Đơn hàng gia tăng, hoạt động xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 29/3, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2024. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì họp báo.

Đơn hàng gia tăng, hoạt động xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ - ảnh 1
Bộ Công Thương họp báo thường kỳ 

Bộ Công Thương thông tin, tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp trong quý I/2024 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 0,73%), đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. GDP quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực quý I/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước: Thép thanh, thép góc tăng 29,1%; thép cán tăng 24,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 23,1%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 21,8%; xăng dầu tăng 21,7%; phân Urê tăng 14,4%; điện sản xuất tăng 11,4%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt (khí thiên nhiên) và điện thoại di động cùng giảm 13,3%; ô tô giảm 11,3%; ti vi giảm 11,1%; khí hóa lỏng LPG giảm 11,0%; xe máy giảm 5,2%.

Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong quý I/2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,6%); nhập khẩu ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 15,4%).

trong 3 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 26,06 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 25,5% so với cùng kỳ; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 12,68 tỷ USD, tăng 5,2%; thị trường EU ước đạt 12,1 tỷ USD, tăng 16,3%; Hàn Quốc ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 12,9%; Nhật Bản ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 6,4%...

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I/2024 ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ. Quý I/2024 có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 76,1% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 40,3%.

Cán cân thương mại tháng 3/2024 tiếp tục thặng dư khoảng 2,93 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong quý lên mức 8,08 tỷ USD.

Đối với thị trường trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I/2024 ước đạt 1.190,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,4% tổng mức và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%).

Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I/2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 9,8%; Hải Phòng tăng 9,7%; Khánh Hòa và Long An cùng tăng 9,1%; Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ cùng tăng 7%; Đà Nẵng tăng 5,9%; TP. Hồ Chí Minh tăng 5,8%; Hà Nội tăng 4,7%.

Đánh giá chung về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trong 3 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, những kết quả đạt được là rất khả quan, đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Những kết quả trên đến từ hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm; Kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI giúp tăng năng lực sản xuất trong nước. Cùng đó, đến từ sự phục hồi của thị trường thế giới, dần chuyển sang trạng thái mới, thích ứng với những biến động lớn các năm 2022, 2023; số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng và những nỗ lực trong việc đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ với các đối tác thương mại lớn của nước ta như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư; Năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước được cải thiện.

Tin cùng chuyên mục

Bảo tồn và phát triển kinh tế từ các sản phẩm mít ngon

Bảo tồn và phát triển kinh tế từ các sản phẩm mít ngon

(PNTĐ) - Cây mít từ lâu đã gắn bó với hình ảnh ảnh miền quê Bắc Bộ “nhà ngói cây mít”, rất thân thuộc với mỗi người dân ở làng quê. Trái mít dai, mít na… là những giống mít bản địa cho quả chất lượng ngon, năng suất cao, đang được thành phố Hà Nội đưa vào diện bảo tồn, phát triển nguồn gen quý và tiến tới phát triển sản phẩm từ trồng đến tiêu thụ trên thị trường.
Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.