Bài học từ những “lỗ hổng” trong mua sắm trang thiết bị y tế

Chia sẻ

Sai phạm trong mua sắm trang thiết bị y tế phòng dịch Covid-19 của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và tình trạng “loạn giá” hệ thống máy Realtime PCR xét nghiệm SARS-CoV-2 ở các địa phương thời gian qua… cho thấy những “lỗ hổng” trong quản lý, đặc biệt là công tác đấu thầu mua sắm thiết bị y tế đã từng được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.

Hệ thống máy Realtime PCR xét nghiệm Covid-19 được các địa phương mua với giá trên trờiHệ thống máy Realtime PCR xét nghiệm Covid-19 được các địa phương mua với giá trên trời

Sau khi cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội, nhiều tỉnh thành bắt đầu rà soát lại việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế.

Trong khi ở một số địa phương như Gia Lai, Quảng Trị, Đà Nẵng thông báo mức giá mua hệ thống máy Realtime PCR dưới 2,3 tỷ đồng, thì Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Ninh lại mua với mức giá trên dưới 7 tỷ đồng (Quảng Ninh sau đó đã đàm phán với đơn vị cung cấp, giảm giá xuống 5,2 tỷ đồng). Tình trạng trên cũng xảy ra ở Thái Bình, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này cho hay, đã đàm phán thành công với nhà thầu, giảm giá hệ thống xét nghiệm từ hơn 6 tỷ đồng xuống 5,2 tỷ đồng. Một số đơn vị khác lại “ứng phó”, từ việc có thể đã mua, đã ký hợp đồng, nay chuyển sang “mượn máy” để dùng như: Hải Phòng, Bắc Giang, Lào Cai…

Thực tế, đấu thầu là hình thức để lựa chọn người thầu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ hàng hóa. Luật Đấu thầu hiện nay cho phép áp dụng nhiều hình thức như: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu rút gọn, chỉ định thầu… Trong thời điểm chống dịch Covid-19, yêu cầu đáp ứng khẩn cấp trang thiết bị y tế, đặc biệt là hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động… nên việc mua sắm được thực hiện theo cơ chế chỉ định thầu. Nhưng cũng từ đây, nhiều tiêu cực nảy sinh.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đức Vân, chúng ta đã có Luật Đấu thầu và rất nhiều quy định dưới luật, văn bản hướng dẫn thực hiện, trong đó quy định rõ ràng, nghiêm ngặt về quy trình cùng cách thức thực hiện. Để xảy ra tình trạng “lách luật”, “trục lợi” nói trên, nguyên nhân chính là ở người thực hiện, cụ thể là người phê duyệt chỉ định nhà thầu và công ty thẩm định giá, tiếp đó là thành viên các hội đồng, hoặc tổ thẩm định giá tại các đơn vị, địa phương… “Lòng tham” sự trục lợi trong bối cảnh dịch bệnh đã khiến những đối tượng này có những hành vi tiêu cực, như sự móc ngoặc, “thổi giá” để hưởng lợi bất chính.

Trong lúc toàn Đảng, toàn dân đang chung sức, đồng lòng chống dịch…những sai phạm, hành vi trục lợi như trên là vô cùng xấu xí, khó có thể chấp nhận và phải xử lý nghiêm” – TS Nguyễn Đức Vân nhấn mạnh.

Từ vụ việc trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định: Vẫn còn những tồn tại bất cập, đó là khi mua sắm thiết bị y tế, đơn vị không trực tiếp thực hiện giao dịch qua đơn vị nhập khẩu mà qua trung gian, làm giá đội lên; Cũng có trường hợp mua sắm thiết bị máy móc không tham khảo giá thị trường của đơn vị khác, dẫn tới thiếu khách quan, chưa sát với thực tế. Trong vấn đề này, quan điểm của Bộ Y tế là cần xử lý nghiêm những đơn vị mua sắm một cách bất minh, nhất quyết không để những việc làm như vậy ảnh hưởng tới công cuộc chống dịch của ngành Y tế nói riêng và cả nước nói chung.

Nói tới giải pháp hạn chế những sai phạm tương tự trong tương lai, TS Nguyễn Đức Vân cho rằng: Các cơ quan chức năng mà trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát gấp các văn bản hướng dẫn về đấu thầu, thực hiện Luật Đấu thầu, xem chỗ nào thiếu sót, chỗ nào còn “hổng” để có văn bản bổ sung ngay. “Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Nếu để xảy ra sai phạm, người trực tiếp sai phạm phải chịu xử phạt nghiêm theo quy định pháp luật; đồng thời người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó cũng phải có trách nhiệm liên đới; chúng ta phải chỉ đích danh những đối tượng ấy và không để họ tồn tại trong bộ máy của ta. Những việc này phải làm sớm, nghiêm túc để không xảy ra vụ việc tiếp theo”.

Sau khi dịch bệnh qua đi, thanh tra, kiểm toán sẽ vào cuộc tiến hành hậu kiểm việc mua sắm các gói trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, TS Vân cho rằng, đây cũng là thời điểm mỗi cán bộ trong các cơ quan, đơn vị cần nêu cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trực tiếp có ý kiến chỉ đạo về xử lý sai phạm trong sử dụng kinh phí phòng chống dịch Covid-19. Thủ tướng đặc biệt lưu ý các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Yên Hưng

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về triển khai thực hiện các hoạt động thiết thực chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và các ngày lễ lớn; gắn với kỷ niệm ngày thành lập MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú...
Bổ sung danh mục năm 2024 với 217 dự án thu hồi đất

Bổ sung danh mục năm 2024 với 217 dự án thu hồi đất

(PNTĐ) - Tại Kỳ họp thứ 15, ngày 29/3, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2024; danh mục các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ năm 2024 trên địa bàn thành phố.