Gia đình Việt giữ lửa yêu thương, cùng vượt qua đại dịch

Chia sẻ

Đại dịch Covid-19 đặt gia đình Việt đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Theo đó, các gia đình Việt đang phải gồng mình để vừa vượt qua khó khăn, vừa bảo vệ tình yêu thương và giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Cơ hội và thách thức cho gia đình Việt

Ngày 18/6/2021, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức chương trình Ngày hội "Gia đình yêu thương" và được livestream trên Fanpage Facebook của Hội LHPN Việt Nam với sự tham gia trực tuyến của các cán bộ, hội viên phụ nữ của 63 tỉnh, thành trên cả nước và các đơn vị trưc thuộc. Điểm cầu Hà Nội được thực hiện tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPN Việt Nam). Ngày hội "Gia đình yêu thương" được tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2021) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Các đại biểu tham gia tọa đàm tại Ngày hội Gia đình yêu thươngCác đại biểu tham gia tọa đàm tại Ngày hội Gia đình yêu thương (Ảnh: H.N)

Nhiều năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Quốc Khánh và ông Nguyễn Đức Viễn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn giữ bữa cơm gia đình bốn thế hệ ấm áp. Buổi tối hằng ngày, bữa cơm gia đình là lúc cả gia đình cùng sum họp. Mẹ chồng bà nay đã 86 tuổi vẫn đợi các thành viên trong gia đình về để cùng ăn cơm. Trong đại dịch Covid-19, bữa cơm gia đình là lúc để mọi người quan tâm, chia sẻ, nhắc nhở nhau tuân thủ nguyên tắc 5K trong chống dịch, hạn chế tụ tập đông người… để bảo vệ các thành viên trong nhà.

Phải ở lại bệnh viện để chống dịch, vợ chồng TS.BS Trần Văn Giang, Phó trưởng khoa Virus - ký sinh trùng, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 không thể về thăm mẹ lần cuối. Mẹ của bác sỹ Giang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối nhưng vẫn giúp các con chăm sóc hai cháu nhỏ. Trong những cuộc gọi, nhắn tin, bà không nhắc đến bệnh tình của mình mà vẫn luôn động viên, khích lệ các con yên tâm công tác.

Cũng như nhiều gia đình công nhân khác, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến gia đình chị Mai Thị Loan (công nhân, ở Đông Anh, Hà Nội) phải cân đối và tiết giảm nhiều khoản chi tiêu cho gia đình. “Dịch Covid-19 kéo dài 2 năm khiến cho cuộc sống của công nhân chúng tôi ảnh hưởng nghiêm trọng. Công ty ngày càng ít việc, nhiều nơi còn cho nhân viên nghỉ không lương. Cuộc sống bị xáo trộn, thu nhập giảm sút, trong khi vẫn phải đóng tiền thuê nhà hàng tháng, điện nước, thuê người trông con. Đi làm giờ chỉ mong đủ ăn, không có dư giả, lương tháng bị ít đi, nhưng chi phí tiêu dùng tăng lên do ở nhà nhiều hơn” - chị Mai Loan lo lắng.

Gia đình hạnh phúc của chị Mai Thị LoanGia đình hạnh phúc của chị Mai Thị Loan

Chia sẻ về những thách thức mà gia đình Việt đang đối mặt trong giai đoạn Covid-19, ông Hoa Hữu Vân, nguyên Phó vụ Trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho biết: Hiện nay, mối quan hệ gắn kết giữa các gia đình nói chung đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Về mặt tích cực, dịch bệnh vô tình gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau khi các thành viên được ở bên nhau nhiều hơn, có nhiều cơ hội để gắn bó, sẻ chia với nhau hơn. Nhờ đó, bữa cơm gia đình có đầy đủ các thành viên được duy trì một cách thường xuyên hơn và cha mẹ có cơ hội để quan tâm, gần gũi với con cái nhiều hơn. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến các kiểu gia đình Việt nói chung. Trong thời gian giãn cách xã hội, tình trạng bạo lực gia đình tăng lên, đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em.

Đặc biệt, các gia đình công nhân thường có những đặc điểm chung như vợ chồng còn trẻ tuổi, thường cùng làm ở một công ty, phải chịu áp lực cao trong môi trường làm việc công nghiệp. Họ có con nhỏ, thu nhập chủ yếu dựa vào tiền lương và tăng ca. Đa số gia đình công nhân phải thuê trọ hoặc ở trong khu ký túc công nhân, đời sống không cao. Chính vì vậy, khi đại dịch Covid-19 xảy ra đã có những tác động rất lớn tới đời sống của gia đình họ.

Anh Lê Xuân Đức và bé Sâu cùng hát các ca khúc tại Ngày hội gia đình yêu thương 18/6Anh Lê Xuân Đức và bé Sâu cùng hát các ca khúc tại Ngày hội gia đình yêu thương 18/6

Giữ hạnh phúc gia đình bằng tình yêu thương và sự sẻ chia

Theo ông Hoa Hữu Vân, giữ lửa hạnh phúc gia đình, giúp gia đình vượt qua thời đại dịch an toàn và bình yên là một trong những yếu tố cần thiết để giữ cho xã hội được bền vững. Do đó, rất cần sự nỗ lực, ý thức trách nhiệm, tình cảm yêu thương, chia sẻ của mỗi thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước tiếp tục quyết liệt thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nhằm đảm bảo đời sống cho người dân. Đặc biệt là công nhân trong các khu công nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, phấn đấu hướng tới mọi người dân được tiêm vắc-xin, chú trọng trang bị thêm kỹ năng sống nhằm giúp các gia đình có thể giải quyết được các mâu thuẫn, xung đột.

Là một bác sỹ tình nguyện trên tuyến đầu chống dịch, TS.BS Phạm Văn Đếm - khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, giảng viên Đại học Y dược Đại học quốc gia Hà Nội cho biết, đặc thù nghề nghiệp của anh thường xuyên vắng nhà, kể cả trong chế độ làm việc bình thường ở viện vì phải trực. Chính vì vậy, bất cứ khi nào có thể, anh đều dành mọi thời gian để bù đắp cho vợ con, sẵn sàng đi chợ, nấu cơm, đón con đi học… Ngày nghỉ cuối tuần thì dành hết thời gian cho gia đình, những hôm trực không ăn cơm cùng cả nhà được thì thường xuyên gọi về nhà, để kết nối chia sẻ với vợ con, mang lại cho nhau sự ấm áp, tin tưởng.

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, các hoạt động hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam năm nay diễn ra trong thời điểm đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sinh kế và cuộc sống của nhiều gia đình, nhưng cũng chính trong dịch bệnh lại là thời điểm các gia đình lan tỏa tình đoàn kết, yêu thương, sự cảm thông, sẻ chia, tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau nỗ lực, vượt qua khó khăn với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Đó là những người chồng, người vợ, người mẹ sẵn sàng tạm gác niềm vui, hạnh phúc, tình mẫu tử để đi vào tâm dịch, làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu; là các bà, các mẹ, chị em phụ nữ và người dân khắp mọi miền tổ quốc nỗ lực hết mình ủng hộ vật chất, tinh thần và công sức để đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban ngành phòng chống dịch, chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Với vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam luôn xác định công tác“Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Bởi vậy, các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án của Hội đều hướng tới hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Bên cạnh đó, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội cũng tích cực đổi mới phương thức chỉ đạo, tập trung đầu tư nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án về hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình, qua đó, góp phần cải thiện các vấn đề liên quan tới phụ nữ hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” – bà Hà Thị Nga nhấn mạnh.

“ Xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững là các con phải đặt chữ hiếu lên hàng đầu. Hai vợ chồng đều tôn trọng bố mẹ và gia đình hai bên nội ngoại thì mới cảm thấy được tôn trọng nhau. Hai là vợ chồng có sự chia sẻ cả về vật chất lẫn tinh thần, thường xuyên tâm sự để hiểu nhau hơn, cùng nhau giúp đỡ việc nhà, thống nhất quan điểm giáo dục con cái… Kinh tế cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hạnh phúc gia đình, vì vậy, hãy cân đối và chia sẻ để cùng nhau vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19."

Chị Mai Thị Loan, công nhân ở Đông Anh, Hà Nội

" Bí quyết giữ hạnh phúc gia đình của tôi là tập trung tinh thần đến 200-300% để gắn kết, chia sẻ cùng vợ con. Tôi có thể thức dậy lúc 6h sáng để đi chợ, làm mọi công việc gia đình, từ nấu cơm, rửa bát, giặt đồ, tưới cây… Khi thấy vợ buồn thì hỏi han, chia sẻ, thậm chí tìm mọi cách chọc cười để cô ấy được vui. Tôi hiểu phụ nữ rất vất vả khi gánh trên vai công việc nội trợ gia đình, do đó, tôi tình nguyện hỗ trợ vợ và điều đó khiến tôi hạnh phúc. Bữa cơm không cần cứ phải thật ngon mà quan trọng khi người đàn ông trở thành “đầu bếp” và họ dồn hết tâm tình của mình vào món ăn thì chắc chắn vợ con sẽ cảm nhận được thôi"

Nghệ sỹ - MC Quyền Linh 

 HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.