Cần tìm giải pháp căn cơ cho tiêu thụ nông sản

Chia sẻ

(PNTĐ) – Thời gian qua, tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp và người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này cần có những giải pháp căn cơ, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu chính ngạch.

Đây là một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương tổ chức chiều 12/1.

Lãnh đạo Bộ Công Thương trả lời báo chí tại cuộc họp báo thường kỳLãnh đạo Bộ Công Thương trả lời báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ.

9 loại hoa quả của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Lý giải về nguyên nhân của việc ùn ứ nông sản xuất khẩu, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, phía Trung Quốc tạm dừng thông quan ở hầu hết các cửa khẩu và ở một số cửa khẩu vẫn được giao nhận hàng hóa thì lại thực hiện các biện pháp chống dịch chặt chẽ là từ khi dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát ở phía Bắc, Trung Quốc có sự quan ngại về tình hình dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực giao thiệp với phía bạn để không gián đoạn giao thương nhưng phía bạn đã có các giải pháp tăng cường kiểm soát hàng hoá nhằm phòng chống dịch. Đây là nguyên nhân khách quan dẫn đến tình hình ùn ứ thời gian qua.

Về nguyên nhân chủ quan, các hạn chế cố hữu trong sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam thời gian qua như sản xuất chưa đúng với quy trình, tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; chất lượng hoặc bao gói vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu; việc truy xuất nguồn gốc, đăng ký vùng trồng còn chậm… Điều này dẫn đến việc trong số các sản phẩm nông sản xuất khẩu, vẫn có nhiều sản phẩm chưa thể xuất khẩu chính ngạch mà vẫn phải sử dụng hình thức trao đổi cư dân biên giới.

Đối với vấn đề đàm phán, đã ký ACFTA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc), trong đó ta đã đàm phán mức thuế về 0% đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu; cùng với Hiệp định RCEP với mức giảm thuế xuất khẩu rất sâu. 

Theo bà Trang, việc đàm phán về quản lý chất lượng còn chậm nên đến nay, cả nước mới có 9 sản phẩm được công nhận xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời, việc đàm phán về kiểm dịch cũng còn chậm nên 100% sản phẩm trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải kiểm dịch, trong khi đó, con số này với trái cây Thái Lan là 30%. Đây là khó khăn rất lớn cho nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.

Khi xuất hiện tình trạng ùn ứ, Chính phủ đã vào cuộc sớm và có các cuộc họp chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ tình trạng này. Bộ Công Thương và các tỉnh biên giới cũng đã tích cực có các biện pháp tháo gỡ, khuyến cáo doanh nghiệp để có điều tiết tiến độ đưa hàng lên biên giới kịp thời. Các địa phương biên giới cũng có những biện pháp phòng dịch đối với các xe, hàng ùn ứ tại cửa khẩu thời gian qua.

Lãnh đạo Bộ Công Thương nhanh chóng thành lập các đoàn công tác đến các tỉnh biên giới nắm bắt tình hình. Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao đã trao đổi với phía bạn để có giải pháp kịp thời trước mắt tháo gỡ khó khăn như thống nhất quy trình giao nhận hay kéo dài thời gian thông quan tại cửa khẩu.

Đến nay, nhiều cửa khẩu đã thông quan trở lại như: Quảng Tây đã cho mở lại cửa khẩu tại Đông Hưng từ 10/1. Với mặt hàng thanh long, từ 12/1 bắt đầu được thông quan qua cửa khẩu Lào Cai.

Tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc trong giai đoạn cận Tết đã xảy ra trong nhiều năm gần đây với những nguyên nhân đến từ nội tại của sản xuất, xuất khẩu nông sản. Vì vậy, cần các giải pháp căn cơ để hạn chế tình trạng này.

Bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, cần quan tâm đến chất lượng nông sản, nâng tầm nông sản xuất khẩu để đa dạng hóa thị trường; xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc và thâm nhập vào các thị trường đã ký kết các FTA nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan từ thị trường này.

Bộ Công Thương đề nghị địa phương cần quan tâm đến kế hoạch kết nối cung cầu ngay từ đầu vụ, đặc biệt là với người mua, khách hàng tại Trung Quốc. Đã có rất nhiều kinh nghiệm từ các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương làm rất tốt việc kết nối giao thương ngay từ đầu vụ nên vài năm gần đây, không có tình trạng tắc nghẽn với nông sản ở các địa phương này.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị đàm phán về kiểm dịch để ta có nhiều loại quả hơn xuất khẩu sang Trung Quốc và rút ngắn tỷ lệ trái cây phải kiểm dịch.

Đối với logistics cảng biển, có thể thấy càng trong bối cảnh dịch bệnh thì càng thấy logistics có vai trò quan trọng để giữ vững luồng lưu chuyển hàng hoá. Chính vì năng lực logisics ở đâu đó chưa đảm bảo yêu cầu nên mới dẫn đến tình trạng có sự ùn tắc cảng biển hoặc chi phí kho vận tăng cao. Đặc biệt, thời gian vừa rồi khi xuất khẩu nông sản qua đường bộ khó khăn thì càng đặt ra vấn đề phải quan tâm đến việc chuyển sang các hình thức khác như đường sắt hay đường biển.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ùn tắc trước đây tại cảng Cát Lái khi các địa phương giãn cách trong bối cảnh Covid-19. Đề nghị Hiệp hội Logistics Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển có biện pháp giảm phí lưu kho, lưu bãi để khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp khi lưu thông qua vận tải đường biển.

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Xe chở nông sản bị ùn ứ ở cửa khẩuXe chở nông sản bị ùn ứ ở cửa khẩu

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện chỉ có 9 loại hoa quả của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, còn lại các mặt hàng nông sản khác muốn xuất khẩu thì đều qua tiểu ngạch. Đáng chú ý, kể cả thịt heo cũng chưa được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, nên nếu sản xuất ra thừa thì quay lại phải nhìn vào sự hỗ trợ ngay tại thị trường trong nước. Do vậy, có thể thấy sự nhìn nhận, đầu tư của người nông dân vẫn chưa theo kịp với yêu cầu của thị trường.

Thứ trưởng Hải khẳng định: Chỉ khi nào các doanh nghiệp lớn tham gia và đưa thành các chuỗi (đầu ra họ lo, giống của họ), tìm cách phối hợp với nông dân và đạt được tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu thì mới không còn chuyện "giải cứu”.

Thị trường nội địa với 100 triệu dân cũng là mảng thị trường quan trọng để tiêu thụ nông sản trong giai đoạn khó khăn.

Cả nước có hơn 12 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Trong đó có nhiều hàng hoá, bao gồm nông sản chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm đã vào được các kênh khó tính nhất tại thị trường trong nước. Thị trường trong nước đã tổ chức được một mạng lưới tiêu thụ hàng hoá, kể cả trong bối cảnh khó khăn nhất như bão lụt, thiên tai hay hàng hoá từ biên giới quay lại nội địa do dịch bệnh. Nông sản cũng được đưa vào chương trình bình ổn thị trường được triển khai trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là kênh tiêu thụ đặc biệt với mức tiêu thụ và hợp đồng tiêu thụ hàng năm được chốt cho các doanh nghiệp rất lớn.

Cuối năm 2021, các chương trình kết nối cung cầu vẫn được tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tạo điều kiện ký 500-600 hợp đồng để tiêu thụ nông sản, hàng hoá và tham gia vào các chương trình bình ổn thị trường trong nước.

Năm 2021, cũng là năm đặc biệt vì Bộ Công Thương đã ký 2 Chỉ thị rất quan trọng. Trong đó, ngày 25/5/2021, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sau khi có chỉ thị này, Bộ Công Thương đã tập trung nguồn lực, nhất là nguồn lực của chương trình xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản và hàng hoá thiết yếu tại thị trường trong nước.

Bộ Công Thương cũng cố gắng tiêu thụ trong các khu vực mang tính vùng để giảm khó khăn cho logistics và hạn chế rủi ro do dịch bệnh. Việc này cũng có sự vào cuộc của cả các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp bưu chính… để hỗ trợ tiêu thụ cho bà con.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương

Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương

(PNTĐ) - Sau thời gian học tập ở Liên Xô, đồng chí Trần Phú được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, sau đó ít lâu vào Ban Thường vụ Trung ương, đồng chí đã chủ trì dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.
Khởi công dự án cấp nước cho phía Nam TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình

Khởi công dự án cấp nước cho phía Nam TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình

(PNTĐ) - Chiều 18/4, đoàn công tác UBND thành phố Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm trưởng đoàn làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình. Tham gia đoàn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn; lãnh đạo một số sở, ngành.
Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

(PNTĐ) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú ngời sáng một nhân cách lớn, một tấm gương chiến đấu và hy sinh trọn đời cho đất nước và nhân dân. Nhân cách ấy được hình thành và hun đúc nên từ một gia đình yêu nước, một quê hương giàu truyền thống cách mạng, một dân tộc anh hùng. Chính từ truyền thống của quê hương, gia đình và thời đại lịch sử đã tạo nên Trần Phú - Người chiến sỹ cách mạng, lãnh tụ vẻ vang của Đảng và dân tộc.