Cần có an sinh xã hội "đồng bộ" khi giãn cách xã hội kéo dài

Chia sẻ

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều địa phương, tỉnh/ thành trên cả nước phải liên tiếp kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch và bảo vệ thành quả chống dịch. Làm thế nào để bảo đảm an sinh xã hội là vấn đề nóng đặt ra lúc này.

Tại Công điện 1081/CĐ-TTg về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 và Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7/2021 căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, cần chủ động quyết định việc tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố.

Các địa phương cần tiếp tục tranh thủ thời gian, tập trung cao độ chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương nhất việc xét nghiệm, bóc tách hết F0 (riêng đối với một số khu vực ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thì thực hiện theo chỉ đạo của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ). Nhất thiết không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế; Có chính sách hỗ trợ thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm... để người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. 

Trao tặng “Túi quà an sinh” tới người dân có hoàn cảnh khó khăn tại quận Ba Đình (Hà Nội)Trao tặng “Túi quà an sinh” tới người dân có hoàn cảnh khó khăn tại quận Ba Đình (Hà Nội)

Như vậy, vấn đề an sinh xã hội cho người dân khi họ phải nghỉ việc, mất việc làm, không có nguồn thu nhập để sinh sống trong thời gian giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đấy" trở nên cấp thiết. Nhất là trong điều kiện phải thực hiện giãn cách kéo dài trong nhiều đợt liên tiếp. Việc hỗ trợ cho người dân đòi hỏi phải có phương án dài ngày thay vì cứu trợ theo hình thức "dăm ba ngày hoặc 1 tuần" cho một người, hay một hộ, trong khi có nơi thực hiện giãn cách trên một tháng.

Tình trạng người dân ra đường để làm việc, mưu sinh trong thời gian giãn cách xã hội, vi phạm các quy định phòng, chống dịch vừa qua được họ lý giải là mất nguồn thu nhập trong thời gian giãn cách quá dài. Trong rất nhiều gia đình, chủ lao động kiếm tiền nuôi cả nhà (2-3 người ăn theo), nếu họ nghỉ làm cả nhà đói theo. Trong khi mức hỗ trợ an sinh của chúng ta hiện nay chỉ phát cho một người mất việc, mất thu nhập, những người ăn theo lao động được hỗ trợ đó lại vô tình bị "bỏ quên". Nhiều tổ chức, đoàn thể khi phát hỗ trợ, số lượng lương thực thực phẩm cũng chỉ dùng trong 5-10 ngày, trong khi thời gian cách ly 14 ngày, thậm chí 30-45 ngày. Có nơi, chỉ phát một lần nên những lần giãn cách sau họ lâm vào cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, ngoài nhu cầu ăn uống, người dân, người lao động còn phải "cõng" theo các khoản chi trả khác như: Tiền thuê trọ, tiền điện, nước, tiền học cho con khi năm học mới đang đến gần. Nếu họ không được hỗ trợ an sinh "đồng bộ", khó khăn vẫn cứ bao trùm.

Để người dân không bị "thiếu ăn, thiếu mặc" yên tâm thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với phương châm "ai ở đâu ở yên đó" theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, TP Hồ Chí Minh thực hiện mô hình "1 triệu túi an sinh xã hội" dành cho người dân nghèo, người lao động mất việc, khó khăn. "Túi an sinh xã hội" gồm 10 kg lương thực, mì gói, thực phẩm, nước tương, nước mắm, dầu ăn, bột nêm, đường… cùng với đó là một số loại thuốc thông dụng, khẩu trang, Vitaminc C, dầu gió… Ngoài ra, từng địa phương khi có thêm các loại thực phẩm khác có thể bổ sung thêm.

Mô hình "Túi an sinh xã hội" này được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá là một cách làm hay, thiết thực và mang tính nhân văn sâu sắc. Bộ trưởng cho rằng "Túi an sinh" sẽ giúp người dân, người lao động có cái ăn, không bị đói và sẽ yên tâm ở trong nhà phòng, tránh dịch bệnh tròn thời gian giãn cách xã hội cần nhân rộng cho các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, cũng cần nhân rộng đến các địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nơi người dân đang gặp rất nhiều khó khăn do mất việc làm, mất thu nhập.

Hà Nội nói riêng và một số tỉnh thành trong cả nước đang tiếp tục bước vào đợt giãn cách xã hội thứ 3 liên tiếp kể từ ngày 24/7. Trong thời gian qua, thành phố cùng các tổ chức, đoàn thể xã hội chính trị đã và đang thực hiện nhiều chính sách, mô hình hỗ trợ người dân và lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, giúp họ vượt khó khăn, yên tâm chốn dịch.

Tuy nhiên, để bảo vệ thành quả chống dịch qua các đợt giãn cách xã hội một cách bền vững, chúng ta vẫn cần thực hiện mô hình an sinh xã hội "đồng bộ" từ việc cứu đói, đảm bảo nhu cầu ở, sinh hoạt, học hành của con cái. Có như vậy, người dân mới yên tâm phối hợp với chính quyền thực hiện nghiêm các  quy định phòng, chống dịch.

                                                                                                                                  HẠ THI

 

Tin cùng chuyên mục

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.
Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.