoàn Đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó “phải vững vàng về nguyên tắc, nhưng linh hoạt về sách lược”, góp phần vào thành công của Hội nghi Giơnevơ và góp một trang đẹp vào pho sử vàng, vẻ vang của nền ngoại giao quân sự Việt Nam”.
Trung tá, Thạc sĩ Tạ Thị Nghĩa Thục, Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Chính trị quân sự, Trường Sĩ quan Chính trị khẳng định: “Có thể nói, Hội nghị quân sự Trung Giã đã giải quyết để đi đến thống nhất một số vấn đề mà Hội nghị Giơnevơ chưa cụ thể hóa được. Có những vấn đề Hội nghị quân sự Trung Giã căn cứ tình hình thực tế để đề xuất lên Hội nghị Giơnevơ quyết định,… Điều đó khẳng định, với công tác chuẩn bị chu đáo, khẩn trương, cẩn trọng cho Hội nghị đã trở thành “chất xúc tác” cho thành công của Hội nghị Giơnevơ. Thành công của Hội nghị quân sự Trung Giã không chỉ là sự chuẩn bị đầy đủ các yếu tố đảm bảo cho thành công của Hội nghị Giơnevơ, mà còn đặt nền móng, mở ra quá trình tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Pháp”.
Thượng tá, TS Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Lịch sử quân sự thế giới, Viện Lịch sử quân sự Bộ Tổng tham mưu nhấn mạnh: Đồng chí Văn Tiến Dũng là một trong những vị tướng văn võ song toàn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông không chỉ thể hiện tài thao lược trên chiến trường mà còn thể hiện bản lĩnh, sự nhạy bén, linh hoạt, quyết đoán trong đấu tranh trên bàn đàm phán. Hoạt động của đồng chí tại Hội nghị quân sự Trung Giã (7/1954) là một minh chứng cho tài năng đó.
Đại tá, PGS.TS Dương Hồng Anh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự cho rằng: Văn hóa quân sự Việt Nam là nét đặc sắc, độc đáo của nền văn hiến nước nhà, là sự kết tinh từ truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc. Văn hóa đó được thể hiện trong các hoạt động quân sự, nhưng rõ nét nhất, đặc sắc nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật kết hợp đánh - đàm của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Hội nghị quân sự Trung Giã (4 – 27/7/1954) là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng Chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp ở Đông Dương đã hiện thực hóa tư tưởng đó. Những kết quả đạt được trong Hội nghị đã góp phần cho sự thành công của Hiệp định Giơnevơ giải quyết vấn đề ngừng bắn và lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở ra quá trình tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp.
“Vì vậy, để phát huy hơn nữa truyền thống đó, chúng ta cần coi trọng xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, chuẩn bị tiềm lực đất nước để sẵn sàng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, phát huy truyền thống rất riêng, rất độc đáo của văn hóa quân sự Việt Nam, đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa. Coi hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng là định hướng chiến lược, là kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình. Chú trọng bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Đó là sự kế thừa và phát huy giá trị của văn hóa quân sự Việt Nam”- Đại tá, PGS.TS Dương Hồng Anh nhấn mạnh.
Tổng hợp tham luận và bế mạc hội thảo, Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng Tham mưu cho biết: Tại cuộc hội thảo này, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 40 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân, ban ngành huyện Sóc Sơn, các viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội… Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, đi sâu luận giải từng vấn đề, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về Hội nghị quân sự Trung Giã, được thể hiện trên những nội dung chủ yếu:
Thứ nhất, tập trung phân tích và làm rõ bối cảnh lịch sử, quá trình chuẩn bị, tiến hành và nội dung cơ bản của Hội nghị quân sự Trung Giã. Thứ hai, thành công tại Hội nghị quân sự Trung Giã là kết quả của đường lối chỉ đạo chiến lược đúng đắn. Thứ ba, Hội nghị quân sự Trung Giã góp phần vào thành công của Hội nghị Giơnevơ. Thứ tư, ý nghĩa lịch sử và bài học được đúc rút từ Hội nghị quân sự Trung Giã vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Hội thảo khoa học “70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học” đã thành công tốt đẹp. Để phát huy, lan tỏa kết quả của Hội thảo, Ban Chỉ đạo Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo xin nhấn mạnh và đề nghị: Sau cuộc Hội thảo này, mong các đồng chí tiếp tục sưu tầm, cung cấp các tư liệu, sự kiện liên quan tới Hội nghị quân sự Trung Giã để các cơ quan nghiên cứu, bổ sung vào các công trình khoa học lịch sử, làm phong phú thêm kho tàng lịch sử kháng chiến của dân tộc.
Về nội dung và kết quả của Hội thảo hôm nay, đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục tuyên truyền, đưa tin rộng rãi, góp phần tuyên truyền, giáo dục, khơi dạy và phát huy truyển thống yêu nước cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân.