Các đảng bộ, chi bộ ngoại thành cần tiến lên, trở thành vành đai đỏ của Thủ đô

Chia sẻ

Ngày 22/7, đồng chí Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng lãnh đạo Thành phố đã tham dự Đại hội Đại biểu lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 tại huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Kinh tế trang trại phát triển mạnh

Báo cáo chính trị tại đại hội, đ/c Phùng Văn Dũng, Phó Bí thư huyện ủy Quốc Oai, Chủ tịch HĐND khóa XXII cho biết: 5 năm năm qua kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 11,7%/năm, đạt chỉ tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,9 lần so với năm 2015. Huyện đã phê duyệt quy hoạch 16 khu sản xuất nông nghiệp tập trung cho 16 xã với tổng diện tích gần 3 nghìn ha. Kinh tế trang trại đang dần phát triển, hiện trên địa bàn huyện có 416 trang trại, tăng 179 trang trại so với năm 2015, giá trị sản xuất bình quân đạt 1,58 tỷ đồng/1 trang trại năm 2020, tăng 31,5% so với năm 2015. Có 17 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống với 4.532 hộ làm nghề tạo việc làm cho 11.400 lao động, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân và tăng thu ngân sách. Đã hình thành một số mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, khép kín; đẩy mạnh phát triển Chương trình OCOP, đến nay đã có trên 30 sản phẩm được công nhận đạt 03 sao trở lên. Năm 2017, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội XXII đề ra, năm 2018 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến rõ nét. Một số vấn đề môi sinh, môi trường được thực hiện theo hướng tiệm cận tiêu chí đô thị, được Nhân dân đánh giá cao; hoàn thành Đề án hiện đại hóa lưới điện trên địa bàn Huyện, xây dựng hệ thống cấp nước sạch Sông Đà đáp ứng nhu cầu trong sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân; thu gom, vận chuyển rác thải đạt 100%; trồng được nhiều cây xanh, xây dựng các tuyến đường nở hoa; xã hội hóa nâng cấp các tuyến đường làng, ngõ xóm khu vực nông thôn; đảm bảo an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh, hiện còn 0,2%, thấp hơn tỷ lệ chung của toàn Thành phố.

Quang cảnh Đại hộiQuang cảnh Đại hội.

Báo cáo chính trị trình Đại hội cũng đã nghiêm túc chỉ rõ những hạn chế, yếu kém như: Kinh tế tuy đạt mức tăng trưởng khá, song chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, đáng chú ý khu vực nông, lâm, thủy sản chỉ tăng bình quân 0,46%/năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu (2,3%). Đào tạo nguồn nhân lực cao còn hạn chế, chất lượng khám chữa bệnh chưa cao, một số vụ việc giải quyết đơn thư còn chậm, người dân chưa tiếp cận nhiều với các dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ được bầu giữ các chức danh còn thấp...

5 nội dung huyện Quốc Oai cần tập trung trong thời gian tới

Mở đầu bài phát biểu tại Đại hội, đ/c Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao sự kết nối trực tuyến đại hội tới các xã trong huyện, đây như một ngày hội của toàn dân.

Nhấn mạnh tại Đại hội, đ/c Bí thư cho rằng, nhiệm vụ trước mắt là tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả. Về phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới, tôi cơ bản tán thành với những nội dung đã nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội, nhất là 05 nhiệm vụ trọng tâm, 02 khâu đột phá, 15 chỉ tiêu chủ yếu và 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn trên các lĩnh vực để đạt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng huyện Quốc Oai phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị và kinh tế đô thị. Đề nghị Đại hội tập trung thảo luận, bổ sung, hoàn thiện, làm rõ thêm để thống nhất thực hiện.

Đ/c Bí thư Thành ủy phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.Đ/c Bí thư Thành ủy phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Tại Đại hội, đ/c Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu mà huyện Quốc Oai cần tập trung trong thời gian tới:

Một là, Quốc Oai là huyện được quy hoạch nằm trong vành đai xanh của Thủ đô, là đô thị sinh thái, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời là đô thị khoa học, công nghệ.

Về phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, Huyện cần có kế hoạch căn cơ, bền vững, lâu dài phát triển các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đảm bảo phù hợp quy hoạch của Huyện và định hướng phát triển chung của Thành phố, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo điều kiện, hỗ trợ xây dựng thương hiệu các sản phẩm công nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống theo Chương trình sản phẩm OCOP, nhất là thương hiệu đồ gỗ mỹ thuật; đẩy mạnh chuyển dịch lao động, tăng thu nhập và giải quyết căn cơ, lâu dài vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu dân cư để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.

Về phát triển thương mại, dịch vụ, cần phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ; đẩy mạnh xã hội hoá và khuyến khích các loại hình dịch vụ chất lượng cao, khai thác các lợi thế về vị trí địa lý, giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương và các dân tộc trên địa bàn huyện để phát triển mạnh dịch vụ, du lịch; đưa dịch vụ thành ngành kinh tế có thế mạnh của Huyện. Tăng cường duy trì, tôn tạo các công trình văn hoá nhất là khu vực Chùa Thầy, Động Hoàng xá, Đình So để từng bước tạo ra các điểm, hành trình du lịch văn hoá tâm linh, văn hóa lễ hội chất lượng cao.

Đ/c Bí thư Thành ủy đánh giá cao các sản phẩm làng nghề của Quốc Oai.Đ/c Bí thư Thành ủy đánh giá cao các sản phẩm làng nghề của Quốc Oai.

Về phát triển nông nghiệp, cần rà soát lại toàn bộ quỹ đất, có định hướng phát triển nông nghiệp, thu hút nông nghiệp công nghệ cao để đạt chỉ tiêu cao hơn trong nhiệm kỳ tới; định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi theo 3 vùng: vùng bãi Sông Đáy; vùng vàn; vùng bán sơn địa, miền núi với cơ cấu cây trồng, vật nuôi và quy mô theo đặc thù của từng vùng. Chú trọng phát triển các chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp cho sản phẩm đặc trưng của địa phương. Chú trọng phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô thành viên các hợp tác xã kiểu mới và tổ hợp tác.

Huyện cũng cần tập trung nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển đô thị. Chú trọng phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô thành viên các hợp tác xã kiểu mới và tổ hợp tác. Triển khai các dự án đã được phê duyệt trên địa bàn huyện như các dự án đô thị, bệnh viện, khu giải trí....

Hai là, huyện là địa bàn có nền văn hóa “xứ Đoài” đặc sắc, đa dạng, có nhiều di tích, thắng cảnh nổi tiếng, có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, Đảng bộ Huyện cần tiếp tục thực hiện tốt việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, vừa tập trung phát triển các giá trị văn hoá đặc trưng của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là khai thác mọi nguồn lực, tạo chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng văn hóa và con người phát triển toàn diện, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Việc triển khai Cuộc vận động "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" cần thực hiện gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện thật tốt các nội dung về xây dựng nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội. Củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Phát huy thành tựu giảm nghèo, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững nâng cao phúc lợi xã hội. Chăm lo các gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công và các đối tượng chính sách xã hội. Quan tâm bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững của Huyện; hợp tác với Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc về việc cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Khu công nghệ cao.Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho người lao động, đào tạo nghề gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, gắn với thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng, bao tiêu sản phẩm cho người lao động sau khi học nghề.

Ba là, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân.Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, từng bước xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, giải quyết dứt điểm những kiến nghị, khiếu nại chính đáng của nhân dân; không để phát sinh những điểm nóng về an ninh, trật tự trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội.

Bốn là, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) tập trung vào 4 nhóm giải pháp, gắn với đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đề cao trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Thực hiện tốt hơn công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực tốt; chú trọng cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực.

Năm là, phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, quyền làm chủ của Nhân dân; chăm lo xây dựng, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, đổi mới phương thức giáo dục, thuyết phục, tập hợp các tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và quy chế dân chủ cơ sở; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Chăm lo vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân; khơi dậy lòng yêu nước, ý chí, khát vọng phát triển, tinh thần đổi mới, sáng tạo, động viên mọi nguồn lực góp sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Huyện.

 Trong thư gửi động viên Nhân dân ngoại thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Ngoại thành cũng là Thủ đô. Mà “Thủ” là đầu, phải đi đầu…”; và mong muốn: “Các đảng bộ, chi bộ ngoại thành cần lãnh đạo đưa phong trào ngoại thành tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, làm cho ngoại thành thực sự trở thành vành đai đỏ của Thủ đô xã hội Chủ nghĩa”. Với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng; là đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”, có nền văn hóa xứ Đoài đặc sắc, đa dạng với các làng nghề truyền thống, các di tích, danh thắng, loại hình văn hóa phi vật thể nổi tiếng; Nhân dân trong huyện có truyền thống cách mạng; cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đại hội với tinh thần“Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Trí tuệ - Phát triển” tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến để trong những năm tới Huyện phát triển toàn diện, mạnh mẽ hơn, đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

PHẠM HẰNG

       

 

Tin cùng chuyên mục

Người lao động được lương bao nhiêu khi đi làm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5?

Người lao động được lương bao nhiêu khi đi làm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5?

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người lao động đi làm thêm thì được tính tiền lương làm thêm giờ. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm thêm dịp nghỉ lễ, Tết hoặc ngày nghỉ có hưởng lương, được trả lương ít nhất bằng 300% so với lương ngày làm việc bình thường. Người lao động làm thêm ban đêm, được trả ít nhất 390% lương, so với lương ngày làm việc bình thường.