Bài 2: Đảm bảo an sinh để người dân an tâm phòng, chống dịch

Chia sẻ

Hà Nội xác định mục tiêu “không để ai ở lại phía sau” trong cuộc chiến chống đại dịch. Vì thế trong ba đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã triển khai nhiều gói an sinh, chăm lo cho người dân để “ai ở đâu, ở yên đó”, phối hợp cùng chính quyền phòng chống dịch hiệu quả.

 Nhiều chính sách kịp thời

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến ngày 26/8, trên địa bàn TP Hà Nội có thêm nhiều trường hợp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được thụ hưởng các chính sách, nguồn lực hỗ trợ an sinh xã hội theo quy định của trung ương và thành phố. Tổng kinh phí quyết định hỗ trợ cho các đối tượng là hơn 716 tỷ đồng; trong đó, kinh phí từ ngân sách là hơn 574 tỷ đồng, nguồn vận động xã hội hóa là gần 142 tỷ đồng.

Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức chương trình trao tặng túi hàng gia đình hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại  huyện Thường TínHội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức chương trình trao tặng túi hàng gia đình hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại huyện Thường Tín

Về gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ dành cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các chính sách tiếp tục được các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn TP Hà Nội nỗ lực thực hiện. Hiện nay, toàn thành phố có gần 1,57 triệu người có quyết định thụ hưởng các chính sách với kinh phí gần 292 tỷ đồng. Đến nay, các đơn vị, địa phương đã chi hỗ trợ với số tiền gần 252 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa, đa số người có quyết định hỗ trợ đã được tiếp cận, thụ hưởng chính sách, nguồn lực hỗ trợ.

Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 9/12 nhóm chính sách hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ. Còn 3 nhóm chưa có kết quả phê duyệt hỗ trợ do chưa nhận được hồ sơ của đối tượng đề nghị hỗ trợ gồm: Nhóm chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật.

Về các chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố, các đơn vị, địa phương cũng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm đưa nguồn lực hỗ trợ nhanh nhất đến với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

 Toàn thành phố đã có quyết định hỗ trợ đặc thù cho 282.552 đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với số tiền hơn 282,5 tỷ đồng theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, ngày 13/8/2021, của Thường trực HĐND TP Hà Nội về việc quy định một số chính sách đặc thù của TP Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đến nay, các địa phương đã thực hiện chi trả cho 282.002 người, hộ gia đình với số tiền hơn 282 tỷ đồng. 

Các nhóm đối tượng khác đang được các cơ quan chức năng rà soát, triển khai theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND là người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học... có ký hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở tạm dừng hoạt động; hỗ trợ chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên

Để đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, nâng cao, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, ngoài những chính sách đã, đang thực thi, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.

 Thông qua các chính sách chung và đặc thù, đến thời điểm này, Hà Nội đã có quyết định hỗ trợ về nguồn lực, chính sách an sinh xã hội cho khoảng 2,3 triệu lượt người dân, người lao động trên địa bàn. 

̣n động cả hệ thống chính trị vào cuộc để không người dân nào bị bỏ lại trong đại dịch

Cùng với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn TP, các cấp hội phụ nữ Thủ đô đã phát huy vai trò, trách nhiệm, có nhiều hoạt động thiết thực, cách làm hay, sáng tạo để chung tay cùng TP vượt qua đại dịch.

Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, trong đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của Thành phố từ 24/7/2021 đến nay, Hội LHPN Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, sáng tạo; qua đó gửi gắm rất nhiều tình cảm, tấm lòng, sự sẻ chia kịp thời, thể hiện sự quan tâm chu đáo của cán bộ, hội viên phụ nữ với các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 cũng như những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch trên địa bàn TP.

Tính đến nay, Hội LHPN TP đã tặng 3.244 suất quà trị giá 1 tỷ 233 triệu đồng cho những lao động tự do, nữ lao động di cư, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nữ hoàn cảnh khó khăn, các hộ gia đình tại khu cách ly, các bếp ăn phục vụ lực lượng phòng, chống dịch.

Hội LHPN Hà Nội đã huy động các nguồn xã hội hóa và phối hợp với Hiệp hội Nữ doanh nhân TP Hà Nội, Công ty Tư vấn và kiểm toán Deloitte Việt Nam, Công ty TNHH Kiểm toán VACO, Hội Nữ doanh nhân TP. Hải Phòng trao tặng 462 suất quà cho những lao động tự do, nữ lao động di cư, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ  gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân với tổng trị giá 138 triệu đồng.

Hội LHPN TP Hà Nội  tặng suất quà  hỗ trợ cho lao động di cư đang sinh sống tại quận Hoàng Mai (Hà Nội)Hội LHPN TP Hà Nội tặng suất quà hỗ trợ cho lao động di cư đang sinh sống tại quận Hoàng Mai (Hà Nội).

Đặc biệt, Hội LHPN Hà Nội kết nối với Ban tổ chức Chương trình “Siêu thị 0 đồng”, câu lạc bộ Doanh nhân Sao đỏ PNJ, Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội, Hội Doanh nghiệp trẻ nhận 1.578 phần quà là nhu yếu phẩm để chuyển tới nữ lao động tự do, phụ nữ yếu thế, hoàn cảnh khó khăn tại 12 quận, huyện trên địa bàn Thành phố với tổng trị giá trên 600 triệu đồng. Vận động xã hội hóa trao 752 suất quà nhu yếu phẩm trị giá 255 triệu đồng tới nữ lao động di cư, lao động tự do tại một số quận của Hà Nội.

 Với tinh thần “Không để ai bỏ lại phía sau”, Hội Phụ nữ quận Ba Đình đã vận động các cấp hội tham gia giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Kể từ đợt dịch thứ 4 bùng phát, hơn 2.204 xuất quà với tổng trị giá nguồn vận động xã hội hóa lên đến hơn 610 triệu đồng của cán bộ hội viên, phụ nữ trong Quận, chưa kể 260 xuất của Hội LHPN Thành phố, đã được chuyển tới tay các hội viên, phụ nữ và người dân có hoàn cảnh khó khăn, người đang phải cách ly y tế trên địa bàn.

Những mô hình đầy lòng nhân ái, nghĩa đồng bào như “Bữa cơm ấm tình” với hơn 500 suất cơm mỗi ngày của 14 bếp ăn an toàn tại gia đình các hội viên phụ nữ đỏ lửa, các “Bữa sáng 0 đồng” với hàng nghìn suất.

Những cán bộ hội viên phụ nữ được mọi người gọi là những “shipper không đồng” chuyên chở các suất ăn, nhu yếu phẩm gửi tới các hộ khó khăn, lao động nhập cư không thể về quê nhà, những phụ nữ mang thai sinh non phải ở lại bệnh viện hay những y, bác sĩ tại các điểm tiêm, xét nghiệm, những đội quân đáp ứng nhanh của trung tâm y tế quận, những lực lượng luôn phải đứng tại các chốt trực.

Theo bà Lê Kim Anh, kể từ khi đợt dịch Covi-19 thứ 4 bùng phát, các cấp Hội phụ nữ Thủ đô đã phát huy vai trò, trách nhiệm, có nhiều hoạt động thiết thực, cách làm hay, sáng tạo để chung tay cùng Thành phố vượt qua đại dịch. Từ đó góp phần lan tỏa tinh thần “Yêu thương và chia sẻ” của Phụ nữ Thủ đô, góp phần tạo sự lan tỏa về ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên cùng chung sức vì cộng đồng với mong muốn nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.

 Bên cạnh Hội LHPN Hà Nội, Liên đoàn lao động TP cũng đã triển khai trao tặng “túi an sinh công đoàn” dành cho người lao động bị ảnh hưởng đại dịch, nhằm giúp họ yên tâm phòng chống dịch trong các đợt giãn cách xã hội. Mới đây nhất, ngày 9/9, đồng chí Nguyễn Phi Thường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội đã đến thăm, động viên và tặng quà cho lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch; trao 1.000 “Túi An sinh Công đoàn” cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch trên địa bàn quận Ba Đình.

Thấu hiểu và kịp thời chia sẻ khó khăn với người lao động, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố đã trao “Túi An sinh Công đoàn” (mỗi túi trị giá 200 nghìn đồng, gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, dầu ăn, lạc, gia vị...) và động viên người lao động cố gắng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục gắn bó, đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Hội LPN Hà Nội trao quà hỗ trợ nữ lao động di cư tại phường Định CôngHội LHPN Hà Nội trao quà hỗ trợ nữ lao động di cư tại phường Định Công, quạn Hoàng Mai.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương, gần 2 năm qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, Mặt trận các cấp TP đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... san sẻ yêu thương, ủng hộ vật chất, tinh thần cho công tác phòng, chống dịch; động viên hội viên, đoàn viên của các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở tham gia tổ Covid-19 cộng đồng, các chốt trực ở nơi phong tỏa, cách ly, các tổ thiện nguyện, lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội...

Tính từ đầu năm 2021 đến ngày 5/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tiếp nhận 450,8 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Từ nguồn lực này đã hỗ trợ các đối tượng khó khăn, các trung tâm cách ly, hỗ trợ tỉnh bạn, chuyển giao trang thiết bị y tế với tổng số tiền 109,628 tỷ đồng, hàng hóa trị giá 152,5 tỷ đồng và 75 tấn nhu yếu phẩm. Ngoài ra, sau 4 tuần hoạt động, đường dây nóng của Mặt trận các cấp đã hỗ trợ 2.222 trường hợp gặp khó khăn, trị giá 743 triệu đồng. Mặt trận các địa phương cũng đã hỗ trợ gần 250.000 suất quà trị giá 67,98 tỷ đồng cho người dân trong khu cách ly, người gặp khó khăn do dịch; vận động 30.109 chủ nhà trọ, cửa hàng miễn trên 30 tỷ đồng tiền thuê nhà.

Trong thời gian giãn cách xã hội, với tinh thần “không để người dân nào bị thiếu đói, ốm đau mà không được quan tâm, hỗ trợ”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội đã hỗ trợ 100% hộ nghèo (trừ hộ đã được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ) với tổng số trên 3.431 suất quà, trị giá trên 3,431 tỷ đồng. Cùng với đó, Mặt trận các cấp của thành phố đã kịp thời rà soát, phối hợp với các tổ chức thành viên, các tổ chức từ thiện và nhà hảo tâm hỗ trợ trên 80.000 suất quà, trị giá trên 29 tỷ đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lao động ngoại tỉnh, sinh viên… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Luôn theo dõi sát sao các vấn đề xã hội ở Thủ đô, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá, càng trong khó khăn, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đến đời sống nhân dân ở Thủ đô càng thể hiện rõ nét, tinh thần “tương thân, tương ái” vì thế càng lan tỏa. Điều này được thấy rõ qua những kết quả, thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an sinh xã hội của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

                                                                                                                      NHÓM  P.V

Tin cùng chuyên mục