Đề xuất đầu tư 43.734 tỷ đồng xây cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

TH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đề xuất đầu tư với quy mô 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Ban quản lý dự án 2 vừa có tờ trình đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, đồng thời quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác.

Đề xuất đầu tư 43.734 tỷ đồng xây cao tốc Quy Nhơn - Pleiku - ảnh 1

Đây là phương án đã được Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn tiếp thu, hoàn thiện trên cơ sở Thông báo số 408/TB-BTC ngày 22/4/2025 về kết luận phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Theo phương án mới nhất, Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có điểm đầu tại Quốc lộ 19B (khoảng lý trình Km39+200/Quốc lộ 19B) thuộc địa phận thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh (khoảng lý trình Km1606+770 đường Hồ Chí Minh) thuộc địa phận TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Tổng chiều dài Dự án khoảng 125 km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định dài khoảng 40 km, qua địa phận tỉnh Gia Lai dài khoảng 85 km.

Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được quy hoạch với quy mô 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 24,75 m; đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100, tương ứng với vận tốc thiết kế 100 km/h.

Để đáp ứng yêu cầu kết nối và phát triển kinh tế - xã hội, trên phạm vi Dự án dự kiến đầu tư 8 nút giao khác mức liên thông (3 nút giao thuộc địa phận tỉnh Bình Định và 5 nút giao thuộc địa phận tỉnh Gia Lai) và phân kỳ đầu tư đối với 2 nút giao khác mức liên thông tại khoảng Km28+000 (Nút giao ĐT.637 kéo dài thuộc địa phận tỉnh Bình Định) và khoảng Km88+500 (nút Mang Yang thuộc địa phận tỉnh Gia Lai).

Dự án dự kiến xây dựng 3 công trình hầm (2 hầm tại khu vực đèo An Khê, 1 hầm tại khu vực đèo Mang Yang), thiết kế bảo đảm phù hợp điều kiện địa hình, an toàn trong vận hành khai thác.

Tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ của Dự án là khoảng 942,15 ha, gồm đất trồng lúa khoảng 189,92 ha (trong đó đất lúa trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên khoảng 181,31 ha); đất lâm nghiệp khoảng 257,35 ha (trong đó đất rừng phòng hộ đầu nguồn khoảng 94 ha); các loại đất khác theo quy định của pháp luật đất đai khoảng 494,88 ha.

Ước tính, Dự án có khoảng 491 hộ hộ dân bị ảnh hưởng với sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 4.894 tỷ đồng. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ được tách thành tiểu dự án độc lập trong quyết định đầu tư để giao cho các địa phương tổ chức thực hiện.

Với quy mô đầu tư như trên, Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 43.734 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 4.894 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị là 30.879 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là 2.470 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 5.491 tỷ đồng.

Dự án đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước từ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024; ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 2/2025 của Văn phòng Chính phủ, dự kiến trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 6/2025; phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào quý 3/2025; thiết kế kỹ thuật, tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp gói thầu xây dựng, phấn đấu khởi công Dự án vào cuối tháng 12/2025; hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2029.

Tại Tờ trình số 15/TTr-BXD ngày 31/3 2025, Bộ Xây dựng dự kiến chia Dự án thành 3 dự án thành phần.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Xây dựng và Hội đồng thẩm định nhà nước, trong đó kiến nghị Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư xây dựng Dự án thành phần 1 để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, theo Nghị quyết 60-NQ/TWngày 12/4/2025, tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai sẽ sáp nhập thành tỉnh Gia Lai, khi đó Dự án sẽ nằm trọn trong địa bàn một tỉnh.

Với tình hình nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị chia Dự án thành 2 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1 (Km0+000 – Km90+000) có chiều dài khoảng 90 km, thuộc địa phận tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 34.565 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 (Km90+000 -Km125+000) có chiều dài khoảng 35 km, thuộc địa phận tỉnh Gia Lai, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 9.169 tỷ đồng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ấn tượng đẹp tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Ấn tượng đẹp tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

(PNTĐ) - Sáng 30/4/2025, Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) đã được tổ chức trang nghiêm, hoành tráng, ấn tượng và đầy cảm xúc tự hào tại thành phố Hồ Chí Minh. Những hình ảnh của Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành đã để lại những ấn tượng đẹp, khắc sâu trong lòng người dân, du khách muôn phương.
Những “bông hoa thép” giữa đại ngàn Trường Sơn

Những “bông hoa thép” giữa đại ngàn Trường Sơn

(PNTĐ) - Trong khói lửa chiến tranh, có một con đường đã trở thành biểu tượng của ý chí và lòng quả cảm – đường Trường Sơn huyền thoại. Và cũng trên cung đường ấy, có một đội quân đặc biệt – những cô gái tuổi đôi mươi, tay lái vững vàng, trái tim rực cháy, đã viết nên bản anh hùng ca không tiếng súng... Các chị - những nữ lái xe Trường Sơn, đã vượt qua bom rơi, đạn nổ, để làm nên một huyền thoại khắc sâu trong lòng bao thế hệ người Việt Nam.
Loạt doanh nghiệp chậm trả trái phiếu

Loạt doanh nghiệp chậm trả trái phiếu

(PNTĐ) - Uớc tính, tổng dư nợ TPDN riêng lẻ của hơn 90 doanh nghiệp này (phần lớn là doanh nghiệp bất động sản) vào khoảng hơn 200 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 16,5% dư nợ TPDN riêng lẻ toàn thị trường.