Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

Đồng hành cùng Chính phủ, lấy người dân làm trung tâm

Bài và ảnh: Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo 4 nhóm vấn đề: Xây dựng, Thông tin truyền thông, Nội vụ và Thanh tra tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã khép lại sau 2,5 ngày làm việc. Nội dung phiên chất vấn đã thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của Quốc hội, cũng là sự chia sẻ, đồng hành trong quản lý, điều hành của Chính phủ, tìm ra các giải pháp, quyết sách phù hợp, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.

Đồng hành cùng Chính phủ, lấy người dân làm trung tâm - ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều ngày 5/11

Nhiều bất cập, tồn tại được nhận diện
Tại phiên chất vấn, nhiều tồn tại, bất cập trên 4 lĩnh vực trên đã được nhận diện. Trong lĩnh vực xây dựng, nổi lên là tình trạng một số quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn xa, chưa đồng bộ; thiếu trầm trọng về nhà ở xã hội; giá nhà ở xã hội đang ở mức cao so với thu nhập của đại bộ phận người lao động. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng thừa nhận, đến nay chúng ta mới đạt được 7,79 triệu m2 nhà ở xã hội so với yêu cầu là 12,5 triệu m2 và quỹ đất dành cho nhà ở xã hội hiện nay chỉ đáp ứng được 36,34%.

 Làm rõ thêm một số nội dung, tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng cho biết, các tiêu chí về đô thị như tỷ lệ đất cây xanh, công viên, vườn hoa, đất giao thông ở đô thị hiện còn rất thấp, hầu hết các đô thị loại 1, đô thị loại đặc biệt, tỷ lệ này mới chỉ đạt 40 tới 50% so với chỉ tiêu quy định. 

Tương tự như vậy, trong phiên chất vấn về lĩnh vực Thông tin và truyền thông, những vấn đề nóng gây bức xúc trong xã hội như tin giả, tin rác, quảng cáo thuốc kém chất lượng tràn lan trên mạng, livestream bôi nhọ danh dự người khác, lừa đảo công nghệ cao ngày càng nhiều và tinh vi… đã được đưa ra trước nghị trường… 

Trong lĩnh vực Nội vụ, nhiều ĐBQH chất vấn vấn đề tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương…
Đại biểu Tao Văn Giót (Đoàn ĐBQH Lai Châu) đã chỉ ra còn tình trạng tinh giản biên chế cơ học, cào bằng giữa các địa phương, đơn vị, lĩnh vực. Đại biểu Lương Văn Hùng (ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) chất vấn về việc triển khai xác định vị trí việc làm thời gian vừa qua chưa đồng bộ.

Tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, 31 đại biểu chất vấn, 8 đại biểu tranh luận nêu ra các bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp, hoạt động thanh tra còn chồng chéo…

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn, lấy người dân làm trung tâm
 Ngay tại phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực và đưa ra các giải pháp, thể hiện quyết tâm tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. 

Lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã nắm chắc vấn đề, trả lời trọng tâm vào các nội dung. 

Đặc biệt, cử tri rất hoan nghênh khi Bộ trưởng cho biết Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp

Để giải quyết tình trạng “mưa là lụt và không mưa cũng ngập” trong đô thị, Bộ trưởng cam kết trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ điều chỉnh quy hoạch không còn phù hợp, trong các quy hoạch phải tính tới yếu tố biến đổi khí hậu và tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình thoát nước;

Trên lĩnh vực Nội vụ, cùng với Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng thông tin về tình hình tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm. Theo đó, đến năm 2021 đã giảm được 27.530 biên chế công chức, đạt 10,01% và giảm 236.366 biên chế viên chức, đạt 11,67%. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế vẫn còn mang tính cơ học. 
Về vấn đề cải cách tiền lương, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hiện nay lương tối thiểu vùng đối vùng 1 là 4.680.000; vùng 2 là 4.160.000; vùng 3 là 4.640.000; vùng 4 là 3.250.000 đồng. Mức lương cơ sở đã được thống nhất điều chỉnh từ 1.490.000 lên 1.800.000 đồng, tăng lên 20,8%. “Nếu điều kiện kinh tế năm 2023 và những năm tới ổn định tốt, tăng trưởng tốt, sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương”- bộ trưởng cho biết

Đối với hai lĩnh vực Thông tin truyền thông và Thanh tra, các “tư lệnh ngành” cũng đã đưa ra nhiều giải pháp giải quyết các tồn tại.

Đơn cử, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, để giải quyết tình trạng livestream “bừa bãi”, trong năm nay, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định 72, trong đó có quy định xiết chặt livestream trên mạng xã hội. Theo đó, chỉ những người được định danh trên môi trường số mới được livestream; khi đã livestream thì phải công bố kỷ niệm thời gian và nếu dùng livestream để bán hàng có thu thì phải cung cấp thông tin cho cơ sở thu thuế.

Trước vấn nạn tình hình tội phạm công nghệ cao có chiều hướng gia tăng và tinh vi hơn, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2020, Bộ đã ngăn chặn khoảng 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo. Hiện, Bộ đang tập trung vào việc xử lý SIM rác. Đối với vấn đề xử lý tin giả trên không gian mạng, hiện đã quy định rút ngắn thời gian các nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật, xấu, độc từ 48 tiếng xuống 24 tiếng, trường hợp đặc biệt hạ trong 3 giờ.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng đã đưa ra giải pháp về xử lý chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán “làm phiền doanh nghiệp”. Theo đó, tới đây, trong Luật Thanh tra (sửa đổi) có quy định 5 điều   về xử lý chồng chéo, tập trung vào hoạt động thanh tra, kiểm toán Nhà nước, trong đó có quy định "một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm toán Nhà nước". 

Đồng bộ giải pháp đảm bảo an sinh xã hội
Cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm.

Trả lời câu hỏi về đường lối đối ngoại của nước ta thời gian tới, Thủ tướng cho biết Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp và Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

“Chúng ta không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải, ủng hộ các vấn đề vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, phù hợp quan điểm đối ngoại của chúng ta”- Thủ tướng cho biết. 

Trả lời về kết quả thực hiện nhiệm vụ và giải pháp trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Thủ tướng cho biết chúng ta đang tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặt ngang tầm văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội. Chúng ta cần có sự đầu tư về nguồn lực, thể chế, con người để phát huy tối đa bản sắc, nền văn hóa Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam, phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam cho quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…

Về giải pháp để giải quyết các vấn đề như khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, Thủ tướng cho biết để bảo đảm an sinh xã hội, cần thực hiện các biện pháp đồng bộ như đảm bảo công ăn việc làm, chế độ cho người có công, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo bảo hiểm xã hội cho các đối tượng khác nhau… Thời gian qua, chúng ta đã làm công tác an sinh xã hội với quy mô lớn chưa từng có, đến nay đã hỗ trợ khoảng 87 nghìn tỷ đồng cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và gần 800 nghìn lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Sắp tới, cần tiếp tục rà soát và triển khai các chương trình, giải pháp như chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp; tăng lương và phụ cấp cho người về hưu trước năm 1993; bảo đảm an sinh xã hội với người có công…

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.
Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.