Cần giải pháp quyết liệt để di dời người dân khỏi chung cư cũ nguy hiểm

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sáng 5/6, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các Đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, vấn đề cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư là một trong những vướng mắc lớn cần khắc phục khi sửa đổi luật Nhà ở.

Trong các đề xuất được nêu liên quan về quyền sở hữu nhà chung cư, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án luật trình lần này đã bỏ phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Tuy vậy, cơ quan thẩm tra cho rằng các nội dung bổ sung trong dự thảo luật chưa đáp ứng yêu cầu mà Ủy ban Thường vụ nêu ra. 

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng nhấn mạnh các quy định của Dự thảo Luật cần phải tháo gỡ được các điểm nghẽn gồm: Việc không di dời được người dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ; không lựa chọn được chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong trường hợp người dân tự góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư; không thống nhất được phương án bồi thường, tái định cư sau khi đã lựa chọn được chủ đầu tư dẫn đến việc triển khai dự án kéo dài, không bảo đảm tiến độ thực hiện kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Cần giải pháp quyết liệt để di dời người dân khỏi chung cư cũ nguy hiểm - ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Một trong những vướng mắc lớn hiện nay cần phải khắc phục khi sửa đổi Luật Nhà ở, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng là: Tình trạng khó khăn trong phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, đã bị xuống cấp, hư hỏng. “Nếu chung cư cũ, hư hỏng, có nguy cơ sập đổ mà chưa di dời được người dân, hậu quả xảy ra ai sẽ chịu trách nhiệm?”- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt vấn đề và đề nghị Chính phủ quy định cụ thể và bổ sung giải pháp quyết liệt hơn.

Cụ thể, trong trường hợp không di dời được người dân ra khỏi các nhà chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ sẽ thực hiện cưỡng chế. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời, biện pháp cưỡng chế, nên khó khăn trong triển khai.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng gợi ý, hiện nay chưa có quy định biện pháp cắt điện, nước để buộc thực hiện nghĩa vụ di dời vì nhiều quan điểm cho rằng cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự độc lập với yêu cầu thực hiện nghĩa vụ.

“Nếu xác định việc cung cấp điện, nước cho các căn hộ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, buộc phải di dời là giao dịch bị cấm thì có thể bổ sung quy định này vào Luật Nhà ở để tạo áp lực cho các chủ sở hữu căn hộ phải di dời” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề.

Về chính sách phát triển nhà ở xã hội, Ủy ban Pháp luật thấy rằng theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành, ngoài việc bố trí 20% quỹ đất thì chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho khu đất xây dựng nhà ở xã hội, nếu chỉ trích phần tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì thực chất vẫn là lấy từ tiền ngân sách nhà nước. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu quy định bổ sung trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng nhà ở xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cho rằng việc dự thảo luật không xác định tỷ lệ tối đa phần quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong dự án nhà ở xã hội mà tỷ lệ này lại phụ thuộc vào quy hoạch chi tiết do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt là không bảo đảm chặt chẽ. “Đây là sơ hở có thể bị lạm dụng dẫn đến tiêu cực trong việc xin phép làm dự án nhà ở xã hội nhưng mục tiêu chính là để có đất xây công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại”.

Về đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật (bao gồm cả cá nhân nước ngoài) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu nhà ở.

Tuy nhiên, theo quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ, đề xuất phương án chỉnh lý để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng, thống nhất về chính sách đất đai, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.
Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương

Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương

(PNTĐ) - Sau thời gian học tập ở Liên Xô, đồng chí Trần Phú được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, sau đó ít lâu vào Ban Thường vụ Trung ương, đồng chí đã chủ trì dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.