Đoàn công tác Hội LHPN Hà Nội thăm Bến Nhà Rồng - “địa chỉ đỏ”, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam
(PNTĐ) - Ngày 29/3/2025, Đoàn công tác Hội LHPN TP Hà Nội do đồng chí Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, Trưởng đoàn đã đến thăm Bến Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh) - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, "địa chỉ đỏ", niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Đây là hoạt động giáo dục truyền thống hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Đây là hoạt động tiếp nối chương trình công tác của Đoàn khi đến làm việc tại các tỉnh Tây Nam Bộ. Theo đó, trong ngày 29/3, điểm đến đầu tiên của đoàn là hoạt động dâng hương tại Bến Nhà Rồng, nơi vào ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, khởi đầu cho hành trình cách mạng giải phóng dân tộc.
Tại đây, đồng chí Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, Trưởng đoàn công tác cùng các đại biểu đã thành kính dâng hương trước tượng đài Bác Hồ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Người.

Đoàn đã tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý giá về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác. Nhìn lại chặng đường 50 năm từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, có thể thấy rằng hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là khởi nguồn cho thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta.
Từ Bến cảng Nhà Rồng, hành trình độc lập dân tộc và thống nhất đất nước đã được khởi xướng, hun đúc ý chí đấu tranh kiên cường của biết bao thế hệ người Việt Nam.


Tiếp nối chương trình, đoàn đã đến tham quan Dinh Độc Lập, công trình gắn liền với sự kiện 30/4/1975 - ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất.
Tại đây, đoàn đã được nghe giới thiệu về quá trình hình thành và lịch sử của Dinh Độc Lập, tìm hiểu về những thời khắc quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là hình ảnh xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng chính vào trưa 30/4/1975, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau 50 năm, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập vẫn là biểu tượng của chiến thắng lịch sử, khẳng định tinh thần yêu nước và sự hy sinh anh dũng của bao thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.

Chiều 29/3, đoàn đã đến dâng hương tại đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định tại TP Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh của bà (15/3/1920 - 15/3/2025).Tại đây, đoàn đã dâng hương tưởng nhớ người nữ tướng kiệt xuất của phong trào Đồng Khởi, người đã có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và là biểu tượng tiêu biểu của phong trào phụ nữ Việt Nam.

Những câu chuyện kể về Nữ tướng Nguyễn Thị Định được đại diện gia đình chia sẻ đã giúp đoàn công tác hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của phụ nữ trong đấu tranh giành độc lập, đặc biệt là hình ảnh các bà, các mẹ, các chị trong “Đội quân tóc dài” - những người đã trực tiếp tham gia các cuộc đấu tranh chính trị, hậu cần, tiếp tế lương thực, tải thương, góp phần không nhỏ vào thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau 50 năm ngày đất nước thống nhất, hình ảnh của Nữ tướng Nguyễn Thị Định vẫn sống mãi trong lòng nhân dân, là tấm gương sáng ngời về tinh thần kiên trung, bất khuất của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc