“Bà tiên tơ” khát khao nâng tầm tơ lụa Việt

Chia sẻ

66 tuổi đời nhưng nghệ nhân Phan Thị Thuận ở thôn Hạ (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) có tới 60 năm bền bỉ canh cửi, đam mê con tằm, sợi tơ, khung cửi và tơ sen với cách làm sáng tạo cho ra sản phẩm tơ tằm tự dệt và lụa sen độc đáo.

Với tâm huyết và sáng tạo ấy, năm 2017, bà được Hội LHPN Việt Nam tặng Giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước”. Năm 2020, bà vinh dự được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, được Hội LHPN Hà Nội vinh danh “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu”.

Trao cho tằm cơ hội trình diễn vũ điệu dệt

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống lâu đời làm nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, bà Thuận được truyền nghề, thẩm thấu với nghề từ thuở nhỏ và yêu nghề lúc nào không hay. Bà nên duyên với ông Lê Đăng Hạ cũng là “con nhà nòi” có truyền thống dâu, tằm, tơ, lụa. Sau bao năm “sinh nhai” bằng nghề, đã có thời điểm (năm 2000) bà Thuận cùng chồng con mang nghề ươm tơ dệt lụa bươn chải đi lập nghiệp ở Vĩnh Phúc, năm 2008 trở về địa phương tiếp tục tìm cách giữ nghề trong khi nhiều gia đình đã bỏ nghề truyền thống này.

Sau bao năm trăn trở, bà Thuận đã bật ra ý tưởng cho con tằm thành người thợ dệt. Với ý tưởng táo bạo này, bà Thuận đã ngày đêm thử nghiệm cho tằm không cuộn kén mà nhả tơ trực tiếp dệt lên những tấm chăn tơ đầu tiên vào năm 2010. Ngay sau khi sản phẩm chăn tơ do tằm tự dệt thành công đã thu hút người tiêu dùng trong nước và khách nước ngoài. Sản phẩm sáng tạo độc nhất này đã nâng tầm giá trị cho tơ tằm khi có giá trị lên đến tiền triệu mỗi chiếc.

Bà Thuận không ngần ngại chia sẻ bí quyết cho tằm tự dệt, thông thường đến kỳ nhả tơ thì có rơm tạo ổ hoặc nong nứa tạo ổ cho con tằm có điểm tựa để nhả tơ cuộn thành kén. Hiểu điều đó, bà Thuận đã trải phẳng tấm vải cho tằm bò lên, do không có điểm tựa nên tằm bò theo bản năng đi tìm, tằm bò liên tục 2 ngày, bà Thuận nâng lên đưa về, sắp xếp vào đúng vị trí. Đến ngày thứ ba, tằm sẽ nhả tơ vì đến kỳ theo quy luật sinh trưởng. Cứ thế, hàng ngàn, hàng vạn con tằm cần cù, miệt mài nhả tơ để dệt lên những tấm chăn mềm và bông tơ tằm tự dệt được đánh giá là rất bền đẹp.

Bà Phan Thị Thuận thực hành rút sợi tơ sen.Bà Phan Thị Thuận thực hành rút sợi tơ sen.

Rút sợi tơ sen trong đam mê

Vũ điệu tằm vừa nhả tơ vừa dệt đã mang đến cho bà Thuận không chỉ giá trị kinh tế mà còn nổi tiếng gần xa và bà được công nhận là Nghệ nhân năm 2013. Không dừng lại ở đó, khi cơ duyên từ một gợi ý về việc làm tơ sen, bà Thuận đã bước vào thực hiện đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen”, phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học và cùng hợp tác với nghệ nhân của Myanmar. Từ tháng 1 đến tháng 7/2017, bà Thuận miệt mài nghiên cứu, thực hành đã rút được sợi tơ sen và cho thành phẩm là chiếc khăn quàng đầu tiên từ sợi tơ của sen. Từ đó đến nay, bà Thuận đã truyền dạy cho hàng trăm người không chỉ ở Mỹ Đức mà ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, có cả vùng miền trồng nhiều sen như vựa sen Đồng Tháp.

Bà Thuận luôn trăn trở, phải làm sao để nhiều người thấy được giá trị tinh túy của tơ sen dù hiện tại đang vất vả, người làng nghề tập hợp sức mạnh, tìm mọi cách đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Với mong muốn nhân rộng cho nhiều người biết nghề, làm nghề, bà Thuận thường xuyên dạy nghề và truyền nghề cho thế hệ trẻ từ kéo sợi làm nguyên liệu đến dệt thành sản phẩm. Riêng năm 2020, bà đã dạy cho hơn 100 người ở Mỹ Đức và các tỉnh, thành trong cả nước với mong muốn có nhiều người đến với nghề dệt thêu từ tơ tự nhiên này. “Vê sợi tơ chỉ cần khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì là làm được, còn để làm tốt thì rất cần đặt cả trái tim của người có tâm huyết” - bà Thuận khẳng định.

Năm nay, bà Thuận làm các đơn đặt hàng với hơn 150 chiếc khăn tơ sen (có giá từ 5-17 triệu đồng/chiếc); hơn 30 bức tranh thêu cỡ nhỏ từ 20-35cm (có giá từ 3-5 triệu đồng). “Riêng hai bức tranh sen to cỡ 60x60cm và 70x70cm đặc biệt này thì tôi không định giá”- bà Thuận nói.

Thời điểm này, ở Việt Nam, bà Thuận là người đầu tiên dệt thành công tơ sen, mang đến những chiếc khăn lụa quàng cổ tinh tế được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với tơ tằm. Không dừng lại ở đây, “bà tiên tơ” Phan Thị Thuận còn mong ước sẽ sản xuất những chiếc áo dài truyền thống và nhiều sản phẩm khác từ tơ sen…

Bà cũng mong được Nhà nước tạo điều kiện cho bà dạy, truyền nghề cho lớp trẻ; hỗ trợ thiết kế mẫu và mặt bằng để sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người hơn nữa.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Thông qua 2 nghị quyết về mức thu học phí và thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục

Thông qua 2 nghị quyết về mức thu học phí và thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục

(PNTĐ) -Tại Kỳ họp thứ 15, ngày 29/3, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua 2 nghị quyết quan trọng để thúc đẩy phát triển giáo dục Thủ đô gồm: Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm học 2023-2024; Quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về triển khai thực hiện các hoạt động thiết thực chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và các ngày lễ lớn; gắn với kỷ niệm ngày thành lập MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú...