Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi):

Bổ sung quy định đảm bảo việc hòa giải bạo lực gia đình không bị lợi dụng để trốn xử lý vi phạm

HẠNH LÊ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều nay (ngày 14/6), tại phiên họp tại hội trường thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - tỉnh Hưng Yên góp ý về vấn đề hòa giải được quy định tại điều 20.

Bổ sung quy định đảm bảo việc hòa giải bạo lực gia đình không bị lợi dụng để trốn xử lý vi phạm - ảnh 1
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - tỉnh Hưng Yên (ảnh: Q.H)

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nhấn mạnh: Công tác hòa giải có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp cho các bên có thể hòa giải tự nguyện, giải quyết các mâu thuẫn, tránh xung đột. Tuy nhiên, quy định về hòa giải trong phòng, chống BLGĐ, theo đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cần quan tâm một số vấn đề. 

Thứ nhất, hòa giải có thể chỉ hiệu quả đối với các mâu thuẫn nhỏ nhưng không áp dụng đối với các trường hợp bạo lực diễn ra trầm trọng và kéo dài. Luật Hòa giải cơ sở năm 2013 cũng đã quy định rõ về phạm vi hòa giải. Theo đó, việc hòa giải ở cơ sở phải được tiến hành với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ trường hợp vi phạm pháp luật phải truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính. 

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật rà soát các quy định đảm bảo thống nhất với Luật Hòa giải cơ sở, đồng thời đảm bảo tính nghiêm minh và răn đe trong xử lý các vụ việc BLGĐ.

Thứ hai, cần quy định rõ hơn mối quan hệ giữa hòa giải với việc xử lý người có hành vi BLGĐ. Dự thảo Luật đã đưa ra nguyên tắc hòa giải trong phòng, chống BLGĐ, không thay thế biện pháp xử lý người có hành vi BLGĐ quy định tại điểm a, khoản 2, điều 20.

Tuy nhiên, có những trường hợp nạn nhân của BLGĐ sau khi tham dự hòa giải, nhất là hòa giải do gia đình, dòng họ tiến hành, vì nhiều nguyên nhân họ có thể bỏ qua những chuyện đã xảy ra. Điều này ảnh hưởng đến việc xác minh, xử lý người có hành vi BLGĐ. Do đó, cần cân nhắc thời điểm tiến hành hòa giải có lẽ chỉ nên thực hiện. Một là hòa giải, ngăn ngừa BLGĐ khi phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp mà chưa phát sinh hành vi BLGĐ. Hai là hòa giải sau khi người có hành vi BLGĐ đã bị xử lý theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình tái diễn đối với trường hợp đã xảy ra hành vi BLGĐ nhưng hành vi này chưa bị xử lý, đề nghị cân nhắc không áp dụng hòa giải để đảm bảo tính khách quan trong xử lý hành vi BLGĐ.

Thứ ba, cần làm rõ giá trị pháp lý của kết quả hòa giải theo quy định của Bộ Luật tố tụng Dân sự năm 2015. Kết quả hòa giải vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét, giao quyết định công nhận kết quả hòa giải thành và được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự. Trong trường hợp đó, việc xử lý người có hành vi BLGĐ sẽ phụ thuộc vào kết quả hòa giải. Như vậy, khó đảm bảo tách bạch mối quan hệ giữa việc hòa giải trong phòng, chống BLGĐ và việc xử lý người có hành vi BLGĐ.

Do đó, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị cần bổ sung các quy định đảm bảo việc hòa giải không bị lợi dụng để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về vi vi phạm hình sự.

Tin cùng chuyên mục

Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện không có nghĩa 3 tháng điều chỉnh một lần

Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện không có nghĩa 3 tháng điều chỉnh một lần

(PNTĐ) - Trả lời báo chí về nguy cơ thiếu điện trong năm nay khi chưa vào cao điểm mùa khô, tăng trưởng phụ tải điện đã vượt 11%, cao hơn so với kế hoạch, Thứ trưởng Bộ Công ThươngNguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Chính phủ và Thủ tướng đã rất quan tâm chỉ đạo, có nhiều giải pháp để triển khai, khắc phục tình trạng này và có đủ cơ sở tin tưởng năm nay không thiếu điện.