Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 3 Luật mới được Quốc hội thông qua

Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 28/2, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, gồm có: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố 3 luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 3 Luật mới được Quốc hội thông qua - ảnh 1
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy báo cáo (ảnh Quốc hội)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy giới thiệu những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung 21 điều và bãi bỏ 17 điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung phục vụ việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, kết hợp điều chỉnh một số quy định liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, đại biểu Quốc hội và kỳ họp Quốc hội.

Về việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước: Luật sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 nhằm cụ thể hóa nội dung về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, xác định rõ phạm vi những nội dung cần được quy định bằng luật, nghị quyết của Quốc hội và quy định có tính nguyên tắc, định hướng về mức độ chi tiết cần được quy định của luật, làm cơ sở cho việc thực hiện thẩm quyền làm luật và sửa đổi luật của Quốc hội.

Cùng đó, sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan của Quốc hội; sửa đổi, bổ sung quy định về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; không quy định về Phó Tổng Thư ký, Ban Thư ký, về cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội như: Việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; việc đại biểu Quốc hội tham gia làm thành viên và tham gia hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội;...

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội có hiệu lực ngay sau khi được Quốc hội thông qua (ngày 17/2/2025).

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 3 Luật mới được Quốc hội thông qua - ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng thông tin về 2 luật

(ảnh Quốc hội)

Về Luật Tổ chức Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, nội dung cơ bản của Luật được thiết kế ngắn gọn gồm 5 Chương, 32 Điều bảo đảm tính kế thừa và khái quát cao theo yêu cầu đổi mới xây dựng pháp luật của Tổng Bí thư và Quốc hội, bảo đảm tính ổn định và tuổi thọ lâu dài trong hệ thống pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng nêu một số điểm mới của Luật. Theo đó, lần đầu tiên tại Luật Tổ chức Chính phủ thiết kế các điều về phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, ủy quyền, là căn cứ pháp lý quan trọng mang tính nguyên tắc để phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp; mối quan hệ giữa Chính phủ với chính quyền địa phương; các quy định mang tính nguyên tắc tại Luật này là căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành được đồng bộ, thống nhất. 

Cụ thể: Luật đã xác định rõ vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan thực hiện quyền hành pháp, bảo đảm cho Chính phủ chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành và thống nhất quản lý nền hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Luật đã làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; làm nổi bật nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Các quy định tại Luật đã làm rõ thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là người đứng đầu Bộ và với tư cách là thành viên Chính phủ; làm rõ mối quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với chính quyền địa phương thông qua các nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền, bảo đảm bám sát phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”...

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 3 Luật mới được Quốc hội thông qua - ảnh 3
Quang cảnh buổi họp báo (ảnh Quốc hội)

Về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, Luật gồm 7 chương, 50 điều, giảm 1 chương và 93 điều so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

Về nguyên tắc phân định thẩm quyền, Luật quy định 7 nguyên tắc phân định thẩm quyền, trong đó có những nội dung mới như: Xác định rõ nội dung và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương được quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả; Bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan và giữa chính quyền địa phương các cấp; Phù hợp khả năng, điều kiện thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương các cấp; cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước cấp trên được bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn;… 

Đồng thời, để khuyến khích tinh thần chủ động, sáng tạo của địa phương, Luật bổ sung quy định “Chính quyền địa phương được chủ động đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về việc phân quyền, phân cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương”.

Về phân quyền, Luật quy định rõ các yêu cầu, điều kiện của việc phân quyền như: Việc phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp phải được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội; Chính quyền địa phương tự chủ trong việc ra quyết định, tổ chức thi hành và tự chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền; Cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát về tính hợp hiến, hợp pháp trong việc chính quyền địa phương các cấp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.

Về phân cấp, Luật quy định một số điểm mới như: Quy định rõ chủ thể phân cấp và chủ thể nhận phân cấp; Quy định trách nhiệm của cơ quan phân cấp trong việc bảo đảm các điều kiện để thực hiện việc phân cấp; Cơ quan nhận phân cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan phân cấp về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp; Không được phân cấp tiếp nhiệm vụ, quyền hạn mà mình nhận phân cấp; Quy định về việc điều chỉnh thủ tục hành chính trong trường hợp thực hiện phân cấp.

Về uỷ quyền, so với Luật năm 2015, Luật có các điểm mới như: Làm rõ và mở rộng phạm vi chủ thể uỷ quyền và chủ thể nhận uỷ quyền; Quy định rõ yêu cầu của việc uỷ quyền (uỷ quyền phải bằng văn bản của cơ quan uỷ quyền; văn bản phải quy định rõ nội dung, phạm vi, thời hạn uỷ quyền); Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc uỷ quyền và thực hiện nhiệm vụ uỷ quyền;...

Về nhiệm vụ của HĐND, UBND, Luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND ở mỗi đơn vị hành chính theo hướng: Phân định nhiệm vụ, quyền hạn  giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa  HĐND và UBND cùng cấp; Phân định nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương theo hướng tăng nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm cho cá nhân Chủ tịch UBND;...

Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025.

Tin cùng chuyên mục

Chính thức ra mắt Hiệp hội Dữ liệu quốc gia

Chính thức ra mắt Hiệp hội Dữ liệu quốc gia

(PNTĐ) - Sáng ngày 22/3/2025, tại Hội trường Bộ Công an (30 Trần Bình Trọng, Hà Nội), Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia đã chính thức ra mắt và tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Nhất, nhiệm kỳ I (2025–2030). Đại hội vinh dự đón tiếp Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo.
Các cấp Hội Phụ nữ Việt Nam  tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính

Các cấp Hội Phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính

(PNTĐ) -  Ngày 21/3/2025, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban toàn quốc công tác Hội và phong trào phụ nữ quý I/2025 nhằm đánh giá, nắm tình hình hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ quý I, định hướng nhiệm vụ quý II/2025. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường trụ sở cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam và trực tuyến tại các điểm cầu Hội LHPN các tỉnh/thành trên cả nước.