Góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên:

Dự án luật thể hiện sự cần thiết và tính nhân văn cao

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 8/6, thảo luận tại tổ 1, các đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội bày tỏ nhất trí cao, khẳng định sự cần thiết, vai trò, tầm quan trọng cũng như tính nhân văn cao của dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên và dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Dự án luật thể hiện sự cần thiết và tính nhân văn cao - ảnh 1
Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ 1 - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội

Thảo luận tại tổ 1 về Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, các đại biểu đoàn thành phố Hà Nội thể hiện thống nhất về sự cần thiết, vai trò, tầm quan trọng và như tính nhân văn cao; hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị rất công phu, chuyên nghiệp trên cơ sở khảo sát tổng kết thực tiễn, tổ chức hội thảo khoa học đánh giá tác động, nghiên cứu các quy định pháp luật quốc tế liên quan.

Bước tiến mới trong công tác tư pháp

Phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Lê Quân cho rằng, Dự án Luật là bước tiến mới trong công tác tư pháp nhằm bảo đảm quyền của người chưa thành niên. Trước nhiều ý kiến băn khoăn về một số phương án, nội dung trình ra Quốc hội, đại biểu nêu quan điểm cần đối chiếu và mạnh dạn áp dụng theo các thông lệ quốc tế liên quan đến người chưa thành niên.

Dự án luật thể hiện sự cần thiết và tính nhân văn cao - ảnh 2
Đại biểu Quốc hội Lê Quân (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Lê Quân cho rằng việc áp dụng có thể phát sinh nhiều công việc, chi phí, thủ tục, đầu tư, và phát sinh cả nhân lực… nhưng những phát sinh này có thể được giải quyết trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đang có chuyển biến mạnh mẽ, đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng toà án điện tử. Xã hội cũng đang rất chú trọng đến công tác xã hội, tâm lý học đường quan tâm đến trẻ em. Ngoài ra, cần phải có quy trình tố tụng riêng cho người chưa thành niên bởi nếu không việc xây dựng luật sẽ không mang nhiều ý nghĩa, việc đảm bảo ứng xử riêng, đảm bảo quyền lợi của trẻ em rất khó được tuân thủ.

Về hình phạt, đại biểu Lê Quân đề nghị mạnh dạn áp dụng các thông lệ quốc tế, chú trọng đến định hướng, giáo dục, trẻ vị thành niên liên quan đến cơ hội học tập, cơ hội sau khi phải áp dụng các biện pháp, đặc biệt liên quan đến đạo đức, giáo dục, dạy nghề.

Về sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, theo đại biểu trong giai đoạn hiện nay có thể sử dụng (hiện đang được sử dụng rất tốt vào các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em) để mở rộng chức năng, nhiệm vụ giúp giải quyết được mục tiêu trước mắt, đáp ứng được yêu cầu bài toán cần nguồn lực để huy động, thực hiện nhiệm vụ. Giai đoạn sau này có thể tính toán các quỹ khác phù hợp hơn.

Dự án luật thể hiện sự cần thiết và tính nhân văn cao - ảnh 3
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh trí (đoàn Hà Nội)

Đồng tình và khẳng định tính cần thiết của dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, dự án Luật này khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành, mức hình phạt có khi quá nghiêm khắc, đôi khi lại quá nhẹ vì không có các quy định áp dụng chuyên biệt, phù hợp. Đặc biệt có điều hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng. Những trẻ sai, được xã hội dang tay hỗ trợ một cách chính thức để họ hoà nhập tái cộng đồng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đồng tình với xử lý chuyển hướng đối với trẻ có hành vi phạm tội. Tại Điều 36 dự án Luật có 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, có quy định thành luật chính thức như vậy rất hay. Theo đại biểu, ban soạn thảo rất chuyên nghiệp, soạn thảo luật rất có tâm, đặt ra được những vấn đề này. Về Quỹ bảo trợ trẻ em, đại biểu cho rằng cần cân nhắc để phát huy.

Bổ sung quy định xử kín đối với một số tội khác  

Góp ý vào nhiều nội dung của Dự án Luật, đại biểu Nguyễn Hữu Chính khẳng định sự cần thiết của dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đai biểu nêu các ý kiến đối với quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt… 

Dự án luật thể hiện sự cần thiết và tính nhân văn cao - ảnh 4
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) 

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, việc quy định cơ quan điều tra áp dụng hoặc giao cho tòa án, cả 2 phương án đều có lợi nhưng cũng có những bất cập. Trường hợp 1, nếu giao cơ quan kiểm sát làm biện pháp chuyển hướng ngay thì có lợi về thời gian và người bị hại, tuy nhiên lại mâu thuẫn điều luật này về định nghĩa "biện pháp chuyển hướng". Vì vậy, đại biểu đề nghị phải cân nhắc 2 biện pháp chuyển hướng này, nên kết hợp biện pháp chuyển hướng dành cho cơ quan điều tra và tòa án theo từng giai đoạn.

Với quy định biện pháp phạt tù có thời hạn quy định tại Điều 111 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hữu Chính đồng quan điểm về xử lý, tuy nhiên với độ tuổi 14-16 chỉ áp dụng với một số trường hợp (như: giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, hiếp dâm người 13-14 tuổi, sản xuất ma tuý) là chưa phù hợp vì còn nhiều tội đặc biệt nghiêm trọng khác như buôn bán ma túy, cướp tài sản. Vì vậy,  đề nghị bổ sung một số tội phải áp dụng biện pháp xử tù cho phù hợp với Bộ Luật Hình sự.

Đối với quy định về án treo, theo đại biểu đồng tình về thời gian quy định trong Dự thảo Luật quy định là không quá 3 năm tuỳ theo các tình tiết tội phạm; thời gian thử thách, nghĩa vụ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị quy định rõ thời gian cao nhất, thấp nhất cho từng nhóm tuổi (14-16 và 16-18 như Dự thảo Luật phân loại) để tránh quy định chung chung và áp dụng chung cho các nhóm. 

Tại Điều 13 khoản 2 quy định đối tượng toà xét xử kín, Dự thảo Luật quy định xử kín trường hợp hiếp dâm người chưa thành niên, theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính hiện nay có nhiều tội ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, sức khỏe, uy tín, của người bị hại như xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người bị hại chưa thành niên. Vì vậy, Dự thảo Luật không nên gói gọn chỉ xử kín tội hiếp dâm chưa thành niên mà nên bổ sung một số tội khác cần xử lý.

Dự án luật thể hiện sự cần thiết và tính nhân văn cao - ảnh 5
Đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Bùi Huyền Mai tán thành với biện pháp ngăn chặn được nêu tại dự thảo Luật Tư pháp người chưa hành niên đã bổ sung 2 hình thức khác biệt so với hiện nay là giám sát điện tử và giám sát tại nhà nhằm hạn chế áp dụng biện pháp tạm giam. Tuy nhiên, các quy định có liên quan tại điều 131 chưa có hướng dẫn cụ thể về hai hình thức giám sát này, đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết thực hiện các hoạt động giám sát.

 

Tin cùng chuyên mục

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

(PNTĐ) - Trong Lời điếu đọc tại Lễ Truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc trước lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư". Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng đăng toàn văn lời điếu.