Cảm động chuyện tình yêu bất tử qua chiến tranh

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiến tranh đã qua đi, nhưng hồi ức về một thời bom đạn khốc liệt và hào hùng của dân tộc vẫn luôn hiện hữu trong trái tim những người lính một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. 55 năm kể từ ngày liệt sĩ Trần Minh Tiến hy sinh, mọi kỷ vật và những trang nhật ký của ông đều được người yêu cũ là bà Lưu Liên (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) gìn giữ như báu vật.

Tình yêu của đôi “trai tài, gái sắc”

Tôi gặp bà Vũ Lưu Liên (còn gọi là Vũ Thị Lui, sinh năm 1946, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) tại một sự kiện giao lưu nhân chứng lịch sử với chủ đề “tình yêu qua chiến tranh” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp CLB “Trái tim người lính”, Hội Nữ chiến sỹ Trường Sơn và tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam vừa tổ chức. Câu chuyện tình yêu cảm động của bà cùng liệt sĩ Trần Minh Tiến khiến ai trong khán phòng cũng nghẹn ngào, xúc động.

Bà Lưu Liên xúc động kể, tình yêu của bà và liệt sĩ Trần Minh Tiến chớm nở từ lúc còn học phổ thông. Năm 1963, khi tròn 17 tuổi, ông Tiến nhập ngũ, được biên chế vào Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, đóng quân ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Liệt sĩ Tiến học giỏi, có năng khiếu văn nghệ, thể thao, còn bà Liên ít hơn anh 1 tuổi là cô gái thông minh, xinh đẹp, múa giỏi và hát hay có tiếng. Hai người có nhiều kỷ niệm đẹp gắn liền với tuổi học trò trong sáng. Theo hồi ức của bà Lưu Liên, mỗi lần ông Tiến đi đá bóng giao lưu với đội bóng trường khác, bà phải viện lý do để trốn nhà đi cổ vũ. Còn khi bà đi biểu diễn, ông Tiến lại tìm cách trở thành khán giả ngồi ngay ở hàng ghế đầu tiên.

Cảm động chuyện tình yêu bất tử qua chiến tranh - ảnh 1
Bà Lưu Liên và ông Tiến

Nhưng tình cảm của hai người lại bị gia đình bà Lưu Liên ngăn cấm bởi không “môn đăng hộ đối”. Cô là con gái một nhà tư sản có tiếng, có hãng ôtô mang tên Hoàng Sơn ở thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông, TP Hà Nội). Còn Minh Tiến sinh ra trong một gia đình nghèo, cha đau ốm liên miên, mẹ phải mở hàng nước và gánh cơm bình dân để sống qua ngày. Vượt lên trên tất cả, họ yêu nhau say đắm. Bà Lưu Liên kể rằng, thi thoảng bà vẫn đạp xe lên đơn vị thăm người yêu, có lần từ Hà Đông đến Tam Đảo, Vĩnh Phúc rồi về đến nhà khi đã quá nửa đêm. Không quản ngại khó khăn, không thể gặp nhau thì những lá thư là sợi dây nối kết và “chắp cánh” cho tình yêu của họ.

5 năm yêu nhau nhưng số lần bà gặp người yêu không quá 20 lần. Nhưng mối tình đó có nhiều cung bậc cảm xúc, có cả lý tưởng, triết lý sống của thế hệ thanh niên trong cuộc chiến tranh giữ nước, họ sẵn sàng gạt tình riêng vì sự nghiệp lớn của dân tộc. Có tinh thần thi đua giữa hậu phương và tiền tuyến, có sự ý thức, trách nhiệm làm tròn bổn phận của người hậu phương để an lòng người ra trận; có những ước mơ về tình yêu, hạnh phúc bình dị, lời hẹn ước và cả những vật đính ước họ tặng cho nhau.

Bà Liên kể, trong một lần gặp gỡ, ông bà đã hẹn ngày đám cưới. Hôm đó là ngày 21/1/1968, bà Liên lên đơn vị thăm ông Tiến và cả hai quyết định ngày cưới. Lúc này, ông Tiến nói bà chờ hết tháng 3/1968, nếu không có gì thay đổi sẽ về quê tổ chức. Khi về nhà, bà đã chuẩn bị những gì cần thiết nhưng lễ cưới lại không thể diễn ra do ông Tiến phải hành quân vào chiến trường miền Nam (đi B).

Ông Tiến đi B nhưng không viết thư cho bà Liên khiến bà giận dỗi không gặp mặt ông khi tranh thủ hành quân đi qua nơi làm việc của bà Liên. Sau đó, khi được mọi người giải thích, bà Liên mới hối hận nghẹn ngào, cuộc gặp cũng chỉ diễn ra được trong thời gian ngắn.

Trước khi hy sinh, liệt sĩ Tiến đã tặng người yêu một chiếc áo bộ đội và một chiếc nhẫn có hình hai trái tim lồng vào nhau thay cho vật đính ước, được làm từ xác máy bay Mỹ rơi ở Vĩnh Phúc, cùng những lá thư và cuốn nhật ký được viết vào thời gian trước khi đi B. Bà Liên cũng tặng liệt sĩ Tiến chiếc khăn tay có hình bông hồng màu tím và tên của mình. “Nhận khăn, anh ấy nói rằng nếu tôi nhận được chiếc khăn tay do người khác trao lại, nghĩa là anh ấy đã hy sinh, tôi ở nhà hãy đi lấy chồng. Còn cuốn nhật ký và những tấm ảnh thì giữ lại cho anh, để mai này anh không trở về, bố mẹ còn nhìn thấy anh”, bà Liên nói.

Cảm động chuyện tình yêu bất tử qua chiến tranh - ảnh 2
Bà Lưu Liên.

 Sống mãi với thời gian

 Ngày 31/5/1968, liệt sĩ Trần Minh Tiến hy sinh tại mặt trận Khe Sanh (Quảng Trị) sau một trận đánh ác liệt. Nhận được tin buồn và giấy báo tử của người yêu, bà Liên khủng hoảng tinh thần. Bà thừa nhận, phải đến khi liệt sĩ Tiến hy sinh, bà mới thực sự cảm nhận tình yêu mình dành cho ông nhiều đến thế nào. Lòng bà nguội lạnh và chẳng còn nghĩ đến chuyện tình cảm. Chỉ đến khi gặp ông Nguyễn Doãn Hùng, cũng là một người lính, bà mới thấy được một phần đồng cảm.

Bà kể, hồi ấy, ông Nguyễn Doãn Hùng đến với bà Liên vì đồng cảm với mối tình chân thành, muốn bù đắp cho bà, nhưng bà từ chối. Bà kể một đêm nọ, liệt sĩ Tiến về báo mộng, khuyên bà hãy lấy ông Hùng làm chồng thì mới yên tâm ra đi. Bà Liên miễn cưỡng đồng ý và đám cưới của bà diễn ra vào cuối năm 1969. Dù đã lấy chồng nhưng bà Liên vẫn luôn dành hết tình cảm cho liệt sĩ Trần Minh Tiến. Bà hứa với chồng sẽ là một người vợ tốt, một người mẹ tốt và chỉ có một yêu cầu, hòa bình sẽ đi tìm hài cốt liệt sĩ Trần Minh Tiến bằng bất cứ giá nào và được ông Hùng đồng ý.

Ông Hùng yêu thương bà Liên và rất trân trọng quá khứ của vợ. Cuối năm 1971, miền Bắc bị lụt, cả gia đình phải sơ tán về Quốc Oai. Trong lúc lo chạy nước lũ, ông Hùng đã bỏ lại nhiều tài sản quý giá, quần áo của mình và chỉ mang theo chiếc va-ly đựng kỷ vật như thư, nhật ký, ảnh của liệt sĩ Trần Minh Tiến về cho vợ. Gặp chồng, bà Liên ngạc nhiên hỏi: “Sao anh không mang đài và quạt”. Ông Hùng đáp: “Những thứ đó trôi mất thì còn sắm được, còn kỷ vật của liệt sĩ mà lỡ mất, thì em sẽ giận anh suốt đời”. Bà Liên ôm chầm lấy chồng bật khóc. Từ giờ phút đó, bà đã hiểu ra tình cảm của ông Hùng dành cho mình to lớn như thế nào. Sau đó, cuộc sống gia đình bà rất hạnh phúc. Vợ chồng bà Liên sinh được 3 người con, 1 con gái đầu và 2 con trai, cả 3 đã trưởng thành và thành đạt.

Cảm động chuyện tình yêu bất tử qua chiến tranh - ảnh 3
Bà Lưu Liên.

Từ năm 2000, khi các con đã trưởng thành, bà Liên bắt đầu đi tìm mộ của liệt sĩ Trần Minh Tiến ở Quảng Trị. Sau 8 năm, qua vài chục lần băng rừng, vượt núi, cuối cùng bà Liên đã tìm thấy nơi liệt sĩ Tiến hy sinh và đưa hài cốt của ông về an táng tại nghĩa trang Đường 9 (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Hàng năm, gia đình bà đều vào nghĩa trang Đường 9 để thắp hương cho liệt sĩ Trần Minh Tiến. Ngoài ra, bất cứ công việc trọng đại hay dự định gì, các con bà cũng đều dâng hương “xin ý kiến” của liệt sĩ bởi họ đã coi liệt sĩ Tiến là người thân trong gia đình.

Câu chuyện tình yêu của ông Trần Minh Tiến và bà Vũ Lưu Liên đã được xuất bản trong cuốn sách “Những lá thư tình đi qua chiến tranh” (Tập thư thời chiến của liệt sĩ Trần Minh Tiến, 1945 – 1968; NXB Thông tin và Truyền thông, 2021). Bà cho biết: “Tôi đã rất băn khoăn khi cho xuất bản những tư liệu về anh. Nhưng rồi tôi nhận ra, đó là những tài sản vô giá, rất có ích cho đời sau nên cần phải được lưu giữ và lan tỏa”. Bà Liên cũng xúc động nói: “Phải nói rằng anh Tiến thật cao thượng và chồng tôi hiện tại cũng vậy. Suốt 18 năm kể từ sau khi về hưu, sức khoẻ của chồng tôi yếu đi rất nhiều. Tôi chuyên tâm dành thời gian chăm sóc cho anh”.

Nhà văn Đặng Vương Hưng, người chắp bút cho cuốn sách “Những lá thư tình đi qua chiến tranh” của bà Lưu Liên nói: Trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Biên giới phía Bắc và Biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc,… đã có hàng triệu chàng trai ưu tú nhất của mẹ Việt Nam ngã xuống, nhưng rất hiếm có người nào được bạn gái, người yêu trân trọng, giữ gìn di vật như liệt sĩ Trần Minh Tiến. Hơn thế nữa, sau nhiều chục năm, chị Lưu Liên còn biến những trang nhật ký, những lá thư với những dòng chữ nhoè mờ bởi thời gian năm tháng ấy thành tác phẩm cho người đọc. Những di vật của người đã hy sinh vì Tổ quốc đã không mất đi mà trở thành di sản và tài sản cho thế hệ sau...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giải đáp về chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách mới cho người lao động

Giải đáp về chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách mới cho người lao động

(PNTĐ) -  Ngày 23/4, tại Trung tâm chính trị quận Hoàn Kiếm, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hoàn Kiếm tổ chức Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách năm 2025 với chủ đề: “Chế độ tiền lương, Bảo hiểm xã hội và chính sách mới liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy”. Chương trình nhằm tuyên truyền, phổ biến, cung cấp những kiến thức hữu ích liên quan đến chế độ tiền lương, Bảo hiểm xã hội (BHXH) và chính sách mới liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy tới đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động.