Góp ý dự án Luật Thủ đô (sửa đổi):

Điều chỉnh quy hoạch, quản lý không gian đô thị

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau hơn 10 năm, Luật Thủ đô đã tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội và quản lý Nhà nước trên địa bàn Thủ đô, song cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, thiếu quy định trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trong lập, quản lý, triển khai quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ.

Điều chỉnh quy hoạch, quản lý không gian đô thị - ảnh 1
Thành phố Hà Nội nhìn từ trên cao (ảnh int)

Theo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các quy định liên quan đến vấn đề quy hoạch và bảo đảm thực hiện quy hoạch được quy định tại Điều 19 và Điều 20 dự thảo Luật; trong đó có phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.

Cụ thể, phân quyền điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng cho thành phố Hà Nội (Khoản 3, Điều 19). Đây là một quy định mới nhằm tạo điều kiện chủ động cho UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố đã được Bộ Xây dựng thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đây là quy định mới nhằm tạo điều kiện chủ động cho UBND thành phố Hà Nội.

Theo TS KTS Đào Ngọc Nghiêm, tương tự như các địa phương có tốc độ đô thị hoá nhanh như Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, thành phố Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh…, việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng của Hà Nội thường kéo dài, tạo nên độ trễ nhất định so với xu hướng, mục tiêu, định hướng và thực tiễn phát triển.

Một số chuyên gia cũng nhận định, các quy hoạch đều có những dự báo, tính toán nhưng chủ yếu ở mức độ vĩ mô, trong khi quá trình triển khai quy hoạch có thể cần những điều chỉnh cục bộ cho phù hợp với thực tế khách quan nhưng không phá vỡ các chỉ tiêu, định hướng của quy hoạch. Nếu thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch lại phải thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt theo pháp luật hiện hành thì sẽ tiếp tục gây chậm trễ.

Để bảo đảm việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch không phá vỡ quy hoạch chung do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại khoản 3 Điều 19 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch. UBND thành phố Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả điều chỉnh cục bộ.

Trên thực tế, quy hoạch, quản lý quy hoạch đã được thành phố đặc biệt coi trọng. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2-3-2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Thành ủy yêu cầu các cấp, ngành chú trọng hơn nữa quản lý quy hoạch, kiến trúc gắn với từng đồ án quy hoạch, bảo đảm chặt chẽ, giữ đúng định hướng, mục tiêu ban đầu của quy hoạch. Việc điều chỉnh và điều chỉnh cục bộ quy hoạch được yêu cầu thận trọng, khách quan, khoa học, hạn chế thấp nhất việc làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng.

Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị… xây dựng khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị”.

Tiếp đến, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030: “Thủ đô Hà Nội là thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.

Qua gần 10 năm thi hành Luật Thủ đô 2012, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định đề ra trong Luật Thủ đô 2012 còn nhiều tồn tại, hạn chế, thiếu quy định trong một số lĩnh vực, đặc biệt là công tác lập, quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhất là trong quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ, bảo tồn và phát triển văn hóa và quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị. Vấn đề này đòi hỏi cần phải có các giải pháp được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi).

Di dời các cơ sở, tái thiết đô thị

Cùng với việc phân quyền điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng cho thành phố Hà Nội, công tác di dời các cơ sở, đơn vị trong khu vực nội đô lịch sử và khu vực đô thị trung tâm (Khoản 1 Điều 20 và Khoản 2 Điều 20) cũng được quan tâm.

Điều chỉnh quy hoạch, quản lý không gian đô thị - ảnh 2
Nhà máy thuộc công ty thuốc lá Thăng Long trong diện di dời khỏi nội đô

Theo đó, các quy định này kế thừa và có sự điều chỉnh so với quy định tại Điều 9 Luật Thủ đô 2012, phù hợp với Nghị quyết 15-NQ/TW nhằm hạn chế mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có, không mở rộng xây mới các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, nghề nghiệp… trong khu vực nội đô lịch sử.

Quy định mới này điều chỉnh cho phép mở rộng quy mô giường bệnh là cần thiết, phù hợp với thực tiễn, vì hiện nay, dân số của Hà Nội khoảng 8,5 triệu người. Đặc biệt tính từ năm 2009 đến nay, tỷ lệ tăng dân số ở đô thị là 49,82% trong khi ở nông thôn chỉ là 7,46%. Như vậy, việc tiếp tục duy trì một số bệnh viện hiện có với quy mô phù hợp,vừa đáp ứng được nhu cầu của dân cư của Hà Nội và người dân cả nước, đồng thời đáp ứng mục tiêu di dời các cơ sở y tế gây ô nhiễm ra khỏi đô thị trung tâm được quy định tại Khoản 2, Điều 20.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đề cập tới việc sử dụng quỹ đất sau di dời để ưu tiên sử dụng, xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa (Khoản 3 Điều 20).

Theo đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định rõ quỹ đất sau khi di dời chỉ được sử dụng để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội, như: Trường học phổ thông, thư viện, không gian, công trình văn hoá và thể thao,công viên, vườn hoa, cây xanh,.. để phục vụ cho dân cư trong đô thị trung tâm (hiện còn thiếu). Do đó, đề nghị sửa đổi lại quy định hiện tại Khoản 3 Điều 20 theo nội dung này, không nên bó hẹp chỉ sử dụng quỹ đất sau khi di dời cho “không gian công cộng”.

Về vấn đề quy hoạch vùng phụ cận của tuyến đường giao thông và thu hồi đất trong vùng phụ cận (Khoản 6 Điều 3 và Khoản 4 Điều 20). Đây là các quy định mới về vùng phụ cận được ghi nhận tại Luật Đất đai 2013 và tiếp tục được củng cố, quy định dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các đặc điểm về quy hoạch và sử dụng vùng phụ cận của pháp luật đất đai phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Thủ đô 2012 và quy định tại Điều 31 Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Mục tiêu xác định rõ khái niệm, phạm vi vùng phụ cận và công tác thu hồi đất trong vùng phụ cận là rất cần thiết để có thể phát triển được hạ tầng kỹ thuật cho các đô thị và Nhà nước có thể tiến hành thu hồi đất để tiến hành chỉnh trang đô thị (như chỉnh trang hai bên tuyến đường, xây dựng các nhà ga, công trình xây dựng ở điểm đầu mối giao thông hiện đại, phù hợp với năng lực vận tải của hệ thống giao thông công cộng…), nâng cao hiệu quả sử dụng đất và Nhà nước thu hồi được lợi ích địa tô khi phát triển công trình hạ tầng thay vì để lợi ích này thuộc về khu vực tư nhân.

Mục tiêu quy định vấn đề quy hoạch và thu hồi đất trong vùng phụ cận nêu trên phù hợp với định hướng được đề ra tại Nghị quyết 06-NQ/TWcủa Bộ Chính trị năm 2022: “Hoàn thiện hành lang pháp lý và mô hình tổ chức phù hợp để Nhà nước quản lý thị trường bất động sản, kiểm soát và sử dụng hiệu quả giá trị gia tăng từ đất khi hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư mở rộng và khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường nhằm tạo nguồn thu cho đô thị”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục