Di sản trong ngôi nhà Bác viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Bài và ảnh: Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đi nhiều nơi và có một địa điểm đặc biệt đã gắn liền với sự kiện quan trọng của Đảng và dân tộc. Đó là nhà cụ Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) - nơi Bác đã viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, hiệu triệu đồng bào đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Ngôi nhà của cụ Nguyễn Văn Dương nay đã trở thành nhà lưu niệm Bác Hồ, một “địa chỉ đỏ” để nhân dân cả nước đến tìm hiểu lịch sử hào hùng của dân tộc và cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước, vì dân của Bác.

Di sản trong ngôi nhà Bác viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Tú Anh (bên phải) kể lại những ký ức về Bác Hồ cho Chủ tịch Hội LHPN phường Vạn Phúc (quận Hà Đông).

Với gia đình cụ Nguyễn Văn Dương, vị khách đáng quý năm nào đã in đậm trong tâm trí, để thế hệ trước răn dạy thế hệ sau về truyền thống gia đình, nhìn vào đó để rèn luyện mình thành công dân có ích cho đất nước.

 “Đầu tháng 12/1946, bố mẹ dặn ba anh em chúng tôi dọn dẹp hết sách vở, đồ đạc ở căn phòng trên gác để cả nhà đón một cán bộ cao cấp tới làm việc. Mãi đến khi Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến được phát đi, gia đình tôi mới biết vừa được vinh dự tiếp đón và phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp để ra quyết định quan trọng này” - bà Nguyễn Thị Tú Anh (85 tuổi), con gái cụ Nguyễn Văn Dương - một tiểu thương lớn ở làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội nhớ lại.

Thời gian đã lùi xa, bà Nguyễn Thị Tú Anh vẫn còn nhớ rất rõ những ngày tháng gia đình đón vị khách đặc biệt. Thuở ấy, bà khoảng 7 tuổi. Bác cùng Đoàn cán bộ đến nhà bà khoảng 7h tối ngày 3/12/1946, khi gia đình vừa ăn cơm xong. 

“Sau khi thu xếp chỗ ở cho Đoàn xong xuôi trên tầng 2, có một chị giúp việc trong Đoàn (sau này được biết tên là chị Thanh - người phụ trách nấu cơm cho Bác) xuống nói với mẹ tôi chuẩn bị cho bữa cơm tối, có gì ăn nấy, rau dưa thôi, không cần thịt cá...”- bà Tú Anh kể. 

Mặc dù được bố mẹ dặn không được lên gác chơi đùa, nhưng mỗi ngày, mấy anh chị em bà Tú Anh đều thấy thấp thoáng bóng dáng một cụ già tầm thước, rất giản dị và đặc biệt rất chăm tập thể dục. Để đảm bảo bí mật, gia đình cụ Dương được giao 2 nhiệm vụ: Cung cấp gạo và rau tươi (vì nhà cụ có vườn, phong phú nhiều loại rau), ngoài ra thịt cá thì tỉnh sẽ có nhiệm vụ cung cấp, lo đem về đưa chị Thanh nấu. Bác thường chỉ ăn rau dưa, tương cà. Cùng ở với Bác có đồng chí Nguyễn Lương Bằng và gần Bác có các anh bảo vệ có tên do Bác đặt là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. 

Trong những ngày có đoàn cán bộ về ở, lòng những đứa trẻ trong nhà cũng rộn ràng hơn. Bà Tú Anh khi ấy thường ngủ cùng bà Thanh, ngày thường hay được chơi đùa với các anh bảo vệ đi cùng Bác.

Bà Tú Anh hồi tưởng: “Đến chiều tối ngày 19/12, Bác cho mời bố tôi lên gác và nói: Vì lúc đến phải giữ bí mật cho nên không nói với gia đình, nhưng bây giờ tôi sắp rời đi, có lời cảm ơn gia đình đã bố trí nơi ăn chốn ở chu đáo. Bố tôi khi ấy vừa vui lại vừa run vì đã được gặp Bác, phục vụ Bác. Sau này ông vẫn nói với chúng tôi rằng không nghĩ là Chủ tịch Nước lại có thể giản dị đến như vậy. Bố tôi hỏi Bác: “Pháp mạnh như thế, có cả máy bay, xe tăng còn ta thì yếu như thế này. Thưa Bác, liệu chúng ta có thắng được không?”. 

Bác trả lời: Nhất định thắng! Thắng hay không là do mình. Toàn dân đoàn kết một lòng ủng hộ, kháng chiến nhất quyết thành công. Cũng như gia đình ta, có bát ăn bát để sau này nên tiếp tục ủng hộ kháng chiến, thắng lợi sẽ đến...”.

Ngày Bác Hồ và đoàn công tác chuyển đi, cả gia đình bà Tú Anh cùng tiễn chân, trong lòng ai cũng bồi hồi, xúc động. Sau này, cụ Nguyễn Văn Dương mới cho các con biết, Bác Hồ và đoàn công tác ở Trung ương về ở và làm việc tại nhà mình. Cụ Nguyễn Văn Dương rất tự hào về công việc của mình trong những ngày đó. Tiếp lời căn dặn của Bác, cả gia đình cụ Dương đi theo kháng chiến, trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Trong những người con của cụ Dương, người con trai cả sau này đảm nhiệm việc trông coi nhà lưu niệm Bác Hồ, người con trai thứ 2 trở thành Đại sứ, bà Tú Anh được học đến đại học, công tác tại viện bảo tàng rồi chuyển sang Thư viện quốc gia… Các con, cháu của bà Tú Anh hiện nay, người tiếp nối truyền thống tơ lụa của gia đình, người thì du học ở nước ngoài, tất cả ai cũng tự hào vì “mốc son” đáng nhớ của gia đình, dòng họ mình.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

(PNTĐ) - Trong Lời điếu đọc tại Lễ Truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc trước lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư". Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng đăng toàn văn lời điếu.