Chuyên gia đóng góp ý kiến tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 14/11, Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố Hà Nội về chức danh, cơ cấu, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trần; ở thôn; tổ dân phố; mức hỗ trợ hàng tháng, mức hỗ trợ kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố mức khoán kinh phí hoạt động đố với các tổ chức chính trị - xã hội; mữ hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với người cao tuổi, hội chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố và đồng chí Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP chủ trì hội nghị.

Theo dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội, hiện tại, mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội ở cấp xã đang thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của HĐND thành phố: Xã, phường, thị trấn loại 1 được khoán 48 triệu đồng/1 tổ chức/1năm; loại 2 được khoán 44 triệu đồng/1 tổ chức/1 năm; cấp xã loại 3 được khoán 40 triệu đồng/1 tổ chức/1 năm. Thời điểm ban hành Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND, mức lương cơ sở là 1,15 triệu đồng, hiện nay mức lương cơ sở đã tăng lên 1,8 triệu đồng, tăng 63%.

Trên cơ sở cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đề xuất tăng 50% mức khoán kinh phí quy định tại Nghị quyết 12/2013/NQ-HĐND, hỗ trợ thiết thực hoạt động thường xuyên của các tổ chức cấp xã và chỉ hỗ trợ đối với hoạt động của Chi hội tổ chức thuộc thôn, tổ dân phố. Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cấp xã được được khoán kinh phí hoạt động như sau: Xã, phường, thị trấn loại 1 là 72 triệu đồng/1 tổ chức/1 năm; loại 2 là 66 triệu đồng/1 tổ chức/1 năm; loại 3 là 60 triệu đồng/1 tổ chức/1 năm.

Ngoài ra, việc quy định về chức danh, cơ cấu đối với đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, UBND thành phố Hà Nội đề nghị giữ nguyên 10 chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND bao gồm các chức danh: Văn phòng Đảng ủy; Phụ trách công tác truyền thanh; Phó Chỉ huy trưởng Quân sự; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; Phó Chủ tịch Hội Nông dân (đối với xã và các phường, thị trấn có tổ chức Hội Nông dân); Phó Bí thư Đoàn Thanh niên; Chủ tịch Hội Người cao tuổi; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn.

UBND thành phố Hà Nội đề nghị cũng đề nghị bố chí cơ cấu người hoạt động không chuyên trách như sau: Các chức danh Phụ trách công tác truyền thanh cấp xã, Chủ tịch Hội Người cao tuổi; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn bố trí 1 người. Các chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; Phó Chủ tịch Hội Nông dân; Phó Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, bố trí theo quy định của Luật và Điều lệ của các tổ chức chính trị, xã hội và các văn bản pháp luật hiện hành.

Phó Chỉ huy trưởng Quân sự bố trí số lượng theo quy định của Luật Dân quân tự vệ năm 2019 và các văn bản pháp luật hiện hành. Đối với chức danh Văn phòng Đảng ủy ở Đảng bộ xã, phường, thị trấn quản lý dưới 500 đảng viên bố trí 1 người; từ 500 đến dưới 1.500 đảng viên bố trí không quá 2 người; từ 1.500 đảng viên trở lên bố trí không quá 3 người. Các xã, phường, thị trấn bố trí chức danh, số lượng từng chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã đảm bảo không vượt quá số lượng được giao hàng năm.

Chuyên gia đóng góp ý kiến tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố - ảnh 1
Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội kết luận tại hội nghị

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đóng góp các ý kiến tâm đắc, sâu sắc. Đồng chí Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhất trí với việc dự thảo nghị quyết của HĐND, bởi đúng thẩm quyền và phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật, tiến độ của quá trình tăng lương cơ bản. Dự thảo nghị quyết, căn cứ pháp lý đã nêu rất nhiều, đồng chí đề nghị một số nội dung căn cứ vào các luật như Luật cán bộ công chức vẫn là cơ bản, phải thực hiện theo Luật Dân quân tự vệ, Luật Bảo hiểm, Luật Thủ đô sửa đổi…

Đồng chí cho rằng việc xác định 10 chức danh là phù hợp, tuy nhiên cơ cấu chức danh cần cân đối, mức phụ cấp hàng tháng theo đúng văn bản hướng dẫn, mức phụ cấp kiêm nhiệm nên có định hướng, người không chuyên trách ở cấp xã có  thể kiêm nhiệm thêm ở thôn, tuy nhiên cần tùy chức danh để kiêm nhiệm.

Chuyên gia đóng góp ý kiến tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố - ảnh 2
Đại biểu đóng góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho rằng, việc dự thảo nghị quyết nhằm xây dựng mức hỗ trợ hàng tháng rõ ràng, phù hợp hơn. Tuy nhiên, nên rút kinh nghiệm từ việc sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố và sắp xếp lại các thôn, tổ dân phố, dẫn đến nhiều bác tổ trưởng quá tải công việc vì số dân tăng. Đợt tới sắp xếp đơn vị hành chính cũng sẽ có xáo trộn. Mặt khác, trong dự thảo nghị quyết chưa thấy đề cập đến mô hình chính quyền đô thị. Với mô hình này, đang có 2 loại, cấp huyện, quận và cấp xã, phường. Phân chia định mức này cũng cần khác nhau, bởi khối lượng công việc của các bên sẽ khác.

 Liên quan đến nội dung việc triển khai phụ cấp của cán bộ bán chuyên trách của xã, phường, đồng chí nêu ý kiến, hiện nay đang triển khai theo vị trí việc làm, sẽ cần các bằng cấp đúng vị trí việc làm hay bất cứ bằng cấp nào cũng được. Thực tế, tại địa phương khi tuyển cán bộ công nghệ thông tin về phường, xã làm, yêu cầu phải có bằng đại học, cao đẳng chuyên ngành công nghệ thông tin nhưng quy định mức lương bằng 2 lần mức lương cơ sở, như vậy lương thấp rất khó tuyển dụng.

Đồng chí Trịnh Xuân Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mỹ Đức phấn khởi trước chủ trương của Thành phố đã quan tâm để dự thảo ban hành nghị quyết này. Đánh giá cao sự tỷ mỉ của cơ quan soạn thảo đã đi từng đối tượng, bám sát các quy định của pháp luật, các nghị định thông tư hướng dẫn. Đặc biệt, Dự thảo đã bám sát thực tiễn. Nghị quyết nếu sớm được ban hành, đi vào cuộc sống sẽ là tiền đề để các địa phương thuận lợi trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mỹ Đức đề xuất thêm một số nội dung như: Với chức danh phó chủ tịch mặt trận xã, phường nên đề xuất là 2 người. Trong dự thảo bí thư chi bộ hệ số hỗ trợ cao hơn trưởng ban mặt trận. Tuy không thể nói ai nhiều việc hơn ai, vị trí nào quan trọng hơn vị trí nào, nhưng  trưởng ban mặt trận tại các thôn, tổ rất nhiều việc. Ví dụ như đợt tuyên truyền giải phóng vành đai 4 thành công, rất cần công tác tuyên truyền vận động của mặt trận.

Đồng chí cũng đề nghị bổ sung chức danh Phó bí thư chi bộ. Nhiều địa phương có khoảng 200 đảng viên tại thôn, tổ, nên  cần có Phó bí thư chi bộ để hỗ trợ cho đồng chí Bí thư chi bộ. Hệ số lương của các chi hội như cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên… trong dự thảo đang ở mức hỗ trợ là 0,3. Nhưng Tổ phó tổ dân phố là hỗ trợ mức 1 phẩy, sự chênh lệch lớn mà vai trò của họ trong nhân dân rất cao, đề nghị có thể hỗ trợ mức 0,8…

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố trân trọng cảm ơn các đại biểu đã rất quan tâm tới dự thảo nghị quyết. Với mong muốn góp phần hoàn thiện nghị quyết, trên cơ sở mong muốn của cử tri và điều kiện nguồn lực của Thành phố, các ý kiến đều hướng về  sự ghi nhận, đánh giá, tôn vinh đội ngũ cán bộ cơ sở.

Đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố thống nhất một số nội dung tại hội nghị. Theo đó, Hội nghị thống nhất đối tượng thực hiện nghị quyết lần này. Tờ trình và hồ sơ cảu Sở Tư pháp đã rất đầy đủ. Quy trình chuẩn bị của Sở Nội vũ đã rất khoa học, chặt chẽ, từ việc lấy ý kiến tại các quận, huyện, với tinh thần tiếp thu cầu thị, tạo sự quan tâm của cử tri, cán bộ tại cơ sở. Đồng chí thống nhất tiếp tục trau chuốt, hoàn thiện về câu chữ. Về căn cứ pháp lý, đề nghị bổ sung một số luật như: Luật cán bộ công chức, Luật dân quân tự vệ, Luật Mặt trận…

Sau nghị quyết thực hiện, vấn đề sắp xếp cơ quan hành chính với quy mô của xã, phường sẽ có sự tác động. Các ý kiến đều cho rằng tăng mức khoán, tăng mức hỗ trợ kinh phí theo yêu cầu thực tiễn….

11 ý kiến đóng góp của đại biểu, Ủy ban MTTQ sẽ tiếp thu những nội dung phù hợp, cần điều chỉnh sẽ tiếp cận tối ưu nhất.

Tin cùng chuyên mục

Báo chí Hà Nội tích cực tuyên truyền về các hoạt động phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Báo chí Hà Nội tích cực tuyên truyền về các hoạt động phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

(PNTĐ) - Các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền kết quả Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII; công tác quán triệt, tổ chức thực hiện các Nghị quyết Hội nghị gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và việc thực hiện đưa chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Cùng với đó là tiếp tục tuyên truyền góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Đặc biệt, thời gian tới, tích cực tuyên truyền công tác chuẩn bị phục vụ nhân dân đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, công tác an sinh xã hội, chống cháy nổ, an toàn giao thông…
Cải cách kỷ luật, kỷ cương lĩnh vực giải quyết kiến nghị cử tri

Cải cách kỷ luật, kỷ cương lĩnh vực giải quyết kiến nghị cử tri

(PNTĐ) - Tại Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội, ngày 5/12, trình bày báo cáo về kết quả hoạt động của HĐND TP Hà Nội năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 sẽ tăng cường hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND Thành phố; chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát, khảo sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND trong cải cách kỷ luật, kỷ cương các lĩnh vực giải quyết kiến nghị cử tri và những vấn đề dân sinh, bức xúc.