Báo chí thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội

Chia sẻ

Báo chí đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đã nhận định như vậy tại hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sáng nay (24/12).

Tham dự hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm trình bày báo cáo tại hội nghịPhó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm trình bày báo cáo tại hội nghị (Ảnh: PV)

Báo chí góp phần tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ

Hội nghị đã nghe Báo cáo tóm tắt công tác báo chí năm 2021, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022; Báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Các báo cáo thống nhất đánh giá: các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.

Năm 2021, lĩnh vực báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, nhất là với các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp. Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 rất rõ nét, kịp thời, công bằng, phù hợp, có tính định hướng về diễn biến tình hình, các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch của Đảng, Chính phủ; chú trọng nhiều hơn đến tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế hiệu quả, nhất là tinh thần vượt khó khăn, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm; quan tâm hơn đến nhu cầu thông tin, giải trí, đáp ứng phần nào nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội.

Công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái tiếp tục được tăng cường với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú; nhiều bài viết, chương trình có hiệu ứng tốt trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận.

Công tác rà soát, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí, văn phòng đại diện, phóng viên, cộng tác viên được tăng cường; xử lý nghiêm các trường hợp cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử; chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật.

Năm 2021 đã xử phạt 20 cơ quan báo chí với tổng số tiền gần 781 triệu đồng; 11 trường hợp vi phạm quy định thông tin điện tử với tổng số tiền trên 467,5 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí đối với một cơ quan báo chí và thu hồi thẻ nhà báo của ba trường hợp do có sai phạm nghiêm trọng.

Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự hội nghịCác đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự hội nghị (Ảnh: PV)

Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tiếp tục được triển khai. Đến nay, việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch đã cơ bản hoàn thành với các cơ quan báo chí tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn; 31/31 địa phương và 72 cơ quan báo nói, báo hình. Quá trình quy hoạch đã giảm 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức Hội ở Trung ương và 31 cơ quan báo thuộc các địa phương (tỷ lệ giảm là 36%), không còn cơ quan báo thuộc tổ chức Hội.

Xử lý nghiêm tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo công tác báo chí năm 2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương cũng chỉ rõ những hạn chế của các cơ quan báo chí trong năm 2021. Đó là tình trạng một số tạp chí thuộc các hội, viện, còn nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; việc giật tít phản cảm, sai lệch bản chất chưa có nhiều chuyển biến. Một số trường hợp, thông tin trên báo chí còn chậm, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, nhất là các vụ việc phức tạp, nhạy cảm; còn chạy  theo mạng xã hội ở một số vụ việc cụ thể.

Việc xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử không đều, thiếu liên tục và bền vững gây dư luận xấu trong xã hội. Vẫn còn tình trạng phóng viên tham gia mạng xã hội có những phát biểu, bài viết về một số vấn đề nóng, vụ việc tiêu cực trái quan điểm chỉ đạo, có xu hướng kích động, gây rối nhiễu dư luận.

Tình trạng vi phạm quy định quảng cáo vẫn diễn ra, một số cơ quan báo, tạp chí điện tử hợp tác quảng cáo tự động với mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới nhưng không kiểm soát được nội dung quảng cáo.

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, nguyên nhân của những hạn chế trên là bởi công tác chỉ đạo, quản lý thông tin còn tập trung nhiều vào các sự kiện cụ thể, thiếu bao quát toàn diện, chưa chú trọng thúc đẩy sự tương tác giữa báo chí và các loại hình truyền thông xã hội khác.

Việc chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí ngày càng khó khăn hơn, nhất là nhiều cơ quan báo chí phát triển loại hình báo điện tử, tạp chí điện tử, cập nhật thông tin liên tục, dẫn tới nguy cơ có nhiều sai phạm hơn, tạo ra áp lực cho cơ quan quản lý phải tăng cường giám sát liên tục và xử lý nhanh, hiệu quả trong khi còn hạn chế về nhân lực, điều kiện, phương tiện kỹ thuật và thời gian.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã làm cho quy định pháp luật về báo chí và pháp luật có liên quan chưa theo kịp với thực tế, nhiều hành vi mới phát sinh, nhiều loại hình truyền thông mới ra đời, khiến cho công tác chỉ đạo, quản lý báo chí gặp nhiều khó khăn. Việc ứng dụng công nghệ trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí còn hạn chế.

9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

Trong năm 2022, các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan hội sẽ tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự phối hợp với Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí; tiếp tục đẩy mạnh triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí thông tin đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế xã hội, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, cách làm hiệu quả.

Công tác thanh tra theo kế hoạch sẽ chuyển mạnh sang giám sát, kiểm tra và tập trung giải quyết căn bản các vấn đề “nóng”, có tác động lớn trong xã hội; tiếp tục xem xét, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi thực hiện sai tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng. Các địa phương cần tăng cường hơn nữa trong việc thực hiện thẩm quyền của mình đối với việc chấn chỉnh, xử lý vi phạm của các cơ quan báo chí, kể cả cơ quan báo chí TƯ.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường cũng sẽ được đẩy mạnh trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí; đổi mới, tăng cường các giải pháp đấu tranh, xử lý thông tin sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng xuyên biên giới; quản lý tốt các nền tảng xuyên biên giới, nhất là nền tảng mạng xã hội, quảng cáo, kho ứng dụng, bảo vệ quyền lợi của báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới; phát triển mạng xã hội trong nước, lành mạnh, định danh được người sử dụng và cân bằng tỷ lệ người sử dụng với mạng xã hội nước ngoài…

ĐỨC HẠNH

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.