Cần giao các di tích thuộc quận huyện quản lý về xã phường quản lý
(PNTĐ) - Chiều 8/7, tại kỳ họp thứ 25, HĐND thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ về các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, khu thương mại và văn hóa, các đại biểu cho rằng cần giao các di tích trước đây thuộc quận huyện quản lý về xã phường quản lý, có những cơ chế quản lý, khai thác phù hợp để phát huy tiềm năng, lợi thế ở các địa phương.
Những mô hình là nền tảng để xây dựng công nghiệp văn hóa cho Thủ đô
Đại biểu Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, tại kỳ họp này, Sở Văn hóa - Thể thao được giao tham mưu 2 Nghị quyết: Quy định về Khu phát triển thương mại và văn hóa (thực hiện khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô); Quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa (thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô).

Theo đại biểu, việc HĐND TP xem xét ban hành nghị quyết này sẽ tạo đột phá về phát triển văn hóa Thủ đô. Sở đã tổ chức nhiều hội thảo, tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia cả trong nước và quốc tế để xây dựng nội dung dự thảo nghị quyết.
Đối với Nghị quyết Quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho rằng, thực tế hiện nay chúng ta chưa định hình được thế nào là trung tâm công nghiệp văn hóa.
Trước đây cũng có một số mô hình nhưng chưa bảo đảm cơ chế vận hành. Hiện có nhiều mô hình lý tưởng của các doanh nghiệp, hoặc với những nhà máy khi di chuyển ra khỏi nội đô thì cơ sở vật chất sẽ giữ lại, bảo tồn để làm nơi để nghiên cứu, các nghệ sỹ đến sáng tạo, nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật...
Hà Nội là Thành phố sáng tạo, là nền tảng để xây dựng công nghiệp văn hóa, điều cốt yếu là tạo cơ chế để doanh nghiệp ngoài Nhà nước hoạt động. Còn với các cơ sở do Nhà nước quản lý như Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay đang khai thác tốt văn hóa ban đêm, hoặc khu Di tích Hỏa Lò... Những mô hình đó là nền tảng để xây dựng công nghiệp văn hóa cho Thủ đô.
Với Nghị quyết Quy định về Khu phát triển thương mại và văn hóa, thực tiễn hiện nay có nhiều khu, mô hình giới thiệu làng nghề truyền thống rất ấn tượng, như khu Bát Tràng, cộng đồng dần cư quy tụ lại và phát triển văn hóa để tạo nguồn thu lớn hơn, tạo giá trị lớn hơn trong cộng đồng. Hoặc như Vinhomes Ocean Park tổ chức sự kiện nghệ thuật, ngoài việc bán vé thì cộng đồng dân cư được hưởng lợi... Đó là những manh nha ban đầu, cần gom lại và tạo cơ chế để phát triển khu thương mại văn hóa; ban hành Quy chế mẫu để phát triển.
Tuy nhiên, về pháp lý hiện nay chưa có cơ chế để kiểm soát các khu phát triển thương mại, văn hóa. Sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thì có thể gom các cơ sở lại để đưa vào hoạt động phù hợp thực tiễn nhằm khai thác tối ưu các lợi thế về văn hóa.
Cần giảm bớt các dịch vụ kinh doanh có điều kiện
Đại biểu Vũ Đăng Định đề xuất, làm rõ nội hàm về sử dụng cơ sở vật chất nhà đất của các cơ sở sau khi di dời, phải có cơ chế để tư nhân tham gia. Đồng thời, sau sắp xếp các đơn vị hành chính, các di tích trước thuộc quận đưa về phường quản lý, nội dung nghị quyết cần có quy định để giao chính quyền địa phương quản lý.

Thời gian qua có vướng mắc trong việc phân cấp khai thác, quản lý tài sản công. Vì thế, khi triển khai khu thương mại phát triển văn hóa cần đẩy mạnh quản lý tài sản công. Cùng với đó, cần tăng cường các giải pháp đồng bộ trong quản lý Nhà nước để phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt các trung tâm văn hóa ở nội đô lịch sử, trong đó có nhiều giải pháp về môi trường, an ninh trật tự để phát triển văn hóa bền vững; cần bổ sung quy định liên quan đến khai thác thu phí, tự chủ tài chính cho các phường.
Đại biểu cho rằng, để bảo đảm môi trường cho khách du lịch cần nâng tỷ lệ hàm lượng văn hóa cho khách, giảm bớt các dịch vụ kinh doanh có điều kiện (quán bar, sàn nhảy, karaoke)... Thành phố cần có quy định trong việc cấp phép các dịch vụ này.
Hà Nội có bề dày văn hóa nên hấp dẫn du khách, tuy nhiên sản phẩm du lịch còn thiếu
Đại biểu HĐND TP Vũ Mạnh Hải cho rằng, Hà Nội có bề dày văn hóa nên hấp dẫn du khách, tuy nhiên sản phẩm du lịch còn thiếu. Đại biểu cũng đồng tình khai thác ven sông Hồng để phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng đề xuất không khai thác các công trình xây dựng mà tập trung vào văn hoá làng nghề, ẩm thực...
Theo đại biểu, nếu để các gian hàng, làng nghề truyền thống nếu xen kẽ nhà dân thì khó quản lý. Hiện lực lượng tham gia sản xuất ở làng nghề chủ yếu phục vụ các doanh nghiệp, thiệt thòi cho các nghệ nhân. Vì thế cần đưa các loại hình làng nghề vào quản lý để du khách vào có thể trực tiếp mua sản phẩm của người thợ chứ không thông qua doanh nghiệp.
Hiện các doanh nghiệp kinh doanh tranh thủ mồ hôi, công sức của người thợ chứ chưa quan tâm đến công sức, sự sáng tạo của người thợ. Vì thế đề nghị Nhà nước tạo cơ chế để các cơ sở nhỏ có điều kiện đưa sản phẩm tiếp cận đến với khách hàng.