Góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên:

Chuyển biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành xử lý chuyển hướng

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 23/10, tại Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, ngày 24/9/2024, Tòa án nhân dân tối cao có báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cơ bản thống nhất với việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, có đề xuất chỉnh lý một số nội dung cụ thể và đã được tiếp thu.

Chuyển biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành xử lý chuyển hướng - ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Ngày 4/10/2024, UBTVQH đã gửi đến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Sau khi tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên trình Quốc hội tại Kỳ họp này có 11 chương và 176 điều, tăng 3 điều và chỉnh lý nhiều điều, khoản cụ thể so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp trước.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo Luật trình tại Kỳ họp này và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Nhiều đại biểu tham gia góp ý quy định Cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên tại Điều 28.

Chuyển biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành xử lý chuyển hướng - ảnh 2
Các đại biểu dự kỳ họp.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) đồng tình Cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên là Bộ Công an quy định tại khoản 1 Điều 28 của dự thảo Luật.

Đại biểu cho rằng, việc giao Bộ Công an làm đầu mối trong công tác quản lý tư pháp người chưa thành niên là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Mặt khác, việc tiếp nhận thụ lý thông tin ban đầu có liên quan đến người chưa thành niên, việc xem xét áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng ngay giai đoạn đầu của quá trình thụ lý cũng do cơ quan Công an thực hiện.

Chuyển biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành xử lý chuyển hướng - ảnh 3
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) phát biểu.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) thống nhất giao Cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên là Bộ Công an. Quan tâm về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 52), đại biểu đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH, tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Điều 96 của Bộ luật Hình sự thành biện pháp xử lý chuyển hướng. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy rất phù hợp với tình hình nước ta hiện nay.

Một số ý kiến góp ý về trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại Điều 39 của dự thảo Luật. Đại biểu Lương Văn Hùng (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi) đề nghị cân nhắc quy định tại điểm c và d khoản 3 Điều 39 của dự thảo, vì theo quy định này, người chưa thành niên phạm tội 02 lần trở lên thuộc trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 3 Điều này thì không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Tuy nhiên, theo quy định của dự thảo Luật thì trường hợp người chưa thành niên phạm nhiều tội không thuộc trường hợp không được xử lý chuyển hướng (vẫn được xử lý chuyển hướng) là chưa thống nhất về chính sách xử lý.

Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị rà soát, nghiên cứu thật kỹ quy định về các trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại khoản 3 Điều 39 dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp, thống nhất về chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.

Chuyển biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành xử lý chuyển hướng - ảnh 4
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phát biểu.

Liên quan đến việc thực hiện công việc phục vụ cộng đồng quy định tại Điều 51 của dự thảo, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (tỉnh Đắk Nông) cho rằng, dự thảo Luật đưa ra các biện pháp xử lý chuyển hướng như: tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác…

Để tránh gây mặc cảm, tác động xấu đến tâm lý của người chưa thành niên, dự thảo đã đưa ra quy định việc tổ chức thực hiện biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng phải bảo đảm an toàn và tránh bị kỳ thị. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong thực tiễn của đời sống xã hội, dân số sinh sống ở vùng nông thôn chiếm tỷ lệ lớn, các phong tục, tập quán, truyền thống, hương ước, quy ước điều chỉnh cơ bản đến các ứng xử của người dân; trong khi đó, người chưa thành niên đang ở độ tuổi nhạy cảm từ thể chất đến tâm lý, cảm xúc.

Do vậy, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị cần hết sức cân nhắc khi đưa ra các quy định thực hiện các công việc phục vụ cộng đồng, vì có thể tác động tiêu cực đến người chưa thành niên, không thể tránh được kỳ thị trong gia đình, xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Báo Phụ nữ Thủ đô bàn giao máy tính phục vụ công tác giảng dạy tại 2 điểm trường của huyện Ba Vì

Báo Phụ nữ Thủ đô bàn giao máy tính phục vụ công tác giảng dạy tại 2 điểm trường của huyện Ba Vì

(PNTĐ) - Sáng 23/10, Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp cùng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Ba Vì, Hội LHPN huyện Ba Vì và nhà tài trợ Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam tổ chức bàn giao máy tính phục vụ công tác giảng dạy và học tập của giáo viên  và học sinh tại trường Tiểu học Khánh Thượng, xã Khánh Thượng và trường THCS Yên Bài A, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Hà Nội phải đi đầu trong thực hiện đột phá, đổi mới sáng tạo

Hà Nội phải đi đầu trong thực hiện đột phá, đổi mới sáng tạo

(PNTĐ) - Từ nay đến khi diễn ra Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ Thành phố chỉ còn một năm, thời gian không còn nhiều nhưng khối lượng công việc còn rất lớn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố tập trung lãnh đạo để tăng tốc, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu mà Đại hội Thành phố lần thứ XVII đã đề ra.
Hội LHPN Hà Nội thăm và làm việc với Hội LHPN Thủ đô Viêng Chăn

Hội LHPN Hà Nội thăm và làm việc với Hội LHPN Thủ đô Viêng Chăn

(PNTĐ) -  Sáng 21/10/2024, nhận lời mời của đồng chí Chủ tịch Hội LHPN Thủ đô Viêng Chăn, thực hiện biên bản  thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2025 giữa Hội LHPN Hà Nội và Hội LHPN Thủ đô Viêng Chăn, đồng chí Lê Kim Anh - Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội dẫn đầu đoàn đại biểu Hội LHPN Hà Nội bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào.