Góc nhìn:

Để năm học mới không còn... nỗi lo cũ!

Hạ Thi
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo” là chủ đề được ngành Giáo dục và Đào tạo xác định trong năm học mới.

Tuy nhiên, điều mà người dân mong mỏi nhất vào mỗi đầu năm học là không còn phải đối diện với những nỗi lo cũ đã và đang tồn tại lâu nay gây khó khăn, bất cập cho học sinh, phụ huynh lẫn ngành giáo dục. 

 

Bởi hàng năm, trước thềm năm học mới, câu chuyện quá tải trường học vẫn còn phổ biến, nhất là ở các đô thị lớn; những hạn chế trong điều kiện cơ sở vật chất, tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn chậm giải quyết. Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục chưa được chú trọng trong các quy hoạch phát triển xã hội, nỗi lo học phí tăng, sự bất cập trong sách giáo khoa… là những nỗi lo được nhắc đi nhắc lại nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Mặc dù quan điểm chỉ đạo của Chính phủ luôn khẳng định: Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt nhất là tình trạng quá tải trường học, câu chuyện không chỉ khiến nhiều phụ huynh mất ăn mất ngủ với nỗi lo tìm trường học cho con, mà còn khiến cấp quản lý phải đau đầu theo. Chỉ tính riêng ở địa bàn Hà Nội, số liệu của Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội cho thấy, năm học 2022 - 2023, Thủ đô thiếu 7.147 giáo viên các cấp, trong khi có 2.835 trường, trên 70.000 lớp học với trên 2,2 triệu học sinh các cấp mầm non, phổ thông. Trong năm 2022, dù Hà Nội đã xây dựng thêm 51 phòng học mới với kinh phí trên 2.800 tỉ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường học với kinh phí trên 5.000 tỉ đồng. Nhưng tới năm học 2022 - 2023, tình trạng quá tải trường lớp cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn tại Hà Nội, rõ nhất ở các quận, huyện đang có tốc độ đô thị hóa mạnh với cấp độ “siêu phường” khi dân số không ngừng tăng lên. Điển hình như phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), dân số hiện tại trên 80.000, hàng năm có từ 1.500 - 1.800 trẻ được sinh ra. Thế nhưng hiện phường này cũng chỉ có 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường THCS. Tình trạng này đã khiến các trường học luôn trong tình trạng quá tải và dẫn đến việc phụ huynh phải lựa chọn tình thế “may-rủi” bốc thăm để dành suất học mầm non cho con. Còn trẻ thì đối diện với viễn cảnh không có trường để học mà phải vào các cơ sở mầm non tư thực, các nhóm trẻ gia đình. 

Triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, Bộ GD-ĐT đã đề ra các giải pháp để giải quyết và khắc phục những tồn tại, hạn chế như: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Theo đó, tiếp tục đổi mới quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch; tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở, phát huy vai trò và tiếng nói của đội ngũ nhà giáo trong các nhà trường.

Cùng với đó là phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao theo quy định…

Cuộc cách mạng 4.0 và đại dịch Covid-19 đã đặt ra yêu cầu chuyển đổi số để nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành đã được Bộ GD-ĐT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học này. Đó là tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Năm 2022, lần đầu tiên ngành giáo dục tổ chức thu lệ phí xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến.

Hy vọng, với những chính sách kịp thời, những vấn đề “nóng” trong giáo dục sẽ được gỡ dần để những nỗi lo cũ không còn đè nặng lên học sinh, thầy cô và phụ huynh trong năm học mới này.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Doanh nghiệp ngành bán lẻ Nhật Bản tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật

Doanh nghiệp ngành bán lẻ Nhật Bản tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật

(PNTĐ) - Mới đây một tập đoàn hàng đầu Nhật Bản chuyên cung cấp các giải pháp về nhân sự cho lĩnh vực bán lẻ, thời trang, làm đẹp... cho biết đang tìm kiếm cơ hội hợp tác cung cấp dịch vụ tuyển dụng và hỗ trợ toàn diện cho người lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản với tư cách là Đại sứ Thương Hiệu toàn cầu (GA) - nhân viên bán  hàng chuyên nghiệp trong ngành bán lẻ.
Triển khai Dự án 8 về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố

Triển khai Dự án 8 về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố

(PNTĐ) - Ngày 30/3, Hội LHPN Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn I: cuối năm 2022-2025".