Đề nghị phải điều tra, làm rõ và triệt tiêu tình trạng “thổi” giá bất động sản
(PNTĐ) - Chiều 9/12, thảo luận tại tổ 5, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nhấn mạnh đến các vấn đề về tình trạng "thổi" giá, bỏ đấu giá đất giữa chừng gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, đề nghị phải điều tra, làm rõ và triệt tiêu tình trạng này, đưa thị trường bất động sản về giá trị thực.
Phải có giải pháp thực sự quyết liệt để khơi thông thị trường bất động sản
Đại biểu Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho rằng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố năm 2024 đạt thấp so với bình quân chung của cả nước và thấp nhất 5 thành phố trực thuộc trung ương, có một trong những nguyên nhân chính là điểm nghẽn về mặt pháp lý nên đầu tư của doanh nghiệp vào thành phố bị ảnh hưởng.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức nguyên nhân hạn chế tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố còn là vấn đề thị trường bất động sản những năm gần đây gặp nhiều khó khăn. Năm 2024 hiện tượng nổi lên ở Hà Nội là tình trạng "thổi" giá, đấu giá đất ở một số huyện như Hoài Đức, Quốc Oai và gần đây nhất là Sóc Sơn lên đến 30 tỷ đồng/m2. Đây là vấn đề bất thường, đặt ra vấn đề cho thành phố phải có giải pháp thực sự quyết liệt để khơi thông thị trường bất động sản, nếu không cộng đồng doanh nghiệp và xã hội bị ảnh hưởng.
Tình trạng thổi giá lên mặt bằng rất cao khiến người dân không thể mua được, nhưng chế tài về mặt pháp luật chưa đủ mạnh để xử lý. Vì vậy, theo đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị lực lượng chức năng, đặc biệt là Công an thành phố Hà Nội phải điều tra, làm rõ và triệt tiêu tình trạng "thổi" giá, bỏ đấu giá đất giữa chừng làm thất bại cuộc đấu giá, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, có như vậy mới đưa thị trường bất động sản về giá trị thực.
Đề nghị có cơ chế bồi thường giải phóng mặt bằng
Đại biểu Đường Hoài Nam (Bí thư Quận uỷ Long Biên) bày tỏ tâm tư về lĩnh vực đô thị còn nhiều tồn tại rất đáng suy nghĩ với thành phố, nhất là Thủ đô. Vấn đề ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, đây là 2 “đặc sản” không tích cực của Hà Nội. Tình trạng ô nhiễm nước, rác thải, không khí, đặc biệt là không khí tác động hằng ngày hằng giờ đến sức khoẻ nhân dân, “chúng ta chưa có giai pháp hữu hiệu căn cơ lâu dài”- ông Nam nói.
Cũng trong lĩnh vực đô thị, theo ông Nam đề án xây dựng chung cư cũ chuyển động rất chậm, vấn đề trật tự đô thị, lòng đường vỉa hè có sự chuyển biến chưa rõ nét,… thành phố cần quan tâm hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong năm 2025.
Ông Nam cho rằng, những dự án phát triển đô thị phản ánh phần nào về vấn đề đầu tư công. Nguyên nhân giải ngân đầu tư công thấp là do giải phóng mặt bằng chiếm 2/3 kinh phí đầu tư dự án.
Theo ông Nam, chính sách giải phóng mặt bằng là quan trọng và quan trọng bậc nhất là cơ chế. Trong đó có vấn đề về bồi thường tái định cư bằng đất thay vì chung cư. Dẫn chứng có những trường hợp bị thu hồi đất ở 30m2 mà người dân không đủ tiền mua chung cư 50-60m2, lại mất kế sinh nhai, đây là vấn đề cực kỳ bất cập. Trong thực tiễn khi tuyên truyên vận động, người dân thiệt thòi quá, có những trường hợp còn không nỡ cưỡng chế.
Theo ông Nam, mấu chốt là giá bồi thường rất khó, vì vậy đề nghị có cơ chế bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi trong thực hiện các dự án.