Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 tăng, trong đó chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 5,51%

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 5/7, Cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 tăng 0,48% so với tháng trước, chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở, đặc biệt là cát, đá, gạch tăng cao bất thường, cùng với đó là giá xăng, dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới.

Trong mức tăng 0,48% của CPI tháng 6/2025 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng.

Cụ thể, nhóm giao thông tăng mạnh nhất với 1,66% (tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,42% (tác động làm tăng CPI chung 0,27 điểm phần trăm); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,27%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,20% do chi phí sản xuất và nhu cầu tiêu dùng tăng trong mùa nắng nóng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 tăng, trong đó chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 5,51% - ảnh 1
Có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,10%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,09%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,06%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% do chi phí nhập khẩu nguyên liệu dược tăng khi tỷ giá tăng; nhóm giáo dục tăng nhẹ 0,01%. Riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,02%.

CPI bình quân quý II/2025 tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,35%; hàng hóa và dịch khác tăng 6,57%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,35%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,60%; giáo dục tăng 2,95%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,08%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,98%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,63%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,19%.

Bưu chính, viễn thông giảm 0,31%; giao thông giảm 4,83%. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,27% so với bình quân cùng kỳ năm 2024.

Theo Cục Thống kê, CPI 6 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,69%, tác động làm CPI chung tăng 1,24 điểm phần trăm.

Trong đó chỉ số giá nhóm thịt lợn tăng 12,75% do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp lễ, Tết, tác động làm CPI chung tăng 0,43 điểm phần trăm. Trong khi đó, chỉ số giá thực phẩm cũng tăng 4,15%.

Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,73%, làm CPI chung tăng 1,08 điểm phần trăm do giá nhà ở thuê và giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng.

Trong đó, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 5,51% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân vào ngày 11/10/2024 và ngày 10/5/2025, tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,87%, làm CPI chung tăng 0,75 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh...

Trong khi đó, yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng qua là chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,63%, góp phần làm CPI chung giảm 0,35 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu giảm 12,56%; chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,45%, tác động làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm, do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2025 tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 3,46% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,27% của CPI bình quân chung, nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

 

Tin cùng chuyên mục